Home Việt Nam Vì sao bánh mì không thể là lương thực, thực phẩm?

Vì sao bánh mì không thể là lương thực, thực phẩm?

Từ lóng ‘kiếm bánh mì’ lâu nay nhằm chỉ các cảnh sát giao thông thổi còi chặn xe chỉ nhằm để được ‘nhét tiền’. Có lẽ ông phó phường đã ‘nhiễm’ cách hiểu dân dã này nên nói rằng ‘bánh mì không là lương thực’.

Nghe đọc bài

Tin tức nóng hổi được nhiều người quan tâm trong thời điểm Chỉ thị 16 phủ toàn miền Nam đó là một đoạn video clip ngắn liên quan đến Phó chủ tịch phường Vĩnh Hòa, thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa.

Theo nội dung clip được cư dân mạng chia sẻ rộng rãi hôm 19-7, một thanh niên bị chặn tại chốt kiểm soát dịch Covid-19. Sau khi người này xuất trình giấy tờ, giải thích lý do ra đường và không biết việc chốt chặn, cán bộ kiểm soát không đồng tình vì cho rằng mua đồ ăn, cụ thể hơn là bánh mì, không phải lương thực – thực phẩm cũng như mặt hàng thiết yếu.

Lương thực, theo một định nghĩa nông học, đó là thức ăn có chất bột như gạo, ngô, khoai, sắn, v.v. (nói khái quát). Thực phẩm thiết yếu hay thực phẩm cơ bản là các loại lương thực, thực phẩm (chủ yếu là lương thực) được con người dùng làm thức ăn thường xuyên và với số lượng lớn, mang tính ổn định, lâu dài và bản thân các loại thực phẩm này cấu tạo thành một thành phần không thể thiếu của chế độ ăn uống và là các món chính trong bữa ăn hàng ngày.

Là một sản phẩm được tạo ra từ bột mì, bánh mì là một loại đồ ăn rất phổ biến của người Việt, bao gồm vỏ là một ổ bánh mì nướng có da giòn, ruột mềm; bên trong là phần nhân.

Bánh mì được xem là một loại thức ăn nhanh và bình dân dành cho buổi sáng, hoặc bất kỳ thời điểm nào trong ngày. Bánh mì có nhiều loại giá khác nhau tùy theo bên trong ruột bánh có gì hoặc chỉ đơn thuần là một ổ bánh mì không, chính vì thế, món bánh mì phù hợp cho nhiều người từ người nghèo khó cho đến khá giả.

Như vậy, có thể nói, bánh mì cũng chính là một phần lương thực, thực phẩm thuộc loại thiết yếu, phổ thông của người dân Việt Nam.

“Chắc chắn là như vậy rồi. Tôi không thể hiểu nổi đâu ra cái suy nghĩ đó của ông phó chủ tịch. Hay chăng, ông đã quen sống trong cảnh nhung lụa, quần là áo lượt nên quên mất đi cái món bình dân của người nghèo, bánh mì.

Nếu quả thật đúng như thế, phải xem lại tư cách của ông phó chủ tịch này, không thể thấu hiểu nỗi niềm, nỗi khó khăn của người dân, có xứng đáng làm phó chủ tịch hay không?” – ông Nguyễn Hữu Đức, người từng bán dạo “bánh mì Sài Gòn”, ý kiến.

“Nếu nói bánh mì không phải lương thực, thực phẩm vậy cho hỏi bánh mì, nếu không hư, có ăn được không? Những tủ bánh mì từ thiện ở nhiều ngả đường Sài Gòn thì sao? Mình nhớ có thời gian người Hàn Quốc chê bánh mì Việt Nam gì đó, người dân Việt Nam đã lên tiếng bênh vực bánh mì như thế nào! Ông Phó chủ tịch có dám chắc ông, gia đình, họ hàng chưa bao giờ ăn bánh mì không?” – bà Hồng, một ngụ cư gốc Châu Đốc đang mưu sinh ở Sài Gòn, bức xúc.

“Điều đáng nói ở đây không chỉ là bánh mì, mà còn là thói tự tiện, kiểu luật trong tay tao, tao muốn làm gì thì làm. Cảnh sát giao thông muốn giam bằng lái hay giấy tờ xe, cũng phải chứng minh anh/ chị vi phạm lỗi gì, lỗi đó có giam bằng nào hay không.

Còn đằng này, là một phó chủ tịch, người ta không vi phạm giao thông, anh lấy quyền gì đi giam bằng người ta? Nếu anh lấy lý do người ta vi phạm chỉ thị 16, tạm thời khoan nói đến bánh mì có thiết yếu hoặc có xuất trình được giấy tờ đi đường hay không, hình như, theo tôi nhớ, trong chỉ thị 16 không có cái quy định vi phạm sẽ bị thu giữ bằng lái” – ông Đức nói tiếp.

“Cá nhân em thì thấy lạ ở điểm này. Báo Thanh Niên có viết một đoạn: “bà Nguyễn Thị Hà, Chủ tịch UBND phường Vĩnh Hòa cho biết qua xác minh ban đầu đoạn clip này được quay ngày 18-7, do ông Trần Lê Hữu Thọ, phó chủ tịch phường, quay lại để làm bằng chứng, nhưng không hiểu sao nó xuất hiện trên mạng xã hội”.

Em không hiểu ý bà Hà làm bằng chứng là sao khi ông Thọ sai sờ sờ ra đó. Không lẽ ổng muốn giữ lại làm bằng chứng tố cáo ổng sai? Cho nên, có thể hiểu, bằng chứng ở đây là để chứng minh cái anh thanh niên trong clip là sai, điều đó có đồng nghĩa bà Hà ủng hộ ông Thọ thông qua cách nói, cách nghĩ đó không?

Rồi lại không hiểu sao nó xuất hiện trên mạng xã hội, có nghĩa là nếu nó không xuất hiện trên mạng xã hội, cái sai sẽ được ém nhẹm? Đó là chưa kể, báo dẫn tiếp “Phường đang truy tìm người đưa đoạn clip này để có biện pháp tháo gỡ nhưng chưa tìm được”, sao giống kiểu truy cứu trách nhiệm người đưa clip ra thế?” – một sinh viên trường luật, ý kiến.

Người viết cho rằng tại sao không có biện pháp kỷ luật tương xứng cho ông Trần Lê Hữu Thọ về thái độ, hành vi, cử chỉ, lời nói cũng như suy nghĩ, tầm nhìn của ông đối với người dân, mà lại dùng quyền lực của chính quyền để truy tìm người đưa đoạn clip lên để làm gì?

Đừng quên, theo tinh thần Đại hội XIII của Đảng với phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”.

Theo VNTB