Lãnh đạo Việt Nam có dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm như hô hào?

Nghe đọc bài

Tổng Bí thư kiêm Chủ tịch nước Việt Nam Nguyễn Phú Trọng mới đây đưa ra bài viết “Chuẩn bị và tiến hành thật tốt Đại hội XIII của Đảng, đưa đất nước bước vào một giai đoạn phát triển mới” đã cho rằng “trong lãnh đạo, điều hành, tổ chức thực hiện, phải có quyết tâm rất cao, nỗ lực rất lớn, thật sự năng động, sáng tạo, chú trọng tạo đột phá để phát triển; coi trọng chất lượng, hiệu quả thực tế của công việc và đề cao trách nhiệm người đứng đầu”.

Báo VietnamNet vào ngày 5/10 khi phân tích bài viết của người đứng đầu đảng cộng sản Việt Nam đã tham khảo ý kiến Giáo sư – Tiến sĩ Phùng Hữu Phú, Phó Chủ tịch thường trực Hội đồng Lý luận Trung ương và dẫn lời GS. TS. Phùng Hữu Phú rằng cán bộ chính phủ Hà Nội, đặc biệt là cán bộ lãnh đạo phải có tinh thần dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, phải quyết tâm đổi mới, có năng lực đổi mới.

Trao đổi với RFA tối 5/10, Chuẩn Đô đốc, Thiếu tướng Lê Kế Lâm – nguyên Phó Tham mưu trưởng tác chiến Hải quân, nguyên Giám đốc Học viện Hải quân Việt Nam nhận xét về phát biểu vừa nêu của Phó Chủ tịch thường trực Hội đồng Lý luận Trung ương như sau:

“Dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm là đúng và nếu làm được như vậy thì rất tốt cho dân.”

Từ Hà Nội, Nhà báo độc lập Nguyễn Vũ Bình, từng công tác ở Tạp chí Cộng sản lại cho rằng lời ông GS. TS. Phùng Hữu Phú nói với báo VietNamNet chỉ là lời nói cho có. Ông lập luận:

“Bây giờ mới phát hiện ra càng quan chức cao cấp, càng nói này nói nọ thì càng đi ngược lại với những cái người ta với những cái người ta phủ nhận. Ví dụ như những người tham nhũng vào tù ngồi như Trung tướng Phạm Văn Vỹ, Nguyễn Đức Chung, thầy thuốc Giám đốc bệnh viện Bạch Mai… Đấy là một loại tuyên truyền, những biểu tượng của họ, để phục vụ họ hay dùng như thầy thuốc nhân dân, nhà báo nhân dân… từ những biểu tượng như thế càng nói, càng tuyên truyền, càng thổi lên thì bản chất càng ngược lại. Căn cứ vào thực tiễn hiện nay thì tôi đánh giá câu nói của ông đó càng vô cùng sáo rỗng.”

Đồng quan điểm nêu trên, ông Vũ Minh Trí, trước đây từng là cán bộ Tổng cục Tình báo quân đội – Tổng cục II, nhận định:

“Tôi cũng đã từng 21 năm làm đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam thì tôi thấy một điều là nói để cho hay, cho đẹp thì không ai hơn cộng sản. Tuyên truyền thì cộng sản là số một nên những lời của Phùng Hữu Phú thì tôi nghĩ chẳng có giá trị gì và hoàn toàn không đáng tin cây, đấy là cái thứ nhất. Cái thứ hai thì dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm nghe thì có vẻ hay nhưng tất cả đều nằm trong vòng kim cô của đảng cộng sản nên không thể có người nào làm được như vậy, thực tế không thể có. Những người chưa nói đến làm, đến chịu trách nhiệm mà chỉ cần phản biện trái ý của họ là họ đã cho vào tù, thậm chí rất lâu, điển hình như trường hợp ông Trần Huỳnh Duy Thức và nhiều nhân sĩ trí thức, người có trình độ, tâm huyết với đất nước.”

Theo Thiếu tướng Lê Kế Lâm, thực tế trong thành công chống dịch COVID-19 của Việt Nam vừa qua đã thể hiện rất rõ vai trò chỉ đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam là đúng đắn:

“Vừa qua chúng ta thấy đảng yêu cầu trong chống COVID thì rõ ràng đảng có chỉ thị, yêu cầu trước thì cán bộ, chính phủ, cơ quan nhà nước mới triển khai thực hiện sau. Trả lời một cách công bằng và công tâm thì rất khó nhưng phần lớn cán bộ Việt Nam bây giờ thực hiện được dám nghĩ dám làm, dám chịu trách nhiệm trước dân. Tất nhiên cũng có những người chưa làm được như vậy. Những ai chưa làm được như vậy thì dân sẽ có ý kiến, phản ảnh và thanh tra của lãnh đạo nhà nước sẽ thanh tra và sẽ phê bình những người đó. Nếu những ai không làm được những việc như vậy và có sai phạm khuyết điểm nữa thì có thể bị kỷ luật.”Hình minh họa. AFP

Với góc nhìn cá nhân và quá trình quan sát từ thực tế, nhà báo Nguyễn Vũ Bình cho rằng việc cán bộ lãnh đạo ‘dám nghĩ, dám làm’ không khả thi trong tình hình hiện nay. Ông cũng đưa ra ví dụ điển hình:

“Bây giờ chẳng ai dại dám nghĩ dám làm nữa. Trường hợp cụ thể nhất, người dám làm là ông Đoàn Ngọc Hải, phó quận trong Sài Gòn, người đập vỉa hè, dám nghĩ dám làm nhưng có làm được đâu. Tư tưởng của ông là đúng, tốt, mà có làm nổi đâu.”

Ông Đoàn Ngọc Hải, sinh năm 1969, nguyên Phó Chủ tịch quận 1, thành phố Hồ Chí Minh được nhiều người biết đến với chiến dịch giành lại vỉa hè cho người đi bộ tại địa bàn quận 1 vào những tháng đầu năm 2017, cùng phát biểu ‘Nếu không làm được tôi sẽ cởi áo về vườn, không làm nữa’.

Tuy nhiên, truyền thông nhà nước Việt Nam vào ngày 19/5/2017 đồng loạt đăng tin dẫn lời ông Đoàn Ngọc Hải cho biết chiến dịch này bị ngừng lại theo yêu cầu của Quận ủy quận 1.

Trên các diễn đàn và các trang mạng xã hội, nhiều ý kiến khi bàn luận đến vụ việc cán bộ ‘dám nghĩ, dám làm’ cũng nhắc đến ông Kim Ngọc, cố Bí thư tỉnh Vĩnh Phúc, người được báo chí nhà nước nhắc đến là một nhà lãnh đạo dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích của nhân dân.

Cụ thể, ông Kim Ngọc được coi là ‘cha đẻ của khoán hộ, hay còn gọi là ‘khoán mười’, với quan điểm được đánh giá cao trong thập kỷ 60 của thế kỷ 20 là “xã viên không coi ruộng đất là của mình nên họ chẳng thiết tha gì với đồng ruộng, phải để nông dân làm chủ mảnh đất của mình”.

Nhiều thông tin cho rằng với chủ trương ‘khoán hộ’ nêu trên, ông Kim Ngọc đã bị kỷ luật kiểm điểm vào cuối năm 1968.

Tuy nhiên, khẳng định với RFA tối 5/10, ông Nguyễn Minh Trí cho biết việc đảng chấp thuận ý kiến của ông Kim Ngọc là do tình thế bắt buộc:

“Lúc bấy giờ nếu không tổ chức khoán hộ, khoán đến nhóm người lao động như người xưa hay nói, thì chết đói, cả nước chết đói, cả miền bắc chết đói, không có gạo mà ăn nên đó là việc chẳng đặng đừng. Nếu ngân sách có nhiều hoặc được viện trợ nhiều thì chắc chắn ông Kim Ngọc sẽ bị kỷ luật, thậm chí bị đi tù. Tương tự, cái mà ta vẫn gọi sau đấy hơn khoảng một chục năm, vào Đại hội V, Đại hội VI của đảng vào năm 86 thì ta gọi là đổi mới, suy cho cùng cũng chỉ là nếu không đổi mới thì đảng này cũng sập, đổi mới chẳng qua để duy trì tiếp sự tồn tại. Người dân bị siết cổ gần chết thì nó (đảng) chỉ mở dây trói đó ra tí chút cho họ đủ sống thôi, hoàn toàn không có nghĩa cho họ quyền tự do, kể cả về mặt kinh doanh sản xuất hay sở hữu, như những quyền mà nước khác có.”

Với những nguyên nhân nêu trên, ông Vũ Minh Trí khẳng định ông hoàn toàn không tin tưởng vào cải cách, đổi mới của chính phủ Hà Nội:

“Chẳng qua đấy là bước đường cùng họ phải làm như vậy. Nếu họ không làm thì bản thân họ cũng sụp đổ, cũng sẽ chết.”

Nhân sự Đảng Cộng sản Việt Nam luôn là vấn đề được dư luận xã hội quan tâm, nhất là trong lúc đại hội đảng cận kề. Trong thời gian này, truyền thông nhà nước cũng liên tục đưa tin về những biện pháp cải thiện chất lượng nhân sự từ các vị lãnh đạo với mục đích được nói để góp phần xây dựng đảng hùng mạnh, đất nước phát triển.

Dù vậy, nhiều ý kiến từ các nhà quan sát xã hội cho rằng việc những ý kiến đưa ra thực chất chỉ mang tính tuyên truyền và không thiết thực trong tình hình hiện nay.

Theo RFA