Home Thế Giới Phim Pháp thành công trên mạng Netflix

Phim Pháp thành công trên mạng Netflix

Nghe đọc bài

Phim truyền hình nhiều tập, phim truyện quay cho màn ảnh lớn, phim tài liệu theo chuyên đề, hay đơn giản hơn nữa là các tiết mục truyền hình thực tế, có khá nhiều chương trình giải trí được sản xuất tại Pháp lại được đông đảo khán giả nước ngoài hưởng ứng. Điều này một phần lớn là nhờ vào mạng Netflix. Người đăng ký dịch vụ có thể xem phim trực tuyến vào bất cứ lúc nào.

Trong số các phim Pháp đang ăn khách hiện nay, có bộ phim ‘‘Balle perdue’’ (Đạn lạc /Lost Bullet), một bộ phim hành động do Guillaume Pierret đạo diễn, quy tụ một dàn diễn viên trẻ như Alban Lenoir, Nicolas Duvauchelle, Stéfi Celma hay Ramzy Bedia. Phim đã được cho ra mắt khán giả từ đầu tháng 06/2020 và cho tới giờ vẫn nằm trên danh sách của 10 bộ phim lẻ ăn khách nhất trên mạng Netflix tại 21 quốc gia trên thế giới.

Dưới tựa đề ‘‘Balle perdue’’ (Đạn lạc), bộ phim kể lại câu chuyện của Lino, một anh thợ sửa xe tài ba, thời thanh niên đã từng phạm pháp, cho nên anh phải hợp tác với cảnh sát để dùng công chuộc tội. Đến khi bản thân Lino bị buộc tội giết người, bằng mọi cách anh phải tự điều tra, truy tìm chiếc xe bị đánh cắp, trong đó có vết tích của một viên đạn lạc, bằng chứng duy nhất cho thấy anh không phải là một kẻ sát nhân.

Ban đầu xem phim, khán giả tưởng chừng ‘‘Balle perdue’’ (Đạn lạc) gợi hứng từ dòng phim ‘‘Quá nhanh quá nguy nhiểm’’ của Mỹ, nhưng bộ phim Pháp không phải là một phiên bản mờ nhạt của loạt phim với thương hiệu Fast & Furious. ‘‘Đạn lạc’’ lồng chuyện phim vào bối cảnh xã hội đầy thực tế của Pháp, khi các băng đảng buôn ma túy sửa đổi động cơ xe hơi thành những chiếc xe đua ‘‘go fast’’ để giao hàng, có khả năng nhân đôi tốc độ trong chớp mắt để thoát khỏi các cuộc truy đuổi của cảnh sát hay hải quan lưu động.

Một cách tương tự, bộ phim ‘‘La Terre et le Sang’’ (Đất và Máu) của đạo diễn Pháp Julien Leclercq xoay quanh cuộc đối đầu nẩy lửa giữa hai băng đảng vũ trang để giành lấy các lô ma túy, đánh cắp từ một nhà kho, nơi giới cảnh sát lưu trữ hàng tịch thu. Được phát hành lần đầu tiên vào tháng 04/2020, bộ phim nói về cuộc chiến băng đảng tranh giành chiến lợi phẩm và quyền kiểm soát địa bàn hoạt động đã trở thành một trong 10 bộ phim nổi tiếng nhất tại 15 quốc gia trên thế giới. Cả hai bộ phim Pháp kể trên đều thành công ở Bắc Mỹ (Hoa Kỳ và Canada), tại các nước phía Bắc và phía Tây lục địa châu Phi, cũng như tại nhiều quốc gia Nam Mỹ.

Theo đánh giá của tuần báo chuyên ngành điện ảnh Première (nay là bán nguyệt san), cùng với phim tình cảm xã hội, thể loại phim hành động của Pháp dễ dàng chinh phục khán giả nước ngoài. Khác với các bộ phim ‘‘bom tấn’’ blockbuster của Mỹ, phim Pháp không có nhiều kinh phí đầu tư cho bằng, không có nhiều kỹ xảo ngoạn mục hay hiệu ứng hình ảnh độc đáo, nhưng đổi lại phim Pháp đầu tư rất nhiều vào khâu viết kịch bản, khai thác cách dẫn dắt câu chuyện cũng như các màn đấu trí, nhờ vậy mà làm tăng thêm các cảnh hồi hộp và gay cấn tâm lý. Dĩ nhiên, phim trước hết được thực hiện để nhắm vào thị trường nội địa, thế nhưng mạng Netflix chính là bàn đạp giúp cho phim Pháp lấy đà nhảy vọt, chinh phục thêm nhiều thành phần khán giả ở các quốc gia khác.

Bụt nhà không thiêng : Đôi khi một bộ phim ít được khán giả Pháp hưởng ứng nhưng lại được nhiều người xem ở nước ngoài đón nhận một cách nhiệt tình. Đó là trường hợp của bộ phim 6 tập do đài truyền hình Arte sản xuất với cựu ngôi sao bóng đá Éric Cantona trong vai chính. Mang tựa đề ‘‘Dérapages’’ hiểu theo nghĩa bóng là chệch hướng theo nghĩa bóng, trật đường rầy theo nghĩa đen, bộ phim kể lại câu chuyện của một người đàn ông lâm vào cảnh nợ nần chồng chất sau khi bị sa thải và buộc phải tìm lại nghị lực phấn đấu, tìm cơ hội vươn lên để không đánh mất nhân cách.

Bộ phim truyền hình nhiều tập ‘‘Marseille’’ (tổng cộng là 16 tập trong hai mùa) quy tụ một dàn diễn viên hùng hậu do Gérard Dépardieu và Benoît Magimel dẫn đầu. Phim nói về hậu trường của đợt vận động tranh cử giữa hai ứng cử viên xưa kia là bạn thân của nhau, sau đó lại trở thành kẻ thù không đội trời chung. Cả hai bộ phim nhiều tập nói trên đã không thành công rực rỡ như mong đợi tại Pháp, nhưng lại được khá nhiều khán giả nước ngoài hưởng ứng, một phần cũng vì Cantona hay Dépardieu đều là những nhân vật rất nổi tiếng, nhờ tầm vóc quốc tế mà có được một lượng khách hâm mộ đông đảo.

Trong số các chương trình ăn khách khác do Pháp sản xuất, có các mùa phim truyền hình ‘‘Dix pour cent’’ , ‘‘Mười phần trăm’’, tức khoản tiền lương của các ông bầu, các nhà quản lý diễn viên, các đại diện giới nghệ sĩ. Loạt phim truyền hình nhiều tập này đã được chuyển ngữ sang tiếng Anh thành ‘‘Call my agent’’ và phim sẽ được quay thành nhiều phiên bản trong nhiều thứ tiếng khác nhau.

Bên cạnh đó, có ‘‘The Circle France’’, kết hợp trò chơi với truyền hình thực tế theo kiểu Big Brother của Hà Lan. Chương trình này đã thành công một cách khá bất ngờ, được phổ biến tại 23 quốc gia và nhiều nước đã mua lại tác quyền để tạo ra những phiên bản phóng tác, thích nghi với khán giả của từng châu lục.

Về phía bộ phim tài liệu nhiều tập ‘‘L’Affaire Grégory’’ kể lại vụ án tại Pháp liên quan tới cái chết của cậu bé Grégory, sau hơn 30 năm mà vẫn chưa thật sự có hồi kết. Bộ phim tài liệu này đã thu hút đông đảo khán giả ở Hoa Kỳ và Canada, nơi mà từ lâu có truyền thống làm phim ‘‘true crime’’ dùng hoạt cảnh tái tạo và diễn viên nhập vai, để dựng lại những vụ án ‘‘động trời’’ trong quá khứ, từng khiến cho dư luận bàng hoàng xôn xao, làm tốn bao giấy mực của giới nhà báo.

Một trong những yếu tố giúp cho phim Pháp thành công, chính là mạng Netflix cung cấp các phiên bản phim lồng tiếng trong mười ngôn ngữ khác nhau. Phim với phụ đề lại càng có nhiều ngoại ngữ hơn nữa, có thể được xem trong 30 thứ tiếng. Điều đó giải thích vì sao khán  giả không chỉ thích xem phim Pháp, mà còn hưởng ứng  phim Thổ Nhỉ Kỳ ‘‘Koğuştaki Mucize’’ phóng tác từ tác phẩm Điều kỳ diệu trong phòng giam số 7 (Miracle in Cell No7) hay là phim Hàn Quốc ‘‘Vương quốc Thây ma’’ (Kingdom) đã một thời tung hoành trên mạng nhờ kết hợp các xác sống kinh dị zombie với dòng phim dã sử cổ trang, ngoạn mục, hoành tráng.

Theo RFI

Exit mobile version