Phạm Sanh Châu từng ‘nổ’ điều khiển chuyến bay thế nào?

Cựu đại sứ Phạm Sanh Châu và cuốn sách "Chiến Dịch Hoa Kim Tước" mà ông tự ca ngợi mình
Nghe đọc bài

Một nhà báo kỳ cựu, từng làm phi công trước 1975, vạch trần vụ Phạm Sanh Châu đăng bài “nổ” về việc ông này dùng hai máy điện thoại di động điều khiển máy bay lên xuống, quay đầu như phù thủy ngồi trên “chiếu bay”.

Hồi năm 2021, VNExpress đăng bài “Chuyến bay đặc biệt” của Phạm Sanh Châu, khi đó còn làm đại sứ Việt Nam tại Ấn Độ, kể chuyện ông ngồi trong khoang máy bay hạng thương gia, mà dùng hai máy điện thoại di động điều khiển máy bay lên xuống, quay đầu như phù thủy ngồi trên “chiếu bay”!

Làm đại sứ ở xứ Thần Thoại, ông tưởng mình thành “người cõi trên”, muốn viết gì thì viết! Ông kể các thảm cảnh người Việt đến Ấn bị kẹt mùa dịch, nhiều lần bị hủy chuyến bay không về Việt Nam được.

“Chuyến bay đăc biệt” chở 180 người cất cánh từ phi trường Indra Gandhi đến Tân Sơn Nhất. Sau khi cất cánh được hai giờ, tức khoảng nửa chặng đường,thì đài Kiểm soát không lưu Tân Sơn Nhất báo hủy chuyến đáp.

Phạm Sanh Châu (bìa trái), “làm màu” rất nhiều trong đại dịch COVID-19

Ông Châu viết: “Sáng 15/6/2021, máy bay đã cất cánh theo giấy phép cũ thì lệnh “hủy phép cho hạ cánh” ở TP.HCM vừa đến. Suốt hai giờ sau đó, tôi gọi cháy cả hai máy điện thoại cho tất cả các mối quan hệ và người quen. Tất cả đều cố gắng giúp tìm địa điểm hạ cánh cho chuyến bay. Trong lúc chưa tìm được điểm đáp, tôi đành yêu cầu máy bay hạ cánh xuống thành phố Kolkata, Ấn Độ khi mới rời New Delhi được hai tiếng”.

Thánh thần thiên địa ơi! Điện thoại di động xài tần số UHF (từ 900 MHz đến 2.100 MHz) trong khi Đài Không lưu Tân Sơn Nhất xài tần số VHF (từ 30MHz – 300MHz) thì làm sao liên lạc cha nội?

Cửa buồng lái có chốt trong để chống không tặc, phi công cho ông vào buồng lái là vi phạm an toàn bay. Vậy khi Đài Không lưu Tân Sơn Nhất báo phi công “huỷ phép cho hạ cánh” qua tần số VHF, tại sao ông ngồi ngoài buồng lái mà nghe được, để ông gọi can thiệp muốn cháy máy?

Ông nên nhớ rằng, trước mỗi phi vụ, phi công đều làm kế hoạch bay, trong đó có ghi tần số liên lạc và hướng phi đạo đến, và tần số – hướng phi đạo của các phi trường gần kề, nếu phi trường đến cấm đáp, do thời tiết hay sự cố.

Việc đầu tiên khi Đài không lưu Tân Sơn Nhất báo hủy chuyến đáp, phi công phải chuyển tần số sang hai phi trường gần nhất là Cần Thơ và Cam Ranh để xin lệnh đáp.

Không có thủ tục bay nào cho phép phi công báo điện thoại cho tiếp viên trưởng, để chuyển thông tin đến ông Châu, rồi đại sứ xin chỗ đáp bằng điện thoại. Lại thông qua tiếp viên trưởng, phi công mới biết ông xin nhiều nơi không được, phải nghe lời ông đáp xuống phi trường Kolkata.

Phi công bay xuyên lục địa mà thụ động như anh xe ôm chạy qua xứ lạ, phải hỏi thăm đường?

Đọc bài trên VnExpress, chắc chắn hãng bay phải đuổi hai phi công đó. Có lẽ lý do đó, mà sau đó tòa soạn báo này đã đục bỏ đoạn trích dẫn nói trên!

Trên đời này cái gì cũng có thể giấu được, trừ giấu dốt!”

Mai Bá Kiếm