Ngọc Trinh, Quốc Cơ và công lý đến từ công chúng

Công an TP.HCM bắt Ngọc Trinh nhưng tha cho Quốc Cơ, Quốc Nghiệp dù hành vi giống nhau
Nghe đọc bài

Bất công phát sinh từ nền tư pháp bất lương. Nhưng, hôm nay qua vụ án cô Ngọc Trinh, các bạn ấy đã đồng tình, thật ra, sự đồng tình đã không khác gì với sự đồng lõa bất công từ nền tư pháp bất lương… Điều ấy thật đáng lo ngại vì các giá trị đúng sai đã bị đảo lộn, sự bất công, vô pháp lại được đồng tình, được bảo vệ bởi chính những người sẽ là nạn nhân tương lai.

“Nếu công lý không đến từ pháp đình, công lý sẽ đến từ công chúng”, điều đó đang dần dần được chứng minh là sự thật. Hôm nay, thông tin về vụ án bắt giữ cô Ngọc Trinh vẫn tràn ngập trên mạng xã hội, nhưng với một sắc thái mới là kèm theo hình ảnh 2 bạn diễn viên xiếc Quốc Cơ, Quốc Nghiệp thực hiện những hành vi mạo hiểm khi điều khiển xe mô tô trên đường phố.

Công chúng nêu ra sự so sánh giữa trường hợp Quốc Cơ, Quốc Nghiệp với lời cáo buộc cô Ngọc Trinh, bao gồm:

Cũng đều là những nhân vật nổi tiếng, có khả năng tác động đến số đông công chúng;

Cũng thực hiện những động tác mạo hiểm khi điều khiển xe gắn máy trên đường ở thành phố Thủ Đức;

Cũng đăng tải những hình ảnh mạo hiểm lên nơi công cộng ảo, tức mạng xã hội;

Thậm chí, cô Ngọc Trinh còn được đánh giá an toàn hơn khi có đội mũ bảo hiểm và có huấn luyện viên chỉ dẫn, trong khi Quốc Cơ, Quốc Nghiệp thì không.

Điều này đã đặt cơ quan tư pháp tại TP.HCM một sự thách thức mới về việc áp dụng nguyên tắc luật pháp hình sự “Mọi người đều bình đẳng trước pháp luật”. Vì lẽ, không thể áp dụng tiêu chuẩn kép cho cùng hành vi phạm tội như nhau mà người này bị khởi tố, người khác được miễn tố!


Nhưng nếu khởi tố Quốc Cơ, Quốc Nghiệp thì dễ làm trò cười với quốc tế. Vì lẽ, hai bạn ấy cũng đã từng biểu diễn trò mạo hiểm ở Ý Đại Lợi và đăng tải hình ảnh biểu diễn lên không gian mạng. Nhưng không bị chính quyền sở tại hoặc chính quyền Việt Nam khi ấy xử lý gì cả.
Và cho dù Quốc Cơ, Quốc Nghiệp có được các cơ quan tư pháp giải cứu để miễn tố đi nữa, thì điều đó cũng không còn mấy quan trọng. Vì lẽ, với việc công chúng đưa hình ảnh Quốc Cơ, Quốc Nghiệp ra so sánh với lời cáo buộc cô Ngọc Trinh, thì bản thân điều đó đã là công lý, bản thân điều đó đã phủ nhận tính chính đáng của việc khởi tố cô Ngọc Trinh.


Trường hợp này, công lý đến từ công chúng!


Trước đây 2 ngày, khi viết bài “Ngọc Trinh, từ người đẹp trở thành dân oan” đăng trên báo Sài Gòn Nhỏ, ngoài 2 nguyên tắc hình sự cơ bản đã bị cơ quan tư pháp phủ nhận mà tôi đã đề cập gồm:

Một hành hành vi vi phạm không thể bị xử lý hai lần và

Tội danh “Gây rối trật tự công cộng” không thể áp dụng cho hành vi xảy ra trên không gian mạng;

Đáng chú ý nhất là có quan điểm cho rằng khởi tố cô Ngọc Trinh là đúng, vì cô ấy nổi tiếng nên hành vi xấu của cô ấy có khả năng tác động tiêu cực đến nhiều người. Điều đáng nói và rất đáng lo ngại rằng trong bài viết ấy, khá nhiều bạn đã vào chia sẻ sự đồng tình của mình.

Bằng cách đó, sự nổi tiếng đã chính thức trở thành tội đồ cần trừng phạt!


Giá như các bạn ấy biết, “Mọi người đều bình đẳng trước pháp luật” là một nguyên tắc pháp luật quan trọng đến thế nào trong việc bảo vệ chính các bạn ấy trước sự bất công đầy rẫy trong xã hội hiện nay.


Với nguyên tắc “Mọi người đều bình đẳng trước pháp luật”, thì lãnh đạo cao cấp hoặc thường dân, kẻ giàu có hoặc nghèo hèn, người nổi tiếng hoặc kẻ vô danh, nghệ sỹ ưu tú hoặc người mẫu nội y… hết thảy đều bình đẳng trước pháp luật. Chứ không phải lãnh đạo cao cấp, người giàu có, người nổi tiếng, nghệ sỹ ưu tú… thì sẽ được ưu ái, hoặc thường dân, người nghèo, vô danh, người mẫu nội y… thì sẽ phải chịu thiệt thòi.


Thực tế từ phiên tòa Việt Á cho thấy: Kẻ quyền thế, người giàu có đã có thể mua được mức án nhẹ nhàng hơn, thậm chí, trốn tránh được cả bản án tử hình một cách công khai, chính thức ngay trong phiên tòa với xảo từ pháp lý: “Đóng tiền khắc phục hậu quả”. Thế nhưng, nếu bạn nghèo kiết xác, khi phải ra tòa thì bạn lấy tiền đâu để mua những mức án nhẹ nhàng như đám bị cáo trong phiên tòa Việt Á? Bạn đã thấy sự bất công vì sự bất bình đẳng chưa?


Chưa hết, các bạn đã từng nghe vụ án trộm gà bị tuyên hình phạt đến hơn 3 năm tù giam. Trong khi đó, những quan chức cao cấp làm thiệt hại hàng ngàn tỷ đồng của nhân dân cũng chỉ phải chịu hình phạt tương đương thế?! Lần nữa, bạn đã thấy sự bất công vì bất bình đẳng chưa?


Bất công phát sinh từ nền tư pháp bất lương. Nhưng, hôm nay qua vụ án cô Ngọc Trinh, các bạn ấy đã đồng tình, thật ra, sự đồng tình đã không khác gì với sự đồng lõa bất công từ nền tư pháp bất lương… Điều ấy thật đáng lo ngại vì các giá trị đúng sai đã bị đảo lộn, sự bất công, vô pháp lại được đồng tình, được bảo vệ bởi chính những người sẽ là nạn nhân tương lai.


Vụ án cô Ngọc Trinh đã gây phát sinh nhiều vấn đề pháp lý, theo đó, bằng quyết định khởi tố của mình, cơ quan tư pháp đã phủ nhận hàng loạt các nguyên tắc hình sự cơ bản đã được quy định trong Bộ luật Hình sự và Bộ luật Tố tụng Hình sự. Nhìn theo khía cạnh tích cực, sự xinh đẹp, nổi tiếng và đầy thị phi của cô ấy đã thu hút sự quan tâm của công chúng đối với vụ án, giúp họ có cơ hội để hiểu rõ về thực trạng sự vận hành vô thiên, vô pháp của nền tư pháp nước nhà.

Để từ đó, công chúng biết rằng, cụm từ “Xây dựng Nhà nước pháp quyền” sẽ mãi mãi là khẩu hiệu không tưởng mà thôi.

Đặng Đình Mạnh