‘Làm gì có chuyện tòa ở Việt Nam độc lập xét xử’

Nguyễn Hòa Bình
Nghe đọc bài

Trong khá nhiều trường hợp, cơ quan đảng gồm tỉnh ủy hoặc thành ủy đã tham gia vào các buổi làm việc của ban nội chính để chỉ đạo án.

Quốc hội Việt Nam đang họp tổ chuyên trách xem xét dự án sửa đổi Luật Tổ chức Tòa án Nhân dân. Trong đó, bao gồm cả việc đổi tên không theo đơn vị hành chính như hiện nay mà theo cấp xét xử sơ và phúc thẩm. Giải thích cho điều ấy, ông Nguyễn Hòa Bình, Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao cho rằng việc đổi tên để tòa án độc lập xét xử.


Rõ ràng, lời giải thích của ông Nguyễn Hòa Bình đã xác nhận về điều mà công chúng đã biết từ trước cho đến nay rằng thực trạng tòa án không hề được độc lập xét xử. Vì nếu tòa án đã độc lập xét xử, thì đâu cần phải đưa vấn đề đó ra làm lý do để thuyết phục quốc hội chấp thuận dự án luật sửa đổi.


Tòa án độc lập xét xử là một trong những nguyên tắc tư pháp chính yếu để bảo đảm sự ban phát công lý và không có gì khác ngoài công lý. Mọi sự lệ thuộc của tòa án vào các cơ quan, bộ ngành khác đều đe dọa nguyên tắc độc lập xét xử.


Thậm chí, truyền thông trong nước đã từng dẫn lời thuật của một quan chức đi khảo sát tại tòa án nước ngoài, rằng: Một chánh án đã hỏi thẩm phán vụ án ABC đã có thể xét xử được chưa. Ngay khi ấy, vị thẩm phán đã lập tức khiếu nại vì cho rằng câu hỏi ấy đã gây áp lực, ảnh hưởng đến tính độc lập xét xử của thẩm phán. Cho thấy, xét xử độc lập đã từng được hiểu và vận dụng khắt khe đến thế nào trong hệ thống tài phán của các quốc gia văn minh.


Hiến pháp Việt Nam cũng quy định về nguyên tắc này, thế nhưng, mặt khác lại không quy định về nguyên tắc tam quyền phân lập. Cho nên, khó có thể hình dung tòa án độc lập nếu ngành tư pháp không được phân quyền.


Chưa kể rằng, thực tế tại các tỉnh, thành trong cả nước lại có sự tồn tại của Ban An ninh Nội chính, vốn là một định chế phi pháp, không được quy định trong hiến pháp hoặc bất kỳ quy định tố tụng nào cả. Ban Nội chính này tập hợp từ các cơ quan tiến hành tố tụng gồm công an, viện kiểm sát và tòa án để thống nhất tội danh trong các vụ án hình sự. Trong khá nhiều trường hợp, cơ quan đảng gồm tỉnh ủy hoặc thành ủy đã tham gia vào các buổi làm việc của ban nội chính để chỉ đạo án.


Đồng thời, còn những quy định bất thành văn trong nội bộ tòa án hiện nay như báo cáo án của các thẩm phán và duyệt án của chánh án… Đều là sự can thiệp vào việc xét xử cả.


Do đó, nói tòa án độc lập xét xử là đang nói về một điều chưa từng tồn tại trong nền tư pháp Việt Nam.


Theo đó, ngày nào hiến pháp Việt Nam chưa quy định phân quyền độc lập cho tư pháp, còn duy trì sự tồn tại phi pháp của Ban An ninh Nội chính, rồi báo cáo án, duyệt án… thì ngày đó, tòa án vẫn không thể độc lập xét xử.


Thế nên, việc đổi tên tòa án tuy có cần thiết, nhưng không hề liên quan gì đến việc tòa án độc lập xét xử cả, nếu có, chỉ nằm trong sự tưởng tượng của ông Chánh án Tòa án tối cao mà thôi và đó là câu chuyện buồn muôn thuở về nền tư pháp nước nhà.

Mạnh Đặng