Một tỷ phú ngân hàng Trung Quốc ‘bỗng nhiên mất tích’

Nghe đọc bài

Sự biến mất bí ẩn của ông Bao Fan khiến nhiều người liên tưởng tới việc các tỷ phú Trung Quốc đã bị điều tra trong những năm gần đây.

Việc một tỷ phú ngân hàng Trung Quốc mất tích đã làm dấy lên lo ngại trong ngành tài chính nước này. Ông được cho là người có quan hệ rộng nhất hệ thống ngân hàng Trung Quốc.

Theo Bloomberg, việc một chủ ngân hàng ở Trung Quốc mất tích đã khiến ngành tài chính của nước này rúng động.

Hôm 16/2, China Renaissance Holdings thông báo với Sở giao dịch chứng khoán Hong Kong rằng họ “không thể liên lạc với Bao Fan” – cổ đông kiểm soát, Chủ tịch kiêm CEO của nhà băng này. Đầu phiên giao dịch ngày 17/2 tại Hong Kong, giá cổ phiếu của China Renaissance lao dốc 50%.

Theo nguồn tin của Bloomberg, công ty đã mất liên lạc với ông Bao trong khoảng 2 ngày. Gia đình của ông tiết lộ vị chủ tịch ngân hàng đang hỗ trợ một cuộc điều tra.

Trước đó, cựu Chủ tịch China Renaissance Cong Lin cũng bị triệu tập điều tra vào tháng 9.

Theo Bloomberg, tại Trung Quốc, không có gì lạ khi một giám đốc điều hành không liên lạc được vì đang bị triệu tập để điều tra. Nhưng sự mất tích bí ẩn của ông Bao khiến ngành tài chính nước này ớn lạnh.

Tỷ phú Bao là một nhân vật quan trọng trong ngành công nghệ và tài chính Trung Quốc. Ông nổi tiếng nhờ từng làm trung gian cho các thương vụ mua bán và sáp nhập phức tạp, bao gồm cả những thương vụ dẫn tới sự hình thành của hãng gọi xe công nghệ Didi Global hay Meituan.

Hồi năm 2015, vụ sáp nhập giữa Didi và Kuaidi Dache – một trong những đối thủ cạnh tranh hàng đầu của hãng gọi xe vào thời điểm đó – được coi là một trong những thương vụ bom tấn.

Ông từng làm việc cho Morgan Stanley và Credit Suisse Group. Vị tỷ phú được cho là người có quan hệ rộng nhất ngành ngân hàng Trung Quốc. Ông đã thành lập China Renaissance vào năm 2005.

China Renaissance đã đầu tư vào hàng loạt công ty công nghệ. Nhiều trong số đó trở thành những gã khổng lồ công nghệ như NIO và WuXi AppTec. Ngân hàng của ông Bao cũng là nhà băng bão lãnh chính cho thương vụ IPO (phát hành cổ phiếu ra công chúng lần đầu) trị giá 2 tỷ USD của JD.com tại Mỹ hồi năm 2014.

Ngân hàng cũng bảo lãnh cho đợt IPO của Kuaishou Technology tại Hong Kong hồi năm 2021 – thương vụ IPO của một công ty công nghệ lớn nhất kể từ khi Uber Technologies lên sàn vào năm 2019.

Ông Bao cũng mở rộng hoạt động kinh doanh sang dịch vụ môi giới và quản lý tài sản. Theo báo cáo gần đây nhất, tính đến cuối tháng 6/2022, China Renaissance quản lý khối tài sản trị giá khoảng 48,6 tỷ nhân dân tệ (tương đương 7,1 tỷ USD).

Trong khi đó, ông Cong đã giữ nhiều vị trí khác nhau tại Ngân hàng Công thương Trung Quốc. Nguồn tin của Bloomberg cho biết ông rời China Renaissance vào năm ngoái.

Theo ông Willer Chen – nhà phân tích cấp cao tại Forsyth Barr Asia, sự mất tích của ông Bao sẽ tác động lớn tới cổ phiếu, bởi ông là nhân vật chủ chốt của công ty.

Sự biến mất bí ẩn của ông Bao còn khiến nhiều người liên tưởng tới việc các tỷ phú Trung Quốc đã bị điều tra trong những năm gần đây.

Vào cuối năm 2021, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình phát động một cuộc điều tra chống tham nhũng quy mô lớn, nhắm vào lĩnh vực tài chính trị giá 60.000 tỷ USD của nước này. Hàng chục quan chức Trung Quốc đã bị kỷ luật.

Cuộc điều tra cũng nhắm vào các ngân hàng đầu tư và công ty môi giới, trong đó có Everbright Securities và Guotai Junan Securities.

Nhưng trong những tháng qua, Bắc Kinh đã nới lỏng gọng kìm với khu vực kinh tế tư nhân của đất nước. Các nhà chức trách Trung Quốc cũng đưa ra những biện pháp nhằm hỗ trợ lĩnh vực bất động sản đang trượt dài trong khủng hoảng. Các động thái này được cho là để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế sau nhiều năm theo đuổi chiến lược zero-Covid.