Nam Phi ‘tiến thoái lưỡng nan’ với Putin

Putin (trái) và Tổng thống Nam Phi Cyril Ramaphosa
Nghe đọc bài

Với mối quan hệ nồng ấm lâu nay với Nga, giới chức Nam Phi có khả năng vi phạm hiệp ước với ICC và không bắt Putin, nhưng một số đảng đối lập, nhóm nhân quyền và nhà hoạt động ở nước này cho rằng nên bắt lãnh đạo Nga.

Nam Phi không muốn thực thi lệnh bắt ông Putin của ICC, song chưa tìm được phương án vẹn toàn khi Tổng thống Nga muốn tới Johannesburg dự hội nghị BRICS.

Nam Phi dự kiến tổ chức hội nghị thượng đỉnh khối BRICS, gồm Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi, tại Johannesburg vào tháng 8. Nguyên thủ các nước đều dự kiến tham dự, trong đó có Putin.

Tuy nhiên, là một bên ký Quy chế Rome thành lập Tòa án Hình sự Quốc tế (ICC), Nam Phi có nghĩa vụ bắt Putin theo lệnh ICC đưa ra hồi tháng 3 vì những cáo buộc liên quan tới cuộc xâm lược Ukraine. Nga phản đối lệnh bắt, cho rằng quyết định của ICC không có căn cứ pháp lý và vô hiệu với lãnh đạo nước này.

“Chúng tôi đang đối mặt tình thế tiến thoái lưỡng nan”, Phó tổng thống Nam Phi Paul Mashatile thừa nhận trong cuộc phỏng vấn hôm 14/7. “Tất nhiên, chúng tôi không thể bắt ông ấy. Nó sẽ giống như mời bạn mình đến nhà rồi bắt họ”.

Các quan chức Nam Phi đã tính đến nhiều phương án để giải quyết bài toán, trong đó có tổ chức hội nghị BRICS theo phương thức trực tuyến, để ông Putin không phải tới Johannesburg. Tuy nhiên, Brazil, Ấn Độ, Trung Quốc phản đối hình thức họp này, và Tổng thống Nam Phi Cyril Ramaphosa cũng muốn hội nghị diễn ra trực tiếp.

Một giải pháp khác được đưa ra là chuyển địa điểm tổ chức hội nghị BRICS sang Trung Quốc, nước không phải là thành viên ICC và không có nghĩa vụ bắt ông Putin theo lệnh của tòa. Nhưng Ấn Độ và Brazil không nhất trí với phương án đó và vẫn muốn hội nghị diễn ra tại Nam Phi.

Đây là lý do Phó tổng thống Mashatile đưa ra đề nghị được coi là thẳng thắn nhất. “Chúng tôi thấy rằng ông ấy không đến là giải pháp tốt nhất”, ông nói, đề xuất để Ngoại trưởng Sergey Lavrov thay Putin dẫn đầu phái đoàn dự hội nghị thượng đỉnh BRICS ngày 22-24/8.

“Tuy nhiên, người Nga không hài lòng, họ muốn ông ấy đến”, ông Mashatile cho hay. Các quan chức Nga không đồng tình với khả năng Putin không được tham dự cuộc họp với bốn nguyên thủ quốc gia còn lại. Phản ứng của Nga khiến Nam Phi tiếp tục rơi vào tình thế khó xử, khi chỉ hơn một tháng nữa là hội nghị BRICS sẽ diễn ra.

Với mối quan hệ nồng ấm lâu nay với Nga, giới chức Nam Phi có khả năng vi phạm hiệp ước với ICC và không bắt Putin, nhưng một số đảng đối lập, nhóm nhân quyền và nhà hoạt động ở nước này cho rằng nên bắt lãnh đạo Nga. Họ thậm chí đe dọa sẽ tự làm điều đó, khiến dấy lên lo ngại về vấn đề an ninh cho hội nghị thượng đỉnh BRICS.