‘Tàu Moskva thực sự đã cũ, đã có kế hoạch bị loại bỏ trong 5 năm’

Moskva có trọng tải choán nước hơn 12.000 tấn, là tàu chiến có tải trọng lớn nhất bị chìm kể từ sau chiến hạm Yamato của Nhật Bản trong Thế chiến 2
Nghe đọc bài

“Tàu Moskva thực sự đã rất cũ. Trên thực tế, Nga đã có kế hoạch loại bỏ nó trong vòng 5 năm tới,” nhà phân tích quân sự Nga Alexander Khramchikhin cho biết.

Được đưa vào hoạt động năm 1983, tàu Moskva lớp Slava được tái trang bị vào năm 2010. Tàu cung cấp tổ hợp phòng không tầm xa di động cho hạm đội, cũng như các hệ thống chỉ huy và kiểm soát.

Theo chuyên gia, những khả năng này không dễ thay thế.

“Đây là lớp tàu duy nhất của hải quân Nga hiện có trang bị hệ thống phòng không tầm xa”, Sidharth Kaushal, nhà nghiên cứu về các lực lượng trên biển tại Viện Nghiên cứu Quốc phòng và An ninh Hoàng gia Anh tại London, cho biết.

“Điều đó quan trọng bởi vì đối với loại hoạt động mà Hạm đội biển Đen được xây dựng để thực hiện, Moskva có khả năng tạo ra năng lực phòng không cho phần còn lại của hạm đội, đồng thời cung cấp quyền chỉ huy và kiểm soát”, ông Kaushal nói.

Moskva có trọng tải choán nước hơn 12.000 tấn, là tàu chiến có tải trọng lớn nhất bị chìm kể từ sau chiến hạm Yamato của Nhật Bản trong Thế chiến 2, theo Wall Street Journal.

Hình ảnh nghi chụp soái hạm Moskva vào khoảnh khắc trước khi chìm ở Biển Đen

Mất Moskva, hạm đội Nga ở biển Đen vẫn còn khoảng 60 tàu chiến các loại, theo AFP.

Dù Moskva chìm có tác động đến năng lực của Hải quân Nga ở biển Đen, chuyên gia cho rằng việc này không ảnh hưởng nhiều tới “chiến dịch quân sự đặc biệt” của Nga tại Ukraine.

Mất Moskva là tổn thất lớn cho hạm đội nói riêng. Tuy vậy, trên thực địa, Nga vẫn có thể đảm bảo năng lực phòng thủ tầm xa từ tổ hợp phòng không S-400 được bố trí ở Crimea.

“Con tàu này thực sự đã rất cũ. Trên thực tế, Nga đã có kế hoạch loại bỏ nó trong vòng 5 năm tới”, Reuters dẫn lời nhà phân tích quân sự Nga Alexander Khramchikhin cho biết.

Với những tàu chiến còn lại, năng lực răn đe của Hải quân Nga vẫn không suy giảm.

Sau hai tháng chiến sự, khả năng hỗ trợ từ biển đến từ tên lửa Kalibr lắp đặt trên nhóm tàu hộ vệ.

Nổi bật là ba khinh hạm (frigate) lớp Admiral Grigorovich, nặng 4.000 tấn, có khả năng tàng hình trước radar và cảm biến hồng ngoại.

Lớp tàu này có 8 ống phóng có thể mang theo tên lửa hành trình Kalibr, có tầm bắn khoảng 2.500 km, đã được Nga sử dụng nhắm vào nhiều mục tiêu quân sự, theo Washington Post.

Trên tàu còn có 32 ống phóng tên lửa phòng không Buk, ngư lôi, và mang theo một trực thăng săn ngầm Ka-27PL.

Moscow có kế hoạch đóng 6 khinh hạm lớp Admiral Grigorovich. Tuy nhiên, do loại tàu này sử dụng động cơ turbine khí do Ukraine chế tạo, xung đột giữa hai nước kể từ năm 2014 khiến Nga chỉ có thể đưa 3 khinh hạm này vào biên chế.

Tiềm lực của Hạm đội biển Đen còn được hỗ trợ bởi 6 tàu ngầm lớp Kilo được cải tiến, thuộc Lữ đoàn Tàu ngầm số 4.

Tàu ngầm Kilo có thể di chuyển hơn 12.000 km và lặn sâu tối đa 300 m, phù hợp cho hoạt động tuần tra ở vùng nước nông trên biển Đen.

Tàu ngầm chạy bằng diesel này có thể mang theo 18 ngư lôi hạng nặng, cũng có khả năng mang theo tên lửa hành trình Kalibr.

Ngoài ra, 20 tàu hộ vệ (Corvette) với năm lớp tàu riêng biệt được trang bị tên lửa hành trình hoặc tên lửa chống hạm để đảm bảo năng lực tấn công và phòng thủ của Hạm đội biển Đen.