Gần 24.000 người đã chết vì động đất ở Thổ Nhĩ Kỳ và Syria

Nghe đọc bài

Các nhà địa chất cho rằng số người thiệt mạng tăng cao trong trận động đất ở Thổ Nhĩ Kỳ và Syria những ngày gần đây đáng lẽ đã có thể được ngăn chặn.

Tính đến ngày 10/2, số người chết được xác nhận trong trận động đất kinh hoàng tại miền Nam Thổ Nhĩ Kỳ và Tây Bắc Syria là hơn 23.700.

Cụ thể, Bộ trưởng Y tế Thổ Nhĩ Kỳ cho biết số trường hợp tử vong do động đất ở Thổ Nhĩ Kỳ đã tăng lên 20.213 vào ngày 10/2. Tại Syria, hơn 3.500 người được xác nhận thiệt mạng.

Con số thương vong dự kiến còn tăng khi nhiều người khác vẫn còn nằm dưới đống đổ nát, Reuters đưa tin.

Một bé sơ sinh và người mẹ được cứu sống sau bốn ngày nằm dưới đống đổ nát

Số người chết trong trận động đất mạnh 7,8 độ richter hôm 6/2 và một số dư chấn mạnh ở cả hai quốc gia đã vượt qua con số thương vong trong trận động đất có cường độ tương tự, diễn ra vào năm 1999 ở Tây Bắc Thổ Nhĩ Kỳ khiến hơn 17.000 người thiệt mạng.

Tại Syria, một quan chức Liên Hợp Quốc ước tính trận động đất kinh hoàng có thể khiến 5,3 triệu người dân trong nước mất nhà cửa.

“Có tới 5,3 triệu người ở Syria có thể đã mất nhà cửa do trận động đất”, đại diện của Syria tại Cao ủy Liên Hợp Quốc về người tị nạn, Sivanka Dhanapala, nói trong một cuộc họp báo.

Trận động đất hôm 6/2 được đánh giá là thảm họa thiên nhiên nguy hiểm thứ 7 của thế kỷ, hơn cả trận động đất kèm sóng thần năm 2011 ở Nhật Bản, và trận động đất ở Iran năm 2003 với gần 31.000 người thiệt mạng.

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan hôm 10/2 đã đến thăm tỉnh Adiyaman bị ảnh hưởng bởi trận động đất, thừa nhận chính phủ phản ứng không đủ nhanh trước thảm họa.

Các cơ quan nhân đạo quốc tế lo ngại tình trạng khẩn cấp về nhân đạo có thể xảy đến sau động đất giữa thời tiết lạnh giá tại Thổ Nhĩ Kỳ hiện nay.

Khi Ezgi Karasozen – nhà địa chất sống ở Colorado, Mỹ, nhưng lớn lên ở Ankara – nhận được email cảnh báo về trận động đất lớn ở Đông Nam Thổ Nhĩ Kỳ hôm 6/2, cô đã bật khóc.

Karasozen nghiên cứu về các trận động đất tại quê hương mình. Vì thế, cô ngay lập tức biết rằng trận động đất mạnh 7,8 độ đồng nghĩa với sự tàn phá.

Hầu hết nhà địa chấn học đều có danh sách rút gọn các địa điểm trên thế giới mà họ lo lắng. Đó là những điểm nóng mà bất kỳ tin tức nào về một trận động đất lớn cũng dẫn đến khoảnh khắc lo sợ đến quặn thắt bụng, theo Washington Post.

Những lo ngại này đặc biệt đúng với cái gọi là “khoảng trống địa chấn”, khi các phân đoạn của vùng đứt gãy có thể tạo ra các trận động đất lớn, nhưng lại “im hơi lặng tiếng” trong một thời gian dài bất thường – đủ lâu để mọi người có thể mất cảnh giác.

Chẳng hạn, các nhà khoa học và quan chức chính phủ từ trước đã biết đến vết đứt gãy Đông Anatolia vỡ ra trong tuần này ở Thổ Nhĩ Kỳ, nhưng nó chưa từng gây ra trận động đất thảm khốc nào trong ít nhất một thế kỷ.