Mặt mũi nào khi đối xử với dân tha hương cầu thực như thế! thật đáng xấu hổ

Chính quyền còn đáng xấu hổ hơn nữa khi xua đuổi dân địa phương khác đến, hay đuổi dân mình khi họ thất thế quay về nhà.

Nghe đọc bài

Ban Chỉ đạo phòng chống Covid-19 Thừa Thiên Huế quyết định từ ngày 17/8, người dân từ các tỉnh thành đang áp dụng Chỉ thị 16 về Thừa Thiên, Huế sẽ phải cách ly tập trung và phải trả lệ phí ăn ở trong thời gian bị cách ly.

Số người từ các tỉnh, thành phố đang áp dụng Chỉ thị 16 về quê tiếp tục tăng. Hàng trăm ngàn người dân tha hương cầu thực từ các tỉnh phía Nam đã phải bỏ vùng đất nuôi sống họ hàng ngày để trở về.

Sau ngày 30/4/1975 hàng triệu người dân từ Nam ra Bắc phải bỏ nước ra đi vì không thể sống dưới chế độ hà khắc như cọp dữ, hà chính mãnh ư hổ, họ bị chính quyền buộc tội phản quốc, tham bơ thừa sữa cặn của đế quốc.

Tưởng sau khị không còn chiến tranh, đất nước tiến lên “như chưa bao giờ thế” người dân sẽ an vui, hạnh phúc nơi quê nhà, hoặc nếu có đi xa làm ăn để xây dựng một cuộc sống khá hơn thì cũng hãnh diện ngửng mặt rời khỏi quê hương, và vui với làng xóm trong ngày ‘vinh quy’, nào ngờ làn sóng ly hương càng ngày càng mạnh hơn và thảm hại hơn, ngày ra đi nghẹn ngào, ngày trở về không hãnh diện. Theo Tổng cục điều tra dân số và nhà ở Trung ương, 2014-2019, có khoảng  40 người/1000 dân bỏ quê hương di cư. Hầu hết từ các tỉnh miền Trung và vùng đồng bằng sông Cửu Long. Nơi tập trung lớn nhất là Sài Gòn, Thủ Đức, Tân Bình, Sóng Thần, (Bình Dương) Bà Rịa, Vũng Tàu.

Làn sóng di cư càng ngày càng dâng lên. Những người có rất nhiều tiền, bọn tư bản đỏ, quan chức chính phủ chân trong chân ngoài, thậm chí có 2 quốc tịch, giữ chỗ ở ngoại quốc phòng thân. Những người khác phải cầm cố đất đai, sổ đỏ, vay nợ nặng lãi xin ‘xuất khẩu lao động’, làm osin; có nhóm trốn ra loanh quanh vùng Đông Nam Á, người tốt thì bán hàng rong, làm thuê làm mướn, kẻ xấu thì làm đĩ, buôn ma túy, móc túi. Hàng triệu người tha phương cầu thực trong nước, họ đến những vùng kinh tế khá hơn tìm miếng ăn hàng ngày, mang cả con cái nheo nhóc theo, những đứa nhỏ từ còn ẵm ngửa trên tay đến chập chững, cùng cha mẹ sống trong các khu chật hẹp, ổ chuột, không có trường học, theo cha mẹ đi làm thuê, mất cả tuổi thơ.

Trách nhiệm thuộc về người lãnh đạo quốc gia hay chính quyền địa phương không lo được miếng cơm manh áo, không cung cấp nổi việc làm cho dân, đẩy dân đến bước đường phải lìa quê hương, làng mạc, mồ mả tổ tiên ra đi tha phương cầu thực. Chính quyền còn đáng xấu hổ hơn nữa khi xua đuổi dân địa phương khác đến, hay đuổi dân mình khi họ thất thế quay về nhà.

Để tránh dịch, trong lúc nhiều nhà giàu bỏ về quê, hưởng thú nhàn nhã, gọi là sống chậm, đầy đủ thức ăn tự cung tự cấp, thì hàng trăm ngàn dân tha hương phải bỏ nơi họ đã đến, dù chưa cho họ khá giả nhưng cũng giúp họ sống qua ngày, và bị bỏ rơi bởi chính quyền sở tại khi gặp hoạn nạn. Những người ly hương  thuê nhà trong các khu thiếu vệ sinh, đông đúc, chật chội, xếp cá mòi, nhiều người mắc virus corona, đã đói từ lâu, con cái nhiều bữa dứt sữa. Những gói cứu trợ hàng ngàn tỷ này đến hàng ngàn tỷ kia được cả trung ương lẫn địa phương hứa hẹn từ bắt đầu dịch đến nay nhiều người dân nghèo có hộ khẩu thường trú còn chưa biết ra sao, người dân nhập cư, ngay cả giấy tạm trú cũng không được cấp, không mong đợi gì. Bụng đói đầu gối phải bò, lúc này thật đúng nghĩa. Họ hoảng loạn chạy về quê.

Chính quyền các địa phương có dịch bệnh đang quyết liệt  phong tỏa thành phố hàng tháng trời và còn tiếp theo nữa. Khi cuộc sống toàn dân trở nên khó khăn hơn nhiều thì người nhập cư bị dồn đến mức khốn quẫn. Bị đuổi khỏi nhà trọ, thiếu ăn, và bệnh dịch đe dọa mạng sống, dắt díu nhau về quê là biện pháp cuối cùng họ phải chọn lựa. Vượt hàng ngàn cây số, ngày đội nắng, dầm mưa, tối vật vờ bất cứ chỗ nào ngả lưng được, cha mẹ ẵm con thơ, kéo theo những đứa 5, 3 tuổi  cũn cỡn cố chạy theo cha mẹ, nhìn thấy vô cùng đau xót. Từng chai nước, từng bữa cơm trông cậy vào từ tâm của đồng bào. Chưa hề thấy chính phủ hay các đoàn thể thường tự nhận vì dân chạy theo ban phát cho một nắm cơm, chai nước giải khát, một bình sữa cho em bé đói bụng. Đau xót hơn nữa, nhiều chính quyền địa phương họ đi qua tỏ ra ruồng rẫy không muốn cho họ trú chân qua đêm. Cảnh sát dẫn đường, xe tải chở người vượt qua địa phương tưởng chừng giúp đỡ đi cho nhanh, thật ra chỉ tống khứ họ lẹ hơn.

VNExpress kể chuyện một thanh niên tên Trần Văn Trường ở xã An Hòa Hải, huyện Tuy An, Phú Yên. Trường dời quê hương vào Sài gòn với chiếc xe lăn bán vé số đã 7 năm. Dịch bùng phát từ tháng 5, hết cách ly, đến phong tỏa thành phố, Trường phải ngưng bán vé số, chàng trai “cố thủ” trong phòng trọ, sống bằng tiền tiết kiệm. Mỗi ngày, Trường chỉ ăn mì gói. Ăn riết không chịu nổi, anh ra đầu ngõ mua bó rau mồng tơi vào nấu canh. Thấy Trường thân cô thế cô, lại tàn tật, có lúc hàng xóm giúp đỡ mua rau, cá tặng anh. Anh không thể trả tiền trọ, tiền ăn, mà không đi làm được.

Giữa tháng Bảy, nhìn dòng người ùn ùn về quê, Trường càng thêm nôn nao. Đến ngày 28/7, Trường không còn chần chừ, một mình với chiếc xe lăn, anh lên đường về quê.

4 giờ sáng, sau khi lót dạ bằng tô mì gói, Trường rời Sài Gòn với hai gói mì, hai phần bánh mì khô, cùng vài chai nước lọc, áo quần. Anh khom người đẩy xe ra ngõ, bắt đầu chuyến hồi hương.

Trường men theo các biển chỉ dẫn trên quốc lộ để đi, tới đoạn nào không rõ thì hỏi người dân. Mỗi ngày, Trường đi được gần 100 km, 4 giờ sáng đi, đến 9 giờ tối thì nghỉ. Dọc  đường, Trường được nhiều người cho cơm, cho nước..

Suốt đường về quê tránh dịch, Trường không sợ cướp, sợ mệt, mà chỉ lo xe lăn bị hỏng. “Phần bánh xe đã cũ dễ bị thủng, tăm xe có đôi chiếc đã gãy, phải hàn lại đi tạm. Nếu giữa đường gặp sự cố, mình cũng không biết xoay xở ra sao”.

Sau 6 ngày vượt gần 500 km, chiều 3/8, Trường đến đoạn quốc lộ 1, qua TP Cam Ranh, Khánh Hòa, cách nhà hơn 100 km. Anh bắt đầu đuối sức, mệt dần. Lúc này, Hội Bạn Hữu Đường Xa Khánh Hòa, một hội tư của các tài xế, phát hiện chàng trai đi xe lăn đã tới cung cấp thức ăn, nước uống.

Trường may mắn không bị địa phương của anh xua đuổi, những người tỉnh khác lớp bị ngăn chận, lớp bị chính quyền địa phương làm khó dễ. Ông Nguyễn Xuân Sơn, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Thừa Thiên Huế giải thích lý do tỉnh áp dụng cách ly có thu phí đối với người dân từ các tỉnh, thành phố đang áp dụng Chỉ thị 16 là hạn chế người dân trở về.

Cả nước đang đau khổ vì dịch bệnh, càng sửng sốt và đau lòng trước hàng đoàn người vô tội tha phương cầu thực, nghèo nàn, mang số phận vô cùng nghiệt ngã, mong muốn có một cuộc sống khá hơn, đã không được chính quyền các nơi họ từng kiếm cơm giúp đỡ lại đang bị hắt hủi bởi chính quyền địa phương nơi chôn nhau cắt rốn của họ đối xử tệ hại, hắt hủi.

Theo VNTB