Home Việt Nam Lãnh đạo tỉnh Bình Thuận ‘ăn hại’ trong 30 năm

Lãnh đạo tỉnh Bình Thuận ‘ăn hại’ trong 30 năm

Dương Văn An, Bí thư Tỉnh ủy Bình Thuận, khuyên báo đảng chỉ nên nói tốt về vụ phá rừng làm hồ thuỷ lợi

Nghe đọc bài

Trong lúc vụ phá rừng làm hồ thủy lợi ở tỉnh Bình Thuận bị công luận chỉ trích kịch liệt, báo đảng xác nhận, suốt 30 năm qua, tất cả sáu đời chủ tịch tỉnh này đều bị kỷ luật, mất ghế vì “ăn đất, phá rừng”.

Tờ Thanh Niên dẫn lời ông N.V.T, cán bộ hưu trí tỉnh Bình Thuận: “Như vậy, trong suốt 30 năm qua, tất cả sáu đời chủ tịch tỉnh Bình Thuận đều bị xử lý kỷ luật”.

Cụ thể, Chủ tịch Bình Thuận nhiệm kỳ 1991 – 1996 (sau khi tách tỉnh Thuận Hải thành Bình Thuận và Ninh Thuận) bị cách chức vì để xảy ra vụ phá rừng Tánh Linh với quy mô lớn.

Tiếp đến là Trần Khán, Chủ tịch tỉnh Bình Thuận nhiệm kỳ 1996 – 2001, bị miễn nhiệm.

Tiếp đến là Huỳnh Tấn Thành, Chủ tịch tỉnh Bình Thuận hơn 9 năm (từ 2001 – 2010) cũng bị cảnh cáo trước khi nghỉ hưu.

Tiếp theo là Lê Tiến Phương, Nguyễn Ngọc Hai và Lê Tuấn Phong.

Hồi tháng 11/2022, Lê Tuấn Phong mất ghế chủ tịch ở tuổi 48 do để xảy ra sai phạm thời kỳ làm Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Bình Thuận.

Phong đã ký tờ trình tham mưu Ủy ban tỉnh chấp thuận cho công ty Trường Phúc Hải làm dự án “lấn biển, chỉnh trang đô thị và sắp xếp lại dân cư ở phường Đức Long, Phan Thiết” (Hamubay). Đây là một trong chín dự án “đất vàng” ở Bình Thuận bị Bộ Công an điều tra với cáo buộc giao đất giá rẻ, không đấu giá, gây thất thoát ngân sách nhà nước.

Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Chu viết: “…Rất thông cảm với lãnh đạo các tỉnh hiện nay. Người nào đến nhiệm kỳ của mình cũng muốn để lại dấu ấn. Tất cả các dấu ấn họ để lại không ngoài các dự án. Hoặc là dự án đầu tư nước ngoài. Hoặc là các công trình giao thông, thuỷ điện, thuỷ lợi, khu xây dựng, khu nghỉ dưỡng…


Dự án nào cũng liên quan đến cắt đất, đốn cây. Ai cũng hô hào “không đánh đổi môi trường để phát triển kinh tế”. Chỉ có hậu thế mới thực sự thấm thía thế nào là môi trường sống “không đánh đổi môi trường để phát triển kinh tế” mà tiền nhân để lại.


Một số lãnh đạo thường lấy “quyết tâm chính trị” làm “vũ khí vô đối”. Họ đặt “quyết tâm chính trị” trên khoa học kỹ thuật, trên cả quy luật thiên nhiên.


Như vụ cách ly COVID-19 là ví dụ gần nhất. Thiên nhiên không biết đến “quyết tâm chính trị”. Sức mạnh của thiên nhiên thì không “quyết tâm chính trị” nào có thể chống lại được.”