‘Nếu CSVN thật tâm hòa giải thì đất nước đã khá hơn rất nhiều’

Thuyền nhân Việt Nam đang được kéo lên một tàu của Hải quân Mỹ
Nghe đọc bài

“Vào những tháng Tư thì lòng tôi buồn tê tái, vì nhà nào cũng treo cờ. Khi công an đến thì tôi phải tìm cờ mà treo. Khi đó lá cờ Việt Nam là lá cờ xa lạ của tôi nhưng tôi phải làm theo thôi. Theo tôi nếu chính phủ Việt Nam có ý muốn hòa giải thì họ sẽ phải có chính sách,” một giáo sư gốc Việt từng nhiều lần về nước, cho hay.

Giáo sư Nguyễn Xuân Thu, 88 tuổi hiện đang sinh sống tại thành phố Melbourne, Úc.

Ông đặc biệt được nhớ đến với những đóng góp trong lĩnh vực giáo dục tại Việt Nam như giúp RMIT mở đại học tại Việt Nam, thành lập Quỹ học bổng Việt Nam (Vietnam Scholarship Foundation)…

Ngày 27/5/1975, một tháng sau ngày chính phủ Việt Nam Cộng hòa sụp đổ, Giáo sư Xuân Thu theo những “ngụy quân”, “ngụy quyền” khác lên đường đi học tập cải tạo tại trại cải tạo Long Thành, với “Công việc chủ yếu hàng ngày của chúng tôi là học tập chính trị. Những bài học thường nêu lên tội ác của Mỹ, Ngụy đối với nhân dân, Mỹ không có sức mạnh đáng kể…

Đó là những bài học hết sức đau đầu và sau những bài học như thế chúng tôi được yêu cầu phải viết những bài “thu hoạch”. Ngoài ra, điều khó khăn nhất của chúng tôi là phải viết đi viết lại các bản “Tự khai báo”, tố cáo và lên án tội ác đối với Cách mạng, với nhân dân của tất cả những ai, kể cả ông bà, cha mẹ, đồng nghiệp, bạn bè và cả chính bản thân mình”, ông nhớ lại.

Từng là một thuyền nhân vào năm 1980, Giáo sư Nguyễn Xuân Thu không thể quên chuyến hải trình giông bão từ Rạch Giá, Kiên Giang, để đến trại tị nạn Songkhla, miền Nam Thái Lan, vào giữa tháng 7/1980.

“Trong lúc thời tiết đang có bão, tôi liều chết lại vượt biên lần thứ hai. Sáng ấy tôi ra khỏi nhà trong lúc các con của tôi còn đang ngủ. Lần này tôi cũng xuất phát từ Rạch Giá. Sau ba ngày và bốn đêm lênh đênh trên biển, con tàu nhỏ chở 63 người chúng tôi may mắn cập bến tại một tỉnh ở phía Nam của Thái Lan, cách trại tị nạn Songkhla của Cao ủy Tị nạn Liên Hiệp Quốc khoảng một giờ lái xe.

Trong thời gian trên biển, chiếc thuyền của chúng tôi bị cướp biển người Thái Lan đến lục soát, lấy tiền của, vàng bạc năm lần. Nhưng may mắn là đàn bà con gái không bị hãm hiếp như nhiều con tàu khác.”

May be an image of 2 people and people studying
Giáo sư Nguyễn Xuân Thu

Và ông không bao giờ quên được hình ảnh của mình cách đây 43 năm.

“Chúng tôi được đưa đến trại tị nạn Songkla lúc ấy khoảng giữa trưa, trời nắng nóng. Chúng tôi bị các trại viên trong trại đến bao vây thăm hỏi. Trong người tôi lúc ấy chỉ vỏn vẹn mặc một chiếc áo thun và một cái quần xà lỏng và trên tay chỉ cầm một cái túi nhỏ đựng kem dánh răng và một vài cái quần lót. Đó là tất cả gia tài của tôi mang theo trên con đường tị nạn và một ý chí quyết sống để lo cho vợ và 5 đứa con của tôi còn ở lại quê nhà.”

Về trại tị nạn Songkhla, Giáo sư Xuân Thu mô tả “Từ ngày ra đời làm việc tôi chưa bao giờ phải chung đụng với đủ hạng người và nhiều vấn đề quá phức tạp như tại trại tị nạn Songkhla.”

“Nhiều người vì tư thù hay ganh tị tố cáo nhau lên Cao ủy Tị nạn Liên Hiệp Quốc, hoặc trực tiếp nộp đơn lên các phái đoàn xét hồ sơ định cư. Bản thân tôi cũng bị tố cáo là cộng sản.”

Từ sau chuyến về thăm Việt Nam lần đầu tiên vào cuối năm 1991 cho đến lúc quyết định xin nghỉ việc tại trường Đại học RMIT vào đầu tháng 4/1994, Giáo sư Xuân Thu đã về Việt Nam nhiều lần mỗi năm.

“Năm 1994, tôi là cố vấn cho Bộ Giáo dục Đào tạo Việt Nam và Đại học Quốc gia Hà Nội. Trong thời gian này, tôi không được liên lạc với công an. Chỗ tôi ở, quán ăn trước nhà thì luôn có công an ngồi ở đó. Tôi đi đâu thì họ luôn đi theo dõi. Từ năm 1994 đến 2000 thì năm nào, có thể mỗi năm ít đi một chút, thì công an bảo chúng tôi đừng có đi đâu vào những ngày 30/4 đó. Vào những ngày 30/4 hằng năm, thì trên đài phát thanh, truyền hình cứ phát sóng về lòng căm thù Mỹ…” Giáo sư Xuân Thu nhớ lại.

“Vào những tháng Tư thì lòng tôi buồn tê tái, vì nhà nào cũng treo cờ. Khi công an đến thì tôi phải tìm cờ mà treo. Khi đó lá cờ Việt Nam là lá cờ xa lạ của tôi nhưng tôi phải làm theo thôi. Theo tôi nếu chính phủ Việt Nam có ý muốn hòa giải thì họ sẽ phải có chính sách.”

“Chúng ta không thể sống mãi trong men rượu chiến thắng, hay mãi mãi ôm ấp vết thương hận thù. Điều cả dân tộc Việt Nam cần phải làm là hãy tự làm lành vết thương của mỗi người, mỗi gia đình để cuộc sống của chúng ta được thanh thản hơn và để có đủ sức mạnh xây dựng một đất nước Việt Nam độc lập, tự do, dân chủ và phát triển thực sự”, Giáo sư Xuân Thu cho hay.

(Theo BBC)