Không nên kỳ vọng lớn vào việc nâng cấp quan hệ Việt-Mỹ

Tổng thống Mỹ Joe Biden
Nghe đọc bài

Do những vấn đề lịch sử, ý thức hệ và mô hình thể chế, Việt Nam sẽ không bao giờ đứng cùng Washington chống lại ảnh hưởng kinh tế và quân sự của Bắc Kinh ở Châu Á-Thái Bình Dương. 

Nói gì thì nói, việc Hà Nội thay đổi lập trường, nâng cấp quan hệ với Hoa Kỳ và các nước vừa kể cũng là một điều đáng khích lệ, dù muộn màng sau nhiều chuyến lỡ tàu. Các cuộc thăm dò ý kiến đều cho thấy, đại đa số người Việt Nam cả trong và ngoài nước đều lo ngại tham vọng của nước láng giềng Trung Quốc và ủng hộ quan hệ mật thiết hơn giữa Hoa Kỳ và Việt Nam. Nếu không ngăn chặn được tham vọng của Trung Quốc thì quan hệ với Mỹ cũng sẽ giúp Việt Nam mạnh hơn về kinh tế, cải thiện chính trị và hội nhập sâu hơn vào thế giới dân chủ.

Tuy vậy, không nên đặt nhiều kỳ vọng lớn vào việc nâng cấp quan hệ Việt-Mỹ. Do những vấn đề lịch sử, ý thức hệ và mô hình thể chế, Việt Nam sẽ không bao giờ đứng cùng Washington chống lại ảnh hưởng kinh tế và quân sự của Bắc Kinh ở Châu Á-Thái Bình Dương. Hà Nội có thể nhận được sự hỗ trợ về quốc phòng và an ninh của Washington để bảo vệ chủ quyền biển đảo, có thể mua vũ khí tân tiến của Mỹ, kể cả chiến đấu cơ F-16, nhưng sẽ không ra mặt chống lại Trung Quốc, chẳng hạn như khi xung đột xảy ra ở eo biển Đài Loan.

Chính sách quốc phòng “bốn không” của Việt Nam (không tham gia liên minh quân sự, không đứng với nước này chống lại nước kia, không có căn cứ quân sự nước ngoài và không dùng vũ lực trong quan hệ quốc tế) làm cho Việt Nam không thể trở thành một “đồng minh” trong chiến lược Thái Bình Dương-Ấn Độ Dương của Mỹ như Nhật, Nam Hàn hoặc Philippines. Có lẽ đó là điều làm Trung Quốc “yên tâm” khi Việt Nam tiến gần hơn tới Mỹ và cho tới nay chưa thấy Bắc Kinh có phản ứng đáng kể nào, ngoài lời răn đe của ông Vương Nghị, ngoại trưởng Trung Quốc, tố cáo Mỹ đang tạo ra căng thẳng khu vực, kích động sự thù địch và đối đầu. “Chúng ta không thể để não trạng Chiến Tranh Lạnh lại trỗi dậy trong khu vực và thảm kịch Ukraine lặp lại giữa chúng ta,” ông Vương nói với ông Bùi Thanh Sơn, ngoại trưởng Việt Nam, hồi Tháng Tư năm ngoái được New York Times trích dẫn.

Chuyến thăm Hà Nội của ông Joe Biden không được giới hoạt động nhân quyền hoan nghênh. Việt Nam, dưới sự cai trị độc quyền của đảng Cộng Sản, vẫn là nước chuyên chế nhất Đông Nam Á, đàn áp ngày càng khốc liệt những người bất đồng chính kiến và xã hội dân sự.

Các nhà hoạt động cho rằng, những cam kết về thúc đẩy dân chủ và nhân quyền trên thế giới đang bị chính quyền Biden dẹp sang một bên để mở rộng sự thống trị của Mỹ ở khu vực. Trên báo The New York Times, ông Ben Swanton – đồng giám đốc dự án 88, một tổ chức phi lợi nhuận của Mỹ tập trung vào các vấn đề nhân quyền ở Việt Nam – tuyên bố: “Bất chấp những lời lẽ hùng biện cao cả về thúc đẩy ‘trật tự thế giới dựa trên luật lệ’ và bảo vệ tự do, một lần nữa Biden lại lấy lòng các nhà độc tài có thành tích nhân quyền tàn bạo.”

Những lời lên án như vậy không mới và cũng không lạ. Tình trạng nhân quyền và tự do ở Việt Nam chẳng những không được cải thiện mà còn tồi tệ hơn từ khi Hoa Kỳ và Việt Nam thiết lập quan hệ đối tác toàn diện năm 2013.

Thực tế chính trị thế giới cho thấy, các thể chế độc tài ít khi thay đổi do sức ép bên ngoài mà tự sụp đổ do mâu thuẫn từ bên trong. Dân chủ, nhân quyền ở Việt Nam chỉ có thể trông mong vào cuộc đấu tranh của người dân trong và ngoài nước và là một tiến trình lâu dài, gian khổ; quan hệ mật thiết hơn với Hoa Kỳ và các quốc gia dân chủ khác không thể làm thay đổi hiện trạng trong một sớm một chiều. 

Hiếu Chân/Người Việt