Những chuyện chưa kể về Kissinger

Huy Đức và Henry Kissinger trong ảnh chụp hồi 2006
Nghe đọc bài

Năm 1973, khi Kissinger tới Hà Nội, ông ta chỉ tay về phương Bắc, nói với Lê Đức Thọ, “Kẻ thù của Việt Nam ở phía này”.

Ngày 10/3/2006, tại Thư viện và bảo tàng John F. Kennedy, tôi phỏng vấn Henry Kissinger: “Ông có biết là từ mấy hôm nay, cộng đồng sinh viên vùng Boston, trong đó có cả những sinh viên đang học giáo trình ‘Ngoại Giao’ của ông, kêu gọi tổ chức biểu tình chống ông và gọi ông là ‘tội phạm chiến tranh’?” Kissinger trả lời: “Tôi biết. Nhưng, liệu thế giới có như hiện nay nếu ngày ấy chúng tôi không làm như thế?”
Một trong những việc “làm thay đổi thế giới” của Henry Kissinger là thiết kế cuộc gặp giữa Nixon và Mao tháng 2/1972.

Tôi vừa được xem “Bản Tự Kiểm Điểm Về Việc Dự Buổi Chiêu Đãi Của Nixon” mà Lê Đức Thọ yêu cầu Trưởng phân xã Thông tấn xã Việt Nam (TTXVN) tại Bắc Kinh làm vào thời điểm ấy.


Đọc Bản Tự Kiểm mới thấy hết một thời ấu trĩ. Những hoạt động của các phóng viên TTXVN lúc ấy tại Bắc Kinh lẽ ra rất cần được khen thưởng vì nhờ những hoạt động như vậy mà những thông tin họ báo cáo về là rất có giá trị.

Nhưng, không chỉ Lê Đức Thọ, theo ông Trần Phương, trợ lý ông Lê Duẩn: “Lê Duẩn nói, chúng ta đã bị bán rẻ cho Mỹ để người Trung Quốc thay Đài Loan ngồi vào chiếc ghế ở Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc”.


Hà Nội chờ đợi Bắc Kinh giúp đỡ cuộc chiến của mình với “tinh thần quốc tế vô sản”, Bắc Kinh dùng cuộc chiến ấy để trả giá với người Mỹ. Washington không coi cuộc chiến ấy là chiến tranh Việt Nam mà là xung đột giữa hai phe và bàn cờ mà họ chơi với Bắc Kinh là bàn cờ thế giới.


Ngay sau “Thông Cáo Thượng Hải” [27/2/1972], Chu Ân Lai đến Hà Nội giải thích chính sách mới của họ với người Mỹ. Lê Duẩn kể với người vợ hai, bà Nguyễn Thụy Nga: “Chu Ân Lai sang gặp anh ở Hồ Tây. Ông đi dưới bậc thang lên đưa tay, anh không bắt. Anh nói: ‘Các đồng chí đã bán đứng chúng tôi. Các đồng chí lấy xương máu của dân tộc Việt Nam để trả giá với Mỹ. Chúng tôi biết nhưng chúng tôi không sợ, chúng tôi sẽ đánh đến cùng và nhất định chúng tôi sẽ thắng’.”


Sau cuộc gặp này với Lê Duẩn, Chu Ân Lai tới nhà khách Lê Thạch để gặp Hoàng thân Sihanouk, khi ấy cũng đang ở Hà Nội. Theo Sihanouk: “Chu trông mệt mỏi và có vẻ bị kích động bởi cuộc thảo luận mà ông vừa tiến hành với các đồng chí Bắc Việt Nam của ông. Hình như ông đang cáu”. Theo Sihanouk, Chu đã nói với các nhà lãnh đạo Bắc Việt Nam “gay gắt và cứng rắn” rằng mối quan hệ mới đó sẽ dẫn tới hòa bình ở Đông Dương.


Không chỉ phản ứng trong hội đàm, khi đưa tiễn Chu Ân Lai, thay vì đi cùng thầy trò Chu ra tận chân cầu thang máy bay, Lê Duẩn đã dừng lại ngay cửa nhà ga sân bay Gia Lâm. Các quan chức Việt Nam tất nhiên cũng phải đứng lại. Chu Ân Lai và người phiên dịch, Lương Phong, gần như phải lủi thủi bước lên máy bay đi về. Lương Phong, về sau nói với nhà ngoại giao Dương Danh Dy của Việt Nam rằng, hành động đó của ông Lê Duẩn là rất phản cảm.


Người Việt Nam đã trả giá. Không chỉ bằng việc Trung Quốc phát động cuộc chiến tranh xâm lược Biên giới phía Bắc 2/1979, kéo dài suốt 10 năm. Mà chế độ Pol Pot do Việt Nam giúp bằng xương máu, lên nắm quyền ở Campuchia, đã trở thành một lưỡi dao mà Trung Quốc nắm đằng cán đâm vào hông Việt Nam. Cuộc chiến từ phía Tây Nam kéo dài từ ngay sau 30/4/1975 cho tới cuối năm 1989.


“Thông Cáo Thượng Hải” là một trong các sự kiện bắt đầu tác động một cách sâu xa khiến cho Liên Xô và khối XHCN Đông Âu sụp đổ.

“Thông Cáo Thượng Hải” là ví dụ điển hình trong cách hành xử của Bắc Kinh, “bất kể mèo trắng hay mèo đen”, nó đánh dấu một bước ngoặt giúp Trung Quốc bắt đầu những thập niên thịnh vượng.


Trung Quốc mạnh lên càng khiến cho Kissinger bị chỉ trích. Trung Quốc mạnh lên không chỉ tăng khả năng “bá quyền” cho Bắc Kinh mà còn mang lại thịnh vượng cho người dân, thế giới bớt được 1,3 tỷ người nghèo khổ.


Trung Quốc luôn là một mối đe dọa, thế giới buộc phải lựa chọn, đối diện với mối đe dọa này từ một “thằng có tóc” như hiện nay hay từ một thằng khố rách áo ôm dưới thời Mao.


Khi xung đột Bắc Kinh – Hà Nội bắt đầu hầm hập nóng trên báo chí, trên hệ thống loa phóng thanh, có một giai thoại bắt đầu lan ra:


Năm 1973, khi Kissinger tới Hà Nội, ông ta chỉ tay về phương Bắc, nói với Lê Đức Thọ, “Kẻ thù của Việt Nam ở phía này”.

Ngày 10/3/2006, tôi đưa chuyện này hỏi Kissinger, ông bật cười trả lời: “Lê Đức Thọ dẫn tôi thăm Bảo tàng Lịch sử, ở đấy lúc đó có rất nhiều phần nói về cuộc chiến tranh của người Việt với người Trung Hoa, trong khi chưa có phần nào nói về cuộc chiến tranh với người Mỹ. Anh nghĩ, người Việt còn cần một lời khuyên từ tôi ư”.

Ông hỏi, “Anh đến từ Bắc Việt hả?”, rồi kéo tôi ra chụp ảnh.

Huy Đức