Khi niềm tự hào và hãnh diện quốc gia đặt nhầm chỗ

Xe Vinfast chủ yếu bán cho những người yêu chế độ
Nghe đọc bài

Ý kiến đặt câu hỏi là sự lừa dối ấy sẽ còn kéo dài bao lâu nữa trong một đất nước mà người ta đang bám víu vào sự lưu manh của Vinfast để xem đó như là một niềm tự hào và hãnh diện quốc gia?

Thuc Pham Awake, nhà báo Mỹ gốc Việt cho hay: “Vinfast hay bất cứ hãng nào của Việt Nam cũng thế thôi, sẽ không đi xa được, chắc chắn là không cạnh tranh ngoài Việt Nam được nếu không sản xuất được những vật liệu chính và không nắm được, không sáng chế bí quyết công nghệ.

Cứ nhìn may mặc, giày dép là thấy. Vải tốt không làm được toàn nhập, thiết kế kiểu dáng không đi tiên phong được thì bao nhiêu năm rồi vẫn chưa có tiếng tăm trên thế giới.

Mình ở Mỹ gần tám năm rồi, quần áo giày dép made in Vietnam ở thị trường Mỹ rất nhiều nhưng toàn là mang thương hiệu Mỹ chứ đố tìm được mấy ông May 10, Nhà Bè, Khatoco, Bitis…

Giờ thì các bạn bảo làm xe điện, TV, điện thoại dễ ợt cứ nhập linh kiện về lắp rồi gắn mác Việt Nam là xong, cần gì phải làm từ con ốc vít.

Xin lỗi đi, nếu đất nước không tự luyện kim, rập thép, chế ra mô tơ điện được, không làm ra con chip được… – là những cái chính về phần cứng – và không thiết kế được kiểu dáng, không viết phần mềm được, thì muôn đời lệ thuộc nước ngoài và không cạnh tranh được.

Nên nhớ khi nhảy vào làm xe điện, Mỹ, Trung Quốc, Nhật, Hàn, châu Âu đã có nền tảng thế nào. Các hãng của họ tất nhiên sẽ mua nhiều linh kiện từ các nhà cung cấp, kể cả từ nước ngoài, nhưng chắc chắn tất cả những phần cốt yếu nhất và những vật liệu chính họ phải tự làm được.

Không có con đường tắt nào đâu. Người ta nói ra sự thật thì là vu cho là đố kỵ, bỉ bôi, không ủng hộ hàng nội. Nhưng cứ nhìn lại tất cả các hãng nội mà xem kết quả về thương hiệu và cạnh tranh ở tầm thế giới và hãy ngẫm nghĩ đi.”

Cùng thời điểm, ông Lâm Bình Duy Nhiên bình luận: Bà Lê Thị Thu Thủy, CEO của Vinfast tuyên bố: “Không chuẩn bị cho kịch bản cổ phiếu VFS lên 37 USD”.

Làm việc với Phạm Nhật Vượng nên có lẽ bà cũng bị ảnh hưởng bởi cái sự lưu manh và chơi ngông của ông chủ tỷ phú.

Bà trở thành một dạng “phát ngôn viên cao cấp” của Phạm Nhật Vượng trên truyền thông Hoa Kỳ khi Vinfast đã được niêm yết trên sàn chứng khoán Nasdaq.

Cũng theo bà, Vinfast “không niêm yết để làm marketing”.

Vinfast bị báo Mỹ chê là chiếc xe “đầy lỗi” và “không đáng bỏ tiền mua”

Vậy ai đã mua cổ phiếu VSF để nâng giá lên đến 37 USD ngay trong ngày đầu tiên chào sàn Nasdaq nếu không phải tự chính Vinfast bỏ tiền ra để làm “một cú mốc lịch sử” cho công ty và tạo ra cái gọi là “niềm tự hào dân tộc”?

Một công ty non trẻ, chưa có “bề dày thành tích” gì cả, thậm chí bị đánh giá kém bởi giới chuyên môn quốc tế nhưng lại có thể tăng vọt đến 68% sau khi được niêm yết trong ngày giao dịch đầu tiên.

Sau những giây phút huy hoàng, rực rỡ, tự sướng, cổ phiếu VSF đã bị giảm đến 33,58% so với giá khởi điểm 20 USD trong ngày giao dịch thứ nhì.

Nhiều khả năng giá cổ phiếu VSF sẽ tiếp tục “rơi tự do” trên sàn Nasdaq nếu không có sự can thiệp cần thiết, có chủ đích của Vingroup!

Chẳng có “nhà đầu tư” nào cả đã “mua đi bán lại” cổ phiếu VSF để làm tăng giá trị cổ phiếu như bà CEO Vinfast tuyên bố!

Và càng hoài nghi hơn khi bà cho rằng “khối lượng cổ phiếu giao dịch rất khiêm tốn, trong khi nhu cầu lại cao”. Cứ như thể Vinfast đã là một giá trị vững chắc đối với các nhà đầu tư.
Với phong cách làm việc chụp giựt, không minh bạch, lừa dối dư luận bằng những khẩu hiệu tuyên truyền “tự hào dân tộc” nên từ chủ tịch đến CEO cùng cộng sự cao cấp và cả bộ máy truyền thông vẫn tiếp tục xem thường dư luận với những con số ảo, không khoa học nhằm phóng đại và tâng bốc giá trị thực của Vinfast.

Câu hỏi đáng quan tâm là sự lừa dối ấy sẽ còn kéo dài bao lâu nữa trong một đất nước mà người ta đang bám víu vào sự lưu manh của Vinfast để xem đó như là một niềm tự hào và hãnh diện quốc gia?”