Sau vụ tên lửa rơi ở Ba Lan, NATO thử nghiệm hệ thống phòng không

Máy bay Rafale của Pháp cất cánh từ tàu sân bay Charles de Gaulle
Nghe đọc bài

Vụ tên lửa rơi ở Ba Lan hôm 15/11 đã nhấn mạnh sự cần thiết đối với NATO trong việc lấp thêm những khoảng trống trong lá chắn phòng không của họ.

Các đồng minh NATO hôm 23/11 tập trận để thử nghiệm khả năng phòng thủ tên lửa và phòng không ở Romania, khoảng một tuần sau vụ tên lửa rơi tại Ba Lan.

Một hệ thống phòng không của Pháp được triển khai tới Romania đã đẩy lùi cuộc tấn công mô phỏng từ chiến đấu cơ của lực lượng đồng minh, Bộ Tư lệnh Không quân Đồng minh của NATO ở Ramstein (Đức), cho biết, Reuters đưa tin.

Các máy bay chiến đấu F-16 của Thổ Nhĩ Kỳ, Eurofighters của Tây Ban Nha, máy bay được thiết kế cho tác chiến điện tử của Mỹ và máy bay Rafale của Pháp từ tàu sân bay Charles de Gaulle đã tham gia cuộc tập trận này.

“Để phản ứng trước cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine, chúng tôi tiếp tục tăng cường khả năng răn đe và phòng thủ ở phía đông của liên minh”, người phát ngôn của NATO Oana Lungescu cho biết.

Bà cho biết liên minh này bổ sung thêm nhiều máy bay chiến đấu và máy bay giám sát, cùng với nhiều hệ thống phòng không trên mặt đất và tàu có khả năng phòng không trên biển.

“Các cuộc tập trận như vậy đảm bảo rằng lực lượng NATO có thể hoạt động cùng nhau và luôn sẵn sàng ứng phó với bất kỳ mối đe dọa nào từ bất kỳ hướng nào”, bà nhấn mạnh.

Vụ tên lửa rơi ở Ba Lan hôm 15/11 đã nhấn mạnh sự cần thiết đối với NATO trong việc lấp thêm những khoảng trống trong lá chắn phòng không của họ.

Vụ việc tên lửa rơi xuống ngôi làng ở Ba Lan là lần đầu tiên một quốc gia NATO chịu thiệt hại trực tiếp trong lãnh thổ liên quan đến xung đột ở Ukraine. NATO, Mỹ và một số quốc gia khác đã nhận định rất có thể tên lửa này là do lực lượng Ukraine phóng đi.