Về những cái chết bất minh trong đồn công an

Một vụ chết bất minh trong đồn công an ở Phú Yên đã rơi vào quên lãng
Nghe đọc bài

Một luật sư đặt vấn đề về số người chết trong đồn công an không được công bố trong lúc báo đảng thường tường thuật các vụ này là do “tự tử”.

Liên tiếp trong tháng 8, đã có hai người bị chết oan và một người bị hôn mê sau khi bước vào đồn công an:

TP.HCM: Ngày 16/8/2023, Nạn nhân là ông NQT, 40 tuổi, sau một tuần bị công an huyện Hóc Môn bắt tạm giam về hành vi “Buôn lậu thuốc lá”, đã chết tại bệnh viện Chợ Rẫy.

Theo giấy báo tử của Bệnh viện Chợ Rẫy, ông T. chết lúc 3 giờ 26 phút ngày 16/8 và nguyên nhân do tổn thương ổ của não, vỡ xương mũi, gãy 7 xương sườn bên trái, tổn thương phổi…

“Trước khi bị tạm giữ, sức khỏe của chồng tôi bình thường, không bị đau ốm. Tôi mong muốn cơ quan chức năng sớm làm rõ nguyên nhân tử vong của chồng tôi”, bà G. cho biết.

Hà Giang: Ngày 19/8/2023, Nạn nhân là Nguyễn Văn Hưng, 44 tuổi, đến từ thôn Cầu Giát, xã Phúc Ninh, huyện Yên Sơn, tỉnh Tuyên Quang.

Ông Hưng bị công an thành phố Hà Giang bắt vào tối ngày 17/8, khi đang giải quyết chuyện nợ nần cá nhân tại nhà của một người dân ở thành phố Hà Giang.


Ngày hôm sau, 18/8, phía công an đã thông báo cho gia đình về việc bắt tạm giam ông Nguyễn Văn Hưng, tuy nhiên không cho biết lý do.

Trong cùng ngày, bà Đặng Thu Hoài, vợ đương sự, đã tới thăm chồng tại trại tạm giam công an thành phố Hà Giang, và nhìn thấy vết bầm tím trên mặt chồng mình. Bà Hoài sau đó hỏi liệu ông Hưng có phải đã bị tra tấn, đánh đập không và được ông này xác nhận.

Đến sáng ngày 19/8, bà Hoài nhận được thông báo từ phía công an thành phố Hà Giang, cho biết rằng chồng bà đã tử vong. Phía công an cho rằng ông Hưng đã tự sát bằng cách tự buộc chân, buộc tay và tự dìm đầu vào bể nước.

Hải Phòng, lại là Hải Phòng: Nạn nhân thứ ba là ông Trần Đức Trình, 37 tuổi. Ông này bị công an địa phương dẫn giải về nhà trong tình trạng cùm tay vào tối 15/8, hoàn toàn khỏe mạnh, bình thường và bị công an đưa đi ngay sau đó, để điều tra về một vụ trộm cắp tài sản.

Hai ngày sau, 17/8, gia đình ông nhận được điện thoại báo tin ông Trình bị tai biến nhẹ và đã được Công an quận đưa vào Bệnh viện Đa khoa Kiến An, TP Hải Phòng cấp cứu.

Chỉ sau hai ngày tạm giữ, ông Trình từ một người khỏe mạnh đã rơi vào tình trạng hôn mê, mặt mũi bầm dập, tím tái. Bác sĩ chẩn đoán ngoài việc bị tụ máu não, chấn thương vùng mặt còn bị gãy ba xương sườn bên trái.

Hiện ông này đã được gia đình chuyển lên Bệnh viện Bạch Mai ở Hà Nội do tình trạng bệnh chuyển nặng và vẫn hôn mê.
Xa hơn chút nữa, có các vụ tột cùng của sự ác khác như:

Phú Yên: Năm 2012, theo hồ sơ vụ án, do tình nghi ông Ngô Thanh Kiều (30 tuổi, ở xã Hòa Đồng, huyện Tây Hòa, tỉnh Phú Yên) có tham gia một số vụ trộm cắp tài sản lớn, rạng sáng 13/5/2012, công an đã đến nhà bắt ông và sáng cùng ngày đưa về trụ sở Công an Tuy Hòa làm việc.

Tại đây, từ 8g đến gần 13g cùng ngày, 5 công an Thành, Quyền, Mẫn, Quang, Huy đã thay nhau dùng dùi cui cao su có lõi sắt liên tục đánh đập ông Kiều trong khi ông này bị còng tay vào ghế trong tình trạng đói khát.

Đến chiều cùng ngày, khi ông Kiều được đưa đến Phòng CSĐT tội phạm về trật tự xã hội Công an tỉnh Phú Yên thì ông ngất xỉu, được đưa đi cấp cứu tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Phú Yên thì chết.

Vĩnh Long: Tối 2/5/2015, anh Nguyễn Hữu Tấn bị Cơ quan An ninh điều tra bắt khẩn cấp để điều tra về hành vi phát tán tài liệu chống nhà nước, tạm giam tại trại tạm giam Công an tỉnh.
Khoảng 10 giờ 55 phút sáng 3/5, trong quá trình hai cán bộ điều tra ghi lời khai, anh Tấn xin nước uống và sau đó xin điếu thuốc để hút.

Tuy nhiên, theo báo cáo của công an, lợi dụng lúc các cán bộ điều tra vừa ra khỏi phòng, anh Tấn đã lục tìm con dao rọc giấy được cất trong cặp riêng của cán bộ rồi cắt liên tiếp vào vùng cổ để tự sát.

Chỉ trong 3 phút, khi 2 cán bộ điều tra quay vào, anh Tấn đã bị choáng vì mất nhiều máu và chết sau đó.
Theo một báo cáo của Bộ Cônan được tiết lộ hồi tháng 3 năm 2015 thì trong giai đoạn từ tháng 10 năm 2011 đến tháng 9 năm 2014, đã có 226 trường hợp chết tại các cơ sở tạm giam, tạm giữ của công an trên toàn quốc.

Tuy nhiên, số liệu tù nhân, người chết trong đồn công an, người bị tử hình cũng như số lượng trại tạm giữ, tạm giam là tài liệu mật. Ngay cả định vị trại giam trên các ứng dụng chỉ đường cũng bị xóa.

Số liệu nạn nhân chết khi “bị mời” đến đồn công an trong giai đoạn tiền tố tụng (chưa bị khởi tố bị can, chưa bị tạm giữ, tạm giam) không được ghi nhận.

Cho nên số liệu trên chỉ là phần nổi của tảng băng trôi, không phản ánh trung thực số người chết thực sự trong đồn.
Để đối phó với tình trạng “tự nguyện” chết trong đồn công an, các nhà hoạt động thường làm sẵn một “Tờ minh định”. Minh định có nghĩa là định rõ, xác định một cách rõ ràng.

Tờ minh định, một hình thức kêu đòi công lý, một khi công an không thực thi pháp luật cách đúng đắn, luật sư còn bị cản trở thi hành trách phận ngay khi thân chủ bị công an mời, thì nó vẫn là “bùa hộ mệnh” cho người trước khi bước vào đồn công an.

Nguyễn Văn Miếng