Tàu sân bay Mỹ có thể dùng nhiều UAV hơn máy bay thường

Nghe đọc bài

Chuẩn đô đốc Harris cho biết một không đoàn tàu sân bay Mỹ sẽ sở hữu ít nhất 50% UAV hoặc hơn trong số máy bay của mình.

Hải quân Mỹ sẽ tiếp cận “dòng hệ thống” cho khí tài chiếm lĩnh ưu thế trên không thế hệ tiếp theo (NGAD). Chương trình này sẽ sử dụng máy bay, cảm biến và các thiết bị khác để phối hợp và bổ sung cho nhau nhằm ngăn chặn các mối đe dọa, chuẩn đô đốc Gregory Harris, người đứng đầu Cục Tác chiến Trên không của hải quân Mỹ, nói trong sự kiện của Liên đoàn Hải quân ngày 30/3.

“Chúng tôi kỳ vọng rằng dòng hệ thống đó sẽ kết hợp giữa máy bay có người lái và không người lái (UAV) ngay từ bây giờ, hướng đến tỷ lệ 40% UAV và 60% máy bay có người lái trong một không đoàn. Tỷ lệ này sau một thời gian sẽ chuyển sang 60% UAV và 40% máy bay không người lái”, Harris nói. “Một không đoàn sẽ sở hữu ít nhất 50% UAV hoặc hơn”.

Chuẩn đô đốc Harris nói cách tiếp cận này sẽ tập trung vào dòng máy bay thế hệ tiếp theo F/A-XX, được phát triển để thay thế F/A-18E/F. Hải quân Mỹ đang cân nhắc xem liệu F/A-XX sẽ là máy bay có người lái, UAV hay tự động một phần. “Chúng tôi không coi NGAD là một chiếc máy bay đơn lẻ”, Harris nói.

Tiêm kích F/A-18 cất cánh từ tàu sân bay USS Nimitz tại Biển Arab ngày 12/1. Ảnh: US Navy.

Tiêm kích F/A-18 cất cánh từ tàu sân bay USS Nimitz tại Biển Arab ngày 12/1. Ảnh: US Navy.

Các quan chức không quân Mỹ trước đó giải thích NGAD không phải là một nền tảng hoặc công nghệ máy bay duy nhất. NGAD được tạo thành từ một mạng lưới tiêm kích, cảm biến và vũ khí tiên tiến, ngoài ra có thể gồm tiêm kích có người lái và UAV trợ chiến bay cùng nhau.

Harris cho biết hải quân Mỹ đang xây dựng khái niệm ghép nối UAV với máy bay có người lái. Các UAV này có thể tham chiến trên không và là nền tảng tác chiến điện tử. “Chúng có thể là nền tảng cảnh báo sớm. Chúng tôi phải thay thế E-2D vào một thời điểm nào đó”, Harris nói đến mẫu máy bay cảnh báo sớm trên tàu sân bay Mỹ.

Harris nói hải quân Mỹ ra nhiều quyết định dựa trên hiệu quả của mẫu UAV tiếp liệu MQ-25. Các lãnh đạo hải quân Mỹ hồi tháng 11/2020 cho biết muốn đặt 20 UAV tiếp liệu MQ-25 nhằm “cách mạng hóa” các không đoàn trên tàu sân bay. Hải quân Mỹ đang nghiên cứu cách sử dụng UAV tiếp liệu, thực hiện hoạt động tình báo, giám sát và trinh sát nhằm nâng cao năng lực không đoàn tàu sân bay.

Hải quân Mỹ năm ngoái thành lập văn phòng chương trình NGAD trong nỗ lực tăng tốc độ biên chế tiêm kích mới trước năm 2030. Quân chủng này đang nghiên cứu phát triển mẫu máy bay thế hệ mới F/A-XX và máy bay tác chiến điện tử thay cho EA-18G.

Hồi tháng 9/2020, không quân Mỹ cho biết đã chế tạo và thử nghiệm một máy bay có thể trở thành tiêm kích tiên tiến trong tương lai, thậm chí là một phần sáng kiến “dòng hệ thống” của họ. Không quân Mỹ đang triển khai chương trình NGAD cùng lộ trình phát triển tiêm kích tương lai của quân chủng.

Nguyễn Tiến (Theo Military)