Home Thế Giới Sách hướng dẫn tham quan các ‘‘Khu vườn đặc sắc’’ của Pháp

Sách hướng dẫn tham quan các ‘‘Khu vườn đặc sắc’’ của Pháp

Nghe đọc bài

Trong tuần này, một cuốn sách hướng dẫn du lịch với chủ đề các ‘‘Khu vườn đặc sắc’’ của vùng Île de France vừa được cho ra mắt độc giả. Dày khoảng 130 trang, quyển sách mới này do Nhà xuất bản ‘‘Éditions du Patrimoine’’ phát hành. Đây là một tủ sách chuyên về vấn đề bảo tồn các di sản lịch sử, kiến trúc và văn hóa.

Dự trù được xuất bản vào đầu tháng Ba năm nay, việc cho ra mắt sách với người đọc đã được dời lại cho đến tận bây giờ vì dịch Covid-19. Lùi lại để lấy đà nhảy xa hơn : rốt cuộc, ngày ra mắt quyển sách lại rơi vào một thời điểm khá thích hợp. Sau hơn hai tháng phong tỏa, nước Pháp cuối cùng bước vào thời kỳ nghỉ hè. Đối với những người dân nào không có cơ hội đi nghỉ mát hay đi chơi xa, quyển sách hướng dẫn giúp cho độc giả khám phá những khu vườn hay công viên ngoạn mục ‘‘Les Jardins Remarquables’’ ngay tại ở vùng Île de France, tức thành phố Paris và các vùng phụ cận.

‘‘Khu vườn đặc sắc’’ (Jardins Remarquables) là một danh hiệu được Bộ Văn hóa Pháp tạo ra vào năm 2004 với sự hỗ trợ của Hội đồng quản lý các Công viên quốc gia. Từ khi được thành lập cho đến tận bây giờ, đã có gần 450 khu vườn tại Pháp cũng như trên các lãnh thổ hải ngoại đã được nâng lên hàng ‘‘Jardins Remarquables’’. Một khi đoạt danh hiệu này, các không gian xanh được nhà nước Pháp công nhận là những địa điểm đáng tham quan, dễ thu hút sự chú ý của giới truyền thông báo chí và qua đó có thể thúc đẩy thêm ngành du lịch trong vùng.

Danh hiệu ‘‘Jardins Remarquables’’  có hiệu lực trong vòng 5 năm và danh sách được cập nhật thường xuyên. Một số khu vườn (tư nhân) sau khi đổi chủ, do không được chăm sóc kỹ lưỡng cho nên đã đánh mất danh hiệu ‘‘Jardins Remarquables’’ trong năm 2020. Các chủ nhân mới nếu muốn giành lấy lại logo này trong những năm tới, đều buộc phải áp dụng khá nhiều tiêu chuẩn và tuân thủ một số điều kiện.

Trong số này, quan trọng nhất vẫn là các khu vườn kết hợp cùng lúc các giống cây cổ thụ hàng trăm tuổi, các loài thảo mộc hiếm thấy với những công trình kiến trúc, trang trí hay thiết kế thuộc vào hàng cổ xưa. Về điểm này, vườn thượng uyển của lâu đài Versailles, vườn Vaux le Vicomte hay công viên Marly le Roi với những pho tượng ‘‘Thạch Mã’’ nổi tiếng được xem như là những trường hợp điển hình. Tuy nhiên, một số khu vườn tuy chỉ mới được thành lập trong những năm gần đây, cho dù không hề có lối bài trí sắp đặt cổ điển, nhưng cách thiết kế phong cảnh vẫn được xem là ngoạn mục, độc đáo như trường hợp của Pavillon de Galon ở miền Provence.

Bên cạnh việc trồng cây có lợi ích chung, phản ánh bề dày văn hóa lịch sử, hoặc nếp sống sinh hoạt của từng vùng miền, việc tạo thêm những không gian xanh ‘‘đặc sắc’’ nằm trong dự án quy hoạch các đô thị. Các chủ vườn thường được ưu đãi, giảm thuế. Đổi lại, các khu vườn đặc sắc, dù là của tư nhân, phải mở cửa tiếp đón khách tham quan 50 ngày trong năm, chủ vườn cũng phải cam kết tham gia các chương trình sinh hoạt văn hóa thường niên miễn phí dành cho công chúng như ‘‘Rendez-vous aux jardins’’ (Hẹn nhau ngoài công viên) hay là ‘‘Journées européennes du patrimoine’’ (Ngày Di sản châu Âu).

Với lối trình bày gọn gàng nhưng không kém bắt mắt, quyển sách hướng dẫn đầu tiên chỉ dành cho khoảng 40 khu vườn ở Paris và vùng phụ cận, tức là một phần mười các khu vườn đặc sắc trên toàn lãnh thổ Pháp. Quyển sách này không quá dày để dễ bỏ túi, không quá nặng về mặt thông tin để tránh cho người đọc bị choáng ngợp. Tất cả đều được minh họa bằng những bức ảnh chụp rất đẹp, khơi gợi tính tò mò của khách tham quan, giúp họ khám phá một vài nét nổi bật của những địa danh mà họ có thể khám phá trong ngày hay vào những dịp cuối tuần.

Bên cạnh những địa điểm cực kỳ nổi tiếng như Vườn Versailles, công viên Tuileries, vườn Monceau hay vườn hoa Vincennes, vốn là những khu vườn xây quanh những cung điện hay những lâu đài của vua chúa thời trước, quyển sách này còn tập trung giới thiệu những góc vườn nho nhỏ thầm kín, đôi khi đã có từ lâu nhưng vẫn ít được ai để ý tới.

Chẳng hạn như vườn Grisy les Plâtres (ở vùng Val d’Oise), nằm trong khu bảo tồn thiên nhiên vùng Vexin, cách thủ đô Paris khoảng 30 km. Công viên này được xếp vào hàng đặc sắc, do trồng rất nhiều giống hoa và thảo mộc, trong đó có đến cả ngàn giống cây thường xanh cho nên vào mùa đông, vườn vẫn có nhiều lá và không bị trơ trụi. Vườn này có lối thiết kế theo kiểu Anh và có nhiều chi tiết trang trí như chuồng bồ câu, giàn hoa leo, hồ bát giác xây vào thế kỷ thứ 19. Vườn chỉ mở cửa vào những ngày cuối tuần, khách tham quan vào cửa miễn phí.

Về phần ‘‘Jardin de l’Île-Verte’’ ở Châtenay-Malabry (vùng Hauts-de-Seine), công viên miễn phí mùa hè từng là nơi sinh sống và làm việc của nhiều văn nghệ sĩ từ giữa thế kỷ 19, trong đó có nhà thơ Jules Barbier (1852), nhà văn Marcel Arland (1930). Chính họa sĩ Jean Fautrier (sống tại chỗ từ năm 1945 à 1964) đã đặt tên ‘‘đảo xanh’’ cho khu vườn này. Công viên trồng xung quanh hồ nước rất nhiều bụi hoa hồng, hoa huyền sâm, hoa tú cầu,  các giàn ông lão hay thiên lý. Căn nhà nhỏ ở trung tâm công viên được đặt tên theo  bức tranh Île-Verte của  Jean Fautrier.

Cuối cùng, có khu vườn trồng cây ăn trái tại lâu đài La Roche-Guyon (ở vùng Val-d’Oise), đây là một trong những địa điểm thu hút nhiều khách tham quan nhất trong thời gian qua. Nằm ngay dưới chân lâu đài La Roche-Guyon, sát bên bờ sông Seine, khu vườn này đã được thành lập vào năm 1741. Gợi hứng từ lâu đài Versailles, công viên này gồm hai mãnh vườn, một bên trồng rau còn bên kia trồng cây ăn trái. Rộng hơn ba hécta, khu vườn được chia thành 32 mảnh đất hình tam giác và thường hay được chụp từ trên cao. Trong thời kỳ hậu phong tỏa, việc đăng ảnh chụp qua drone vườn cây bên sông Seine và lâu đài La Roche-Guyon đã trở thành một phong trào thời thượng trên các mạng xã hội.

Theo RFI

Exit mobile version