Không có cưỡng bức lao động trong trại giam tại Việt Nam

Nghe đọc bài

Việt Nam hoàn toàn không có cái gọi là “lao động cưỡng bức” tại các trại giam trên lãnh thổ nước này.

Điều này được ông Nguyễn Văn Điều khẳng định trong một bài viết, được đăng tải trên Tạp chí Thời Đại vào ngày 27/8.

Ông Nguyễn Văn Điều là phó trưởng phòng thuộc Cục Cảnh sát quản lý trại giam, cơ sở giáo dục bắt buộc, trường giáo dưỡng, Bộ Công an.

Ông Nguyễn Văn Điều, trong bài viết, cho biết phạm nhân trong lao động trong trại giam ở Việt Nam được thực hiện bởi Luật Thi hành án hình sự, xuất phát từ phán quyết của Toà án và đặt dưới sự giám sát, quản lý của trại giam, đồng thời họ không bị chuyển nhượng hoặc bị đặt dưới quyền sử dụng của tư nhân, công ty hoặc hiệp hội tư nhân… Do vậy, có thể khẳng định lao động của phạm nhân ở Việt Nam là một trong năm trường hợp “ngoại lệ”, không bị coi là lao động cưỡng bức theo hai Công ước 29 và 105 của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO).

Ông Điều trưng dẫn khoản 1 Điều 2 Công ước 29 về lao động cưỡng bức hoặc bắt buộc của ILO quy định cụm từ “lao động cưỡng bức hoặc bắt buộc” là: “Tất cả các công việc hay dịch vụ mà một người thực hiện dưới sự đe doạ phải chịu một hình phạt và vì hình phạt này người đó không tự nguyện làm việc”.

Bên cạnh đó, theo Công ước 29, thuật ngữ “lao động cưỡng bức hoặc bắt buộc” không bao gồm 5 trường hợp “ngoại lệ”; trong đó có quy định “mọi công việc hoặc dịch vụ mà một người buộc phải làm do một quyết định của Toà án, với điều kiện là công việc hoặc dịch vụ đó phải tiến hành dưới sự giám sát và kiểm tra của những cơ quan công quyền và người đó không bị chuyển nhượng hoặc bị đặt dưới quyền sử dụng của những tư nhân, công ty hoặc hiệp hội tư nhân”.

Ông Điều cho biết việc lao động của các phạm nhân trong trại giam tại Việt Nam được thực hiện theo Điều 35 và Điều 57 của Hiến pháp 2013 và Điều 3 Bộ luật Hình sự năm 2015 (được sửa đổi, bổ sung năm 2017) cùng với Luật Thi hành án hình sự năm 2019.

Trong bài viết, tác giả nhấn mạnh rằng chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước Việt Nam coi việc lao động của các phạm nhân trong trại giam không phải là hoạt động nhằm mục đích kinh doanh mà là hoạt động lao động, hướng nghiệp, dạy nghề nhằm giúp cho phạm nhân có thể tái hòa nhập với xã hội, sau khi hết hạn thời gian bị thụ án.

Trong khi đó, truyền thông Nhà nước Việt Nam loan tin hàng trăm học viên tại các trại cai nghiện ma túy, như ở Đồng Nai và Tiền Giang bỏ trốn vì họ cho rằng bị lao động cưỡng bức trong các trại cai nghiện này.

Theo RFA