Nguyễn Công Khế ‘kiếm bẫm hơn bất cứ nhà buôn nào’

Nguyễn Công Khế (áo đen), ngồi cạnh Trương Tấn Sang
Nghe đọc bài

Trong chế độ toàn trị, một tổng biên tập chỉ cần không chống chế độ, không nói ngược với đường lối của Đảng cầm quyền, biết luồn lách, biết dùng tờ báo của mình để nịnh bợ, dọa nạt và khống chế, biết té nước theo mưa, biết gió chiều nào che chiều ấy, giả vờ chống tham nhũng… thì anh ta kiếm bẫm hơn bất cứ nhà buôn nào, có thế lực như một “ông vua không ngai”.

Nếu phải chọn một ông tổng Biên tập thật điển hình cho thời kinh tế thị trường định hướng XHCN thì phải chọn Nguyễn Công Khế, tổng biên tâp báo Thanh Niên.

Tôi đã bị Nguyễn Công Khế lừa một vố đau. Đó là vào cuối năm 2002 Đài Tiếng nói Việt Nam có một bản tổng kết năm gửi cho cơ quan thường trú tại TP.HCM và các đơn vị trực thuộc Đài. Đọc bản tổng kết đó người ta thấy thành tích to lớn mở rộng cơ quan thường trú của đài trên thế giới… Rồi còn có cả một công văn của phó tổng giám đốc Kim Cúc ca ngợi công lao của sếp Trần Mai Hạnh từ khi về đài năm 1996 gửi đi khắp nơi…

Biết rõ mười mươi cái gọi là “mở rộng” cơ quan thường trú của Đài Tiếng nói Việt Nam nên tôi viết bài nhan đề “Chuyện ông Trần Mai Hạnh ở Paris”, gửi đích danh Trần Công Khế, Tổng Biên tập Báo Thanh Niên, một tờ báo mà một người ngu ngơ như tôi cho là tích cực chống tiêu cực… Một người bạn ở Báo Thanh Niên cho tôi hay, Khế đã đọc bài đó và… OK!

Bài báo có đoạn: “Bà Kim Cúc, phó tổng giám đốc ký hẳn một công văn gửi cán bộ của đài từ Bắc chí Nam ca ngợi những đóng góp to lớn của ông Hạnh từ khi ông về đài, trong việc “mở rộng” cơ quan và tăng giờ phát sóng… Toàn là những việc phải tiêu tiền tỷ của ngân sách nhà nước mà bất cứ ai cũng có thể làm được nếu được chi tiền… còn chất lượng của phát thanh và nhà cửa khắp nơi được thuê và mua nhằm mục đích gì, có tác dụng như thế nào để nâng cao chất lượng phát thanh thì không hề được nói tới. Xưa nay, từ suốt 27 năm tôi làm việc ở đài, chưa hề có chuyện tự nhiên Phó phó tổng giám đốc lại ký công văn “khen” tổng giám đốc như thế bao giờ. Điều đó làm dư luận toàn đài rất bất bình.”

Đợi mãi không thấy báo Thanh Niên đăng bài kể trên. Ít lâu sau, tôi nhận được thông tin của một cán bộ trong ban lãnh đạo Đài TNVN cho hay, Nguyển Công Khế đã gửi bài của tôi ra Hà Nội cho bên An ninh, với nhận xét bài viết không có gì sai, nhưng vì để “giữ uy tín” cho nhà nước nên không đăng. Gửi cho an ninh để biết. Một cán bộ an ninh đã cầm bài viết này qua Đài để tống tiền Kim Cúc và Trần Mai Hạnh!

Hiện bài đó đã được rất nhiều cán bộ lãnh đạo của Đài truyền tay nhau đọc…

Tôi rất hối hận về sự ngu ngơ của mình (từ ngu ngơ là từ của nhà văn Dương Thu Hương đã dùng để chỉ quần chúng ngu ngơ, bị lừa bịp)! Tôi cũng rất phẫn nộ với Nguyễn Công Khế khi được cán bộ lãnh đạo của đài cho biết như thế. Tôi đem chuyện này than phiền với các đồng nghiệp báo chí ở Sài Gòn. Một người bạn tôi đã mắng tôi là thằng ngu vì không biết gì về Nguyễn Công Khế cả. Anh còn cho biết Khế luôn dùng tờ báo của mình để gây thanh thế, chẳng hạn y cho phóng viên của báo đi viết về tiêu cực, nhưng khi vụ việc có liên quan đến một ông lớn nào đó…

Ví dụ, đồng chí X xưa kia ở tỉnh Y, nay đã lên trung ương làm đến Bộ Chính trị mà bài viết có dính líu đến đồng chí đó khi còn ở địa phương thì Khế không đăng mà gửi bài cho đồng chí ấy biết “để giữ uy tín” cho lãnh đạo, thế là đồng chí X đã “mắc nợ” Khế. Khi báo Thanh Niên tổ chức một cuộc thi hoa hậu nào đó, Khế gửi giấy mời, thế là đồng chí ấy, dù là Chủ tịch nước cũng phải đến dự tận quê Khế ở Miền Trung xa xôi.

Một tờ báo hạng B mà Bộ Chính trị phải đến dự thì uy tín của Khế lên như diều… Cứ thế mà Khế “ra roi”, cứ thế mà dọa nạt thiên hạ để tống tiền. Trong cái mớ bòng bong của một xã hội được gọi là “kinh tế thị trường định hướng XHCN”. Khế cứ thế mà vơ vét.

Anh bạn tôi kết luận: Nguyễn Công Khế là “tên lưu manh ngang tầm thời đại”! Nhà thơ L đi viếng mẹ của Nguyễn Công Khế mất vào tháng 9/2007 về, đã hốt hoảng nói với tôi, đám tang còn hơn cả tỷ phú bên Mỹ có mẹ mất. Giầu có không bút nào tả xiết, xe du lịch đời mới đỗ dài cả cây số. Cái “cảm tạ” của báo Thanh Niên ra ngày 5/9/2007 của gia đình Khế về cái mất của cụ bà Lê Thị Liễu, 79 tuổi đã gây chấn động dư luận.

Trang mạng của báo Thanh Niên đăng lên đã bị các trang “lề trái” ném đá dữ dội, vội vàng phải gỡ xuống, nhưng trang 10 báo in ngày 5/9/2007 kín cả trang còn đó. Xin bạn đọc hãy thử lướt qua danh sách gần 200 cá nhân và các đơn vị (được đăng gộp)… ”đã đến thăm viếng, giúp đỡ, chia buồn và tiễn đưa linh cữu” như báo đã đưa gồm: Ông Võ Văn Kiệt, cựu thủ tướng, ông Nguyễn Minh Triết, Chủ tịch nước và gia đình, ông Nguyễn Tấn Dũng (thủ tướng), bà Nguyễn Thị Bình (cựu phó chủ tịch nước), ông Nguyễn Văn Chi (ủy viên Bộ Chính trị, Chủ nhiệm Uỷ ban kiểm tra trung ương), ông Hồ Đức Việt (ủy viên Bộ Chính trị, trưởng ban Tổ chức trung ương), Đại tướng Lê Hồng Anh (Bộ trưởng Công an), ông Lê Thanh Hải (Bí thư thành ủy TP.HCM)… rồi còn cả ông Thống đốc Ngân hành nhà nước, các bí thư tỉnh, chủ tịch tỉnh, các cơ quan báo chí, các nghệ sĩ, các hHội…

Những người đứng đầu bộ máy cai trị đồ sộ của chế độ toàn trị đã đến “thăm viếng, chia buồn và tiễn đưa…” cụ bà Lê Thị Liễu. Ngay cả đến đương kim nguyên thủ một cường quốc trên thế giới mà bố mẹ mất cũng không được như thế.

Có thể nói, đây là đám tang mẹ một tổng biên tập một tờ báo ngành của một nước nhỏ nhưng “vĩ đại” nhất hành tinh, chưa hề thấy trong lịch sử báo chí nhân loại. Trong chế độ toàn trị, một tổng biên tập chỉ cần không chống chế độ, không nói ngược với đường lối của Đảng cầm quyền, biết luồn lách, biết dùng tờ báo của mình để nịnh bợ, dọa nạt và khống chế, biết té nước theo mưa, biết gió chiều nào che chiều ấy, giả vờ chống tham nhũng… thì anh ta kiếm bẫm hơn bất cứ nhà buôn nào, có thế lực như một “ông vua không ngai”. Cứ xem danh sách những người đến viếng mẹ anh ta thì thấy… Nếu xét về mặt nào đó thì đây còn hơn quốc tang!

Tờ báo quốc doanh Thanh Niên đã trở thành tờ báo riêng của Khế trong một đất nước không có báo tư nhân! Đội ngũ tổng biên tập như thế thì đội ngũ phóng viên đương nhiên là như thế. Nói cho công bằng thì không phải tất cả anh em làm báo đều như Hồng Vinh, như Khế, như Phan Huy… Có rất nhiều anh em tâm huyết với đất nước, muốn dùng ngòi bút của mình để “tải đạo”, nhưng số phận của các anh vô cùng hẩm hiu. Nhà báo Nguyễn Việt Chiến, Nguyễn Văn Hải… là những ví dụ điển hình.

Báo chí ngày càng xuống cấp. Tàu của giặc Tàu đâm vỡ tan tàu của ngư dân ta, trong vùng biển của ta, nhưng báo chí của ta phải nhục nhã kêu là “tàu lạ”.

Nỗi nhục này của báo chí Việt Nam “thời kỳ đồ đểu” này không thể nào rửa sạch trong lịch sử dân tộc.

Lê Phú Khải