Mỹ: Các nhà nghiên cứu lo ngại virus Trung Cộng phát triển khả năng kháng thuốc diệt virus của Pfizer và Merck

Các nhà nghiên cứu và cơ quan quản lý y tế Hoa Kỳ đang lo ngại rằng virus Trung Cộng có thể nhanh chóng phát triển khả năng kháng lại các loại thuốc diệt virus mới của Pfizer và Merck, khiến các nhà khoa học phải tìm ra các hợp chất mới [cung cấp] khả năng bảo vệ tốt hơn chống lại mầm bệnh gây ra COVID-19 này.

Hình ảnh do Pfizer cung cấp vào tháng 10/2021 cho thấy những viên thuốc Paxlovid trị COVID-19 của công ty này. (Ảnh: Pfizer/AP)
Nghe đọc bài

Thuốc Molnupiravir, được phát triển bởi Merck và Ridgeback Biotherapeutics, là liệu pháp điều trị tại nhà dành cho người trưởng thành bị bệnh COVID-19 từ mức nhẹ đến trung bình có nguy cơ cao phát triển thành bệnh nặng. Đây là loại viên uống, sử dụng hai lần một ngày liên tục trong năm ngày kể từ khi xuất hiện triệu chứng.

Trong khi đó, thuốc kháng virus Paxlovid dạng uống của Pfizer được dùng hai lần mỗi ngày trong năm ngày kết hợp với loại thuốc thứ hai có tên là ritonavir, một loại thuốc kháng virus thông thường. Thuốc này nhằm mục đích giúp những bệnh nhân có triệu chứng COVID-19 “nhẹ đến trung bình” tránh bị bệnh nặng đến mức cần phải nhập viện, Pfizer tuyên bố.

Tháng trước (12/2021), Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm (FDA) đã cấp phép sử dụng khẩn cấp cho cả hai loại thuốc kháng virus dạng viên này, và chính phủ Tổng thống Biden đã mua khoảng 10 triệu liệu trình thuốc Paxlovid trong một thỏa thuận trị giá hơn 5 tỷ USD. Chính phủ đã đồng ý mua 3.1 triệu liệu trình thuốc kháng virus của Merck với giá khoảng 2.2 tỷ USD.

Đầu tháng này (01/2022), Tổng thống Joe Biden đã ra lệnh cho chính phủ liên bang mua thêm nhiều gấp đôi để lên mức 20 triệu liệu trình điều trị của loại thuốc viên Paxlovid mới này.

Nhưng các nhà nghiên cứu đang ngày càng lo ngại rằng chủng virus này có lẽ đang bắt đầu né tránh [khả năng bảo vệ của] các loại thuốc mới, gây ra một bước lùi.

“Chúng tôi biết điều này có khả năng xảy ra vào một thời điểm nào đó, vì vậy chúng ta cần phải lường trước và triệt tiêu nó từ trong trứng nước trước khi nó vượt khỏi tầm tay và bắt đầu nắm quyền kiểm soát,” bà Katherine Seley-Radtke, một giáo sư hóa dược tại Đại học Maryland, Quận Baltimore, nói với The Wall Street Journal.

Ông John Mellors, một chuyên gia về bệnh truyền nhiễm tại Đại học Pittsburgh, người đã có 35 năm kinh nghiệm làm việc trong lĩnh vực điều trị virus, nói thêm rằng “không có loại thuốc nào mà tôi biết không có hiện tượng kháng thuốc.”

Dữ liệu thử nghiệm lâm sàng cho thấy thuốc molnupiravir giảm 30% số ca nhập viện và tử vong khi so sánh với giả dược.

Trong khi đó, Pfizer đã tuyên bố rằng thuốc viên kháng virus COVID-19 của họ cho thấy hiệu quả 89% trong việc ngăn ngừa nhập viện và tử vong ở những bệnh nhân có nguy cơ cao, và dữ liệu phòng thí nghiệm gần đây cho thấy loại thuốc này vẫn giữ được độ hiệu quả chống lại biến thể Omicron có khả năng lây truyền cao của chủng virus này.

Cả hai công ty trên cũng đã tuyên bố rằng các thử nghiệm lâm sàng không cho thấy khả năng kháng thuốc nào mà SARS-CoV-2 có thể phát triển nhưng thừa nhận rằng nghiên cứu lâm sàng đang được tiến hành.

“Chúng tôi đã đặc biệt thiết kế PAXLOVID để duy trì hiệu quả điều trị với các loại virus corona, cũng như các biến thể đáng lo ngại hiện tại với các đột biến phần nhiều tại protein gai,” Pfizer cho biết trong một tuyên bố.

Molnupiravir, một loại thuốc viên điều trị COVID-19 thử nghiệm, được nhìn thấy trong bức ảnh phát tay được Merck & Co. phát hành vào ngày 17/05/2021 này. (Ảnh: Merck & Co. Inc./Phát tay qua Reuters)
Paxlovid, thuốc kháng virus COVID-19 dạng viên của hãng dược phẩm Pfizer, được sản xuất tại Ascoli, Ý, trong bức ảnh không ghi ngày tháng mà Reuters thu thập được hôm 16/11/2021. (Ảnh: Pfizer/Phát tay qua Reuters)

Tuy nhiên, các loại thuốc kháng virus thành công thường tấn công vào hai trong số các enzyme của virus, polymerase và protease, để ngăn chặn quá trình nhân đôi của virus.

Viên uống kháng virus của Pfizer ngăn chặn COVID-19 bằng cách ức chế protease, trong khi molnupiravir ức chế sự nhân đôi của virus bằng cách đánh lừa polymerase, loại enzyme mà virus này cần để sinh trưởng, dẫn đến chèn lỗi sai hoặc đột biến [vào bộ gene của virus] khiến cho virus không thể sinh sôi.

Tuy nhiên, ông Luis Schang, nhà virus học tại Đại học Cornell ở Ithaca, New York, nói với tạp chí Nature rằng cách thức hoạt động của molnupiravir có thể mang lại rủi ro trong liệu pháp kết hợp.

Nếu molnupiravir không tiêu diệt được hoàn toàn virus ở một bệnh nhân, một số lỗi RNA hoặc đột biến mà thuốc này tạo ra có thể vô tình cung cấp cho virus khả năng kháng lại loại thuốc khác được sử dụng trong liệu trình kết hợp. Đó là lý do tại sao các nhà nghiên cứu phải tìm ra một loại thuốc ức chế polymerase của virus và cũng có thể được sử dụng phối hợp với thuốc ức chế protease.

Ông Schang nói rằng các nhà nghiên cứu nên phát triển thêm các phương pháp điều trị nhắm vào các phần khác của virus nếu họ muốn đánh bại một đại dịch khác một cách hiệu quả.

Ông nói: “Lần này, chúng ta gặp may với một loại virus mã hóa cả polymerase và protease, và rồi chúng ta ở đây hai năm sau chỉ với một kho [thuốc] dưới mức tối ưu. Chúng ta thực sự phải xác định và xác thực các mục tiêu mới cho thuốc kháng virus để khi [đại dịch] tiếp theo xảy ra, chúng ta có một phương án dự bị rộng hơn nhiều để lựa chọn.”

Một vấn đề khác mà các nhà nghiên cứu đã nêu ra là cả hai loại thuốc này cần được uống hai lần một ngày trong năm ngày, có nghĩa là nếu các cá nhân ngừng điều trị trước khi hết năm ngày, thì khả năng virus kháng thuốc có thể tăng lên. Một vấn đề khác là khả năng tiếp cận xét nghiệm bị hạn chế, khiến mọi người không biết rằng họ thậm chí đã bị nhiễm bệnh.

“Chúng ta có thể tạo ra những loại thuốc tốt nhất trên thế giới, nhưng nếu mọi người không hiểu rằng họ phải mau chóng tiếp nhận và tham gia sử dụng thuốc, thì họ sẽ không thể nào khỏe lên được,” ông Carl Dieffenbach, giám đốc Khoa AIDS tại Viện Dị ứng và Bệnh truyền nhiễm Quốc gia Hoa Kỳ, nói với tạp chí Nature. “Thuốc không tự chui vào bụng người được.”

Theo The Epoch Times