Giỗ ông Lê Đình Kình trong vụ tấn công Đồng Tâm

Ông Lê Đình Kình là thủ lĩnh tinh thần của người dân Đồng Tâm
Nghe đọc bài

Rồi sau này, khi thời thế đổi thay, lịch sử được nhìn nhận một cách khách quan, công bằng, vụ việc sẽ được đánh giá lại, con người cụ Kình sẽ được trả về tầm cỡ lịch sử. Còn tới khi nào thì chưa biết được.

Hôm 25/1 là rằm tháng Chạp. Bốn năm trước, cái đêm hôm ấy đêm gì, đêm 9/1/2020, trúng rằm tháng Chạp, ngày Tân Hợi tháng Đinh Sửu năm Kỷ Hợi, xứ này xảy ra vụ kinh thiên động địa Đồng Tâm, cụ thể ở làng Hoành, Hà Nội.

Chính quyền huy động lực lượng tấn công làng. Cụ Lê Đình Kình 57 năm tuổi đảng, từng là bí thư đảng ủy xã, mà chính quyền coi là người cầm đầu lực lượng chống đối (thực ra là giữ đất), bị bắn chết giết ngay tại chỗ, ngay trong nhà “đương sự”, nhiều người khác bị bắt giam.


Nguyên do cũng từ chính sách về đất đai, bắt nguồn từ Luật Đất đai sở hữu toàn dân đầy những phi lý. Rồi sau này, khi thời thế đổi thay, lịch sử được nhìn nhận một cách khách quan, công bằng, vụ việc sẽ được đánh giá lại, con người cụ Kình sẽ được trả về tầm cỡ lịch sử. Còn tới khi nào thì chưa biết được.


Đêm khuya ngày này năm ấy, tôi đang ở quê Phòng, cùng với anh trai tôi, một cựu chiến binh, thương binh. Hai anh em về quê bởi bà chị cả mất trước đó mấy ngày. Xong chuyện “hậu sự” cùng về quê làng, nơi thày bu tôi và mấy chị em đã gắn bó. Đêm lạnh, nhà chỉ có hai anh em cùng nơi xa về, cứ rủ rỉ rù rì trò chuyện suốt đêm, moi móc ký ức đủ điều vui buồn.

Thương nhớ những người đã khuất, cả những người còn sống, người làng sang người nước. Gần sáng bạch mới chuẩn bị đi ngủ, thì đọc tin trên mạng, trên báo vụ Đồng Tâm, vụ cụ Kình bị đồng chí, đồng đội, đồng đảng bắn chết.


Ông anh tôi, gần 50 năm tuổi đảng, chiến binh vào sinh ra tử, từng bị thấm câu thơ của nhà nước “ta giữ cho ai mảnh đất này” cứ ngồi thần ra không nói không rằng. Tôi sợ anh mình trời rét bị làm sao, lay nhẹ và hỏi anh có bị sao không.

Anh tôi, mắt rực lửa, nói nhỏ “khốn nạn, cực kỳ khốn nạn, ác độc”. Một chút sau, anh nói thêm “những người như cụ Lê Đình Kình không bao giờ chết. Cái linh hồn vĩ đại ấy đã bay đi”. Tôi biết, anh tôi từng đọc “Những người khốn khổ” của Victor Hugo nên vận ngay câu ấy vào thời sự.


Giờ anh tôi cũng đã đi rồi, không tránh được trời định. Bốn năm đã trôi qua, trong cái tiết Đông Hàn của miền Bắc lạnh giá, tôi lại bồi hồi nhớ tới anh và lời nói của anh mình về nhân vật lịch sử Lê Đình Kình.

Nguyễn Thông