Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe từ chức vì sức khỏe, lãnh đạo Việt Nam thế nào?

Nghe đọc bài

Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe vào lúc 17 giờ chiều 28/8 đã tiến hành họp báo, chính thức thông báo ông sẽ từ nhiệm chức Thủ tướng vì lý do sức khỏe.

Theo lời người đứng đầu chính phủ Nhật, ông quyết định từ chức vì không muốn căn bệnh của ông dẫn tới những sai lầm trong các quyết sách quan trọng. Ông Shinzo Abe cho rằng ông không thể làm Thủ tướng nếu không thể đưa ra những quyết định tốt nhất cho người dân nước Nhật.

Tình hình sức khỏe của ông Abe được ông cho hay đã bắt đầu suy giảm từ giữa tháng 7 và việc điều trị cần phải liên tục. Vì vậy, ông sẽ không có đủ thời gian để lãnh đạo Nhật Bản.

Từ Hà Nội, Giáo sư Nguyễn Khắc Mai, nguyên Vụ truởng Vụ Nghiên cứu, Ban Dân vận Trung ương, Chủ tịch Trung tâm Minh Triết cho rằng quyết định từ chức của ông Shinzo Abe là hành động cư xử của một xã hội văn minh. Ông Mai nhận xét:

“Như thế tức ông rất có trách nhiệm với dân tộc và chính phủ, người dân của mình. Người ta không còn đủ sức khỏe nữa thì xin tìm người thay thế là người khỏe mạnh, đủ sức chèo chống con tàu đưa đất nước, dân tộc phát triển. Đấy là một hạnh phúc của dân tộc Nhật, đất nước Nhật. Không giống như những anh chàng lú lẩn ở Việt Nam, già nua, nói trước quên sau nhưng vẫn bám vào ngôi vị mà làm không đến nơi đến chốn công việc của mình. Sẽ là một bất hạnh cho quốc gia nào như Việt Nam không có nổi một con người như vậy (như ông Abe), biết tự trọng, biết khiêm nhường, biết lúc nào ngừng, lúc nào nghỉ, cái đấy gọi là người vừa có trí trí, vừa có đức.”

Vẫn theo Giáo sư Nguyễn Khắc Mai, qua việc Thủ tướng Nhật từ chức vì lo ngại không hoàn thành trách nhiệm, các lãnh đạo chính phủ Hà Nội cần xem đó như một bài học lớn để biết thêm về cách ứng xử.

Trao đổi với RFA tối 28/8, Nhà báo độc lập Ngô Nhật Đăng đưa ra nhận định về quyết định từ nhiệm của Thủ tướng chính phủ mặt trời mọc, từ đó nhìn lại Việt Nam:

“Chúng ta thấy có sự khác biệt giữa hai hệ thống. Người lãnh đạo đất nước tất nhiên sẽ khổ vì lãnh đạo một nước rất quan trọng, quyết định điều hành cả đất nước. Về mặt sức khỏe nếu không ổn định thì không làm sao đủ sức khỏe làm. Trong khi đó ở Việt Nam chúng ta cũng thấy hầu như các lãnh đạo ngồi trên các vị trí đến trọn đời, chắc chắn tôi cho đó là một chính sách nếu mà giữ gìn sức khỏe đã không làm lại. Chúng ta thấy được sự khác biệt giữa sức khỏe của lãnh đạo toàn nằm trong bí mật quốc gia. Ta đã quen thuộc việc không biết tình hình sức khỏe những người lãnh đạo thế nào. Đấy là việc rất nguy hiểm.”

Thời gian vừa qua, nhiều nguồn tin không chính thống về tình hình suy giảm sức khỏe của Tổng Bí thư kiêm Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã được lan truyền rộng rãi.

Cụ thể, tin đồn ông Nguyễn Phú Trọng nhập viện sáng 14/4 trong lúc đang thăm tỉnh Kiên Giang được lan truyền rộng rãi trên các trang mạng, diễn đàn.

Truyền thông trong nước khi đưa tin về những cuộc họp, sự kiện, cũng không thấy hình ảnh ông Nguyễn Phú Trọng.

Tổng Bí thư kiêm Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng chủ trì cuộc họp lãnh đạo chủ chốt sáng ngày 14/5

Tổng Bí thư kiêm Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng chủ trì cuộc họp lãnh đạo chủ chốt sáng ngày 14/5 Screen capture of TTXVN video

Mãi đến ngày 25/4, trả lời phóng viên trong buổi họp báo thường kỳ, Phát ngôn nhân Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng đã nói nguyên văn như sau: “Do cường độ làm việc cao, thời tiết thay đổi đã ảnh hưởng tới sức khỏe của đồng chí Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng. Đồng chí Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng sẽ sớm trở lại làm việc bình thường”.

Sau đó, báo Nhà nước Việt Nam có đoạn video tin tức vào ngày 14/5 cho thấy Tổng Bí thư kiêm Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng chủ trì cuộc họp lãnh đạo chủ chốt tại Hà Nội.

Tuy nhiên, số lần ông Trọng xuất hiện công khai được ghi nhận vẫn rất hạn chế.

Theo nhà báo Ngô Nhật Đăng, từ chuyện không công khai sức khỏe lãnh đạo có thể gây ra nhiều ảnh hưởng tiêu cực cho tình hình đất nước. Ông lập luận:

“Hiện tại chính quyền quyền lực hóa của ông Nguyễn Phú Trọng, Tổng Bí thư kiêm Chủ tịch nước. Ta thấy đất nước cho đến lúc này rất nhiều chuyện từ dịch bệnh, tình hình thiên tai, phát triển kinh tế mà mấy tháng nay ta chưa hề thấy nguyên thủ quốc gia xuất hiện thì làm sao đất nước qua được. Nguyên thủ quốc gia vắng mặt bỏ rơi trách nhiệm lãnh đạo đất nước của mình, người lãnh đạo đã từ bỏ quyền lãnh đạo đất nước muốn thoái hóa kinh tế. Tôi cho rằng tình trạng này sẽ gây ra sự không ổn định cho quốc gia.”

Đồng quan điểm nêu trên, Giáo sư Nguyễn Khắc Mai đưa ra nhận định:

“Việt Nam cứ coi sức khỏe lãnh đạo như một bí mật. Vì sao họ muốn giữ bí mật ấy? Vì cái gốc là họ muốn tham quyền cố vị, không muốn nhường chức cho ai. Đấy là thói xấu, đạo đức kém bày trò ra là tự nhiên sức khỏe lãnh đạo trở thành bí mật quốc gia.”

Vì vậy, theo quan điểm cá nhân, nhà báo Ngô Nhật Đăng cho rằng, từ chuyện bé như công khai tình hình sức khỏe lãnh đạo mà chính phủ Hà Nội đã bỏ qua, thì chuyện lãnh đạo xin từ nhiệm vì lý do sức khỏe như các nước khác lại càng khó xảy ra:

“Chúng ta nên coi tư duy một cách rất bình thường là người điều hành quốc gia như một người điều hành công ty chẳng hạn, người Tổng giám đốc khi sức khỏe không còn, không thể điều hành lãnh đạo công ty nữa thì nên từ chức. Nhưng chúng ta cũng thấy rằng chế độ đang cai trị cho thấy tình trạng như thế, tức mọi người coi sinh hoạt chính trị thực ra không cần thiết. Đảng coi quyền lực chính trị là độc quyền của mình thì sẽ rất khó có chuyện tự nguyện từ chức. Khi còn độc đảng, còn ý thức hệ thì chắc chắn sẽ không có chuyện họ tự nguyện từ chức.”

Không riêng tại Nhật Bản, nhiều chính khách ở những quốc gia khác cũng từ nhiệm vì lý do sức khỏe. Điển hình như Bộ trưởng Tài chính Hy Lạp Vassilios Rapanos vào tháng 6/2012 đã từ chức vì lý do sức khỏe sau khi nhập viện, hay như Bộ trưởng Ngoại giao Brazil Jose Serra đưa đơn từ chức vì lý do sức khỏe vào năm 2017…

Tuy nhiên, tại Việt Nam, nhiều chuyên gia nhận xét việc các lãnh đạo tự xin từ chức vì lý do sức khỏe đa phần đều là những người có những sai phạm và muốn hạ cánh an toàn.

Theo RFA