Trò hề ‘phiếu tín nhiệm’ bao giờ mới kết thúc?

Nguyễn Kim Sơn đội sổ "tín nhiệm thấp" trong lúc Phan Văn Giang đứng đầu "tín nhiệm cao"
Nghe đọc bài

Trong đội ngũ cai trị hiện hành có những kẻ hư hỏng, không được tín nhiệm nữa, cần bị loại bỏ, thì phải bất tín nhiệm, chứ chúng còn được tín nhiệm đâu mà bày biện “tín nhiệm cao, tín nhiệm, tín nhiệm thấp”.

Cứ tưởng trò bỏ phiếu tín nhiệm nảy nòi từ năm 2012 bị dẹp, bị vứt vào sọt rác rồi, ai dè sau hơn chục năm nó được dựng lại, có phần hoành tráng hơn.


Cái gì liên quan đến “phiếu” ở xứ này đều đáng sợ, kể cả tem phiếu thời bao cấp lẫn phiếu bầu bán này nọ. Giờ đào xới từ ký ức, nhớ lại mấy ô phiếu-tem, cái thì quy định được mua 25 gam thịt (to bằng cái lưỡi mèo), cái thì 20cm vải (bằng chiếc khẩu trang), cái thì 100 gam lương thực (gạo) vẫn rùng mình. Rồi mỗi kỳ bầu cử “sáng suốt lựa chọn những người xứng đáng bầu vào quốc hội và hội đồng nhân dân các cấp” (lần nào cũng câu này), tivi hát “cầm lá phiếu trên tay chúng ta đi bầu” nhưng ai cũng hiểu họ chả cần mình bầu, phiếu mới chả phiếc, bởi chưa bầu đã biết ai trúng, nhất là tứ trụ, thậm chí biết trước cả tháng. Tin đồn, thông tấn xã vỉa hè luôn trúng phóc. Kể từ khi cộng sản cầm quyền luôn diễn ra như vậy. Họ có đủ cả, chỉ thiếu mỗi quyền dân chủ thực sự.


Người ta vẫn kể cho nhau nghe chuyện tay trùm Stalin chỉ đạo đàn em tổ chức bỏ phiếu. Khi bọn kia thật thà muôn tâu thánh thượng, nếu bỏ phiếu thì chúng ta thua mất, y liền cười, bay làm cách mạng nhưng đé.o biết gì, ăn nhau ở khâu kiểm phiếu chứ không phải bỏ phiếu. Cả bọn được giác ngộ lý luận cách mạng vô sản cười như nghé. Chuyện Liên Xô nghe như chuyện nhà. Ông Xít ta ở nước Nga/mà em lại thấy rất là Việt Nam, cụ thần đồng Trần Đăng Khoa nhể.


Trong một bộ máy cai trị, không phải người nào cũng tài giỏi đạo đức, được cả hồng lẫn chuyên. Không ít đứa leo lên từ kênh đoàn hội, hoặc ngạch “hồng phúc của dân tộc”, và nhất là chọn nhầm, theo kiểu đảng cử – dân bầu. Tuy nhiên, thực chất của cán bộ chỉ cần thời gian ngắn là lộ ra. Vì vậy, cũng nên có sự sàng lọc, mà bỏ phiếu tín nhiệm là một cách. Cách tốt nhất, đúng nhất là trưng cầu dân ý, lấy ý kiến nhân dân, để dân bỏ phiếu tín nhiệm. Còn kiểu nội bộ, loanh quanh với nhau, nói thật, chỉ diễn, biện pháp cải lương, dân túy, cốt làm cho có, chỉ là biện pháp cải tạo nửa vời đối với một bộ máy đang rệu rã, ốc vít hỏng hóc, rỉ sét, cùn mòn. Cứ kiểu bệnh hình thức này, dù mỗi năm, thậm chí mỗi tháng lấy phiếu tín nhiệm một lần cũng chẳng thay đổi được gì.


Lạ ở chỗ, những ai tâm huyết với đất nước và nhân dân lên tiếng về cách “làm ăn” nhố nhăng đều bị họ coi là thế lực thù địch, phản động, quan điểm sai trái. Chỉ những anh luôn tự cho mình đúng thì mới vu cho người khác sai trái. Mặt trời còn có lỗ đen, huống hồ con người và thể chế do con người tạo ra. Nếu các vị đúng trăm phần trăm (họa là thánh), sạch hơn nước cất, thì hãy quy cho người khác sai trái. Đừng cái thói cứ thấy ai khác ý mình, không đi chung với mình thì kết án người ta sai trái. Chỉ ra một điều sai trái còn giá trị hơn tỉ lần thói a dua, nịnh hót. Trung ngôn nghịch nhĩ. Ngồi ghế cửu trùng cần phải biết điều đó, chứ tự lừa mình và lừa người khác thì còn nói làm gì.


Bỏ phiếu, lấy phiếu tín nhiệm ư? Cũng được, nhưng phải làm thực chất, đừng biến nó thành trò cười. Nếu các vị thực sự muốn sửa chữa, thay đổi, tìm kiếm kết quả chính xác của lá phiếu tín nhiệm, chỉ cần bỏ phiếu với hai mức: Tín nhiệm, bất tín nhiệm. Không lôi thôi. Trong đội ngũ cai trị hiện hành có những kẻ hư hỏng, không được tín nhiệm nữa, cần bị loại bỏ, thì phải bất tín nhiệm, chứ chúng còn được tín nhiệm đâu mà bày biện “tín nhiệm cao, tín nhiệm, tín nhiệm thấp”. Làm chính trị mà cứ như đang diễn hài.


Vở hài cười ra nước mắt này chẳng biết khi nào mới kết thúc. Đời không thiếu gì người tài đức để thay thế đám hư hỏng kia, nhưng chúng nó vẫn nhơn nhơn tồn tại bởi chúng không bị bất tín nhiệm, chúng vẫn còn được đồng chí (chứ không phải dân) tín nhiệm, dù là tín nhiệm thấp.


Nguyễn Thông