‘Người viết núp háng quan chức thì không có tư cách nhà văn’

Võ Văn Thưởng và Võ Bá Cường
Nghe đọc bài

Một sản phẩm văn hóa khi ra đời càng núp sâu dưới bóng chính trị, càng núp sâu dưới bóng quyền lực càng phản cảm, càng tầm thường, càng không còn giá trị. Văn chương phải núp bóng quyền lực chỉ là thứ văn chương công cụ của tuyên truyền. Người viết phải núp háng quan chức thì không thể có tư cách nhà văn.

Tôi có sách “Chuyện Tướng Độ” của tác giả Võ Bá Cường, nhà xuất bản Quân Đội Nhân Dân, phát hành năm 2007, nhưng tôi chỉ đọc được vài trang rồi phải buông sách, không đọc được nữa và tập sách cũng không được lưu giữ trong tủ sách của tôi nữa.

Vị tướng cộng sản đã dành cả quãng đời còn lại dấn thân vào con đường đấu tranh không cân sức với cái ác, bạo lực nhà nước độc tài cộng sản, giành dân chủ cho đời sống xã hội, giành lại những giá trị làm người cho người dân để rồi vị tướng lẫm liệt chiến công đã phải nhận nhiều mất mát và nỗi đau, đến lúc chết còn bị chính quyền nhà nước cộng sản đưa công an đến phá đám lễ tang.


Cuộc đời vị tướng trầm luân cùng nhân dân đất nước và cả đám tang của vị tướng bị phá đám sẽ đi vào lịch sử và đi vào cả giai thoại dân gian về một thời đau đớn giống nòi.


Một thân phận con người trong cơn lốc lịch sử, một nhân cách lớn của kẻ sĩ như tướng Độ rất đáng được viết, rất cần ngòi bút tiểu thuyết khám phá.


Nhưng đọc “Chuyện Tướng Độ” tôi lại gặp giọng điệu, cảm hứng anh hùng ca quen thuộc của tuyên giáo. Đồng nhất nhân vật với những phẩm chất anh hùng và thành kính ca ngợi nhân vật anh hùng để ngâm ngợi về một thời đại đau thương, máu và nước mắt, được tuyên truyền là thời đại anh hùng.


Lại dễ dãi và hời hợt cóp nhặt những sự việc đã có trong sách báo, những câu chuyện lưu truyền trong dân. Khoảng cách của người viết với nhân vật vẫn là khoảng cách thần thánh, khoảng cách của tín đồ với đức tin. Không phải khoảng cách tự nhiên của nhà khoa học với đối tượng khám phá. Không phải khoảng cách đời thường suồng sã, bỗ bã, thân tình của nhà văn với nhân vật tiểu thuyết.

Đã thất vọng về “Chuyện Tướng Độ”, khi vào mạng xã hội đọc báo online thấy trên mạng từ báo trung ương ra hàng ngày đến báo tỉnh lẻ, đến cả báo ngành nghề ra hàng tuần, hàng tháng cũng tràn ngập thông tin về buổi ra mắt sách “Còn Có Ai Người Khóc Tố Như”, cũng của ông Võ Bá Cường, tôi lại càng ngán ngẩm về tư cách văn hoá của người được coi là nhà văn.


Những người đứng đầu đầy quyền uy của đảng cộng sản từ Hồ Chí Minh đến Nguyễn Phú Trọng đều nhiều lần ra sách và đều xuất bản tuyển tập với những tập sách dày cả gang tay nhưng cả tổng bí thư đảng cộng sản đương quyền khi có sách được xuất bản cũng không được hội Nhà Văn, cơ quan tuyên giáo trung ương và cơ quan chính quyền tỉnh xúm lại tổ chức lễ ra mắt sách hoành tráng, tưng bừng, đủ mặt chức sắc, rực rỡ băng chữ, tràn ngập sắc màu của hoa, cờ phướn như buổi lễ ra mắt sách “Còn Có Ai Người Khóc Tố Như” của “nhà văn” Võ Bá Cường.

Vì có những quyền lực hàng đầu quốc gia dự lễ ra mắt sách Còn Có Ai Người Khóc Tố Như: Chủ tịch nước, hai uỷ viên bộ Chính trị (một đương chức, một đã nghị hưu), bốn uỷ viên trung ương đảng (ba đương chức, một đã nghỉ hưu) nên tất cả những phát biểu, những bài viết về sách của Cường đều là tập hợp những ngôn từ có cánh.

Có hàng trăm định nghĩa về văn hóa và có một định nghĩa là: Văn hóa là những giá trị do con người tạo ra còn lại với thời gian. Chính trị là nhất thời. Văn hóa là mãi mãi. Sản phẩm tiêu dùng hay sản phẩm văn hóa có mặt trong cuộc đời, có giá trị với cuộc sống đều phải bằng giá trị thật của sản phẩm chứ không phải bằng tuyên truyền chính trị. Một sản phẩm khi ra đời phải núp bóng chính trị, núp bóng quyền lực thì không thể là sản phẩm văn hóa.


Một sản phẩm văn hóa khi ra đời càng núp sâu dưới bóng chính trị, càng núp sâu dưới bóng quyền lực càng phản cảm, càng tầm thường, càng không còn giá trị. Văn chương phải núp bóng quyền lực chỉ là thứ văn chương công cụ của tuyên truyền.

Người viết phải núp háng quan chức thì không thể có tư cách nhà văn.

Phạm Đình Trọng