Doanh thu các trạm BOT sụt giảm do dịch COVID-19

Nghe đọc bài

Doanh thu của trạm BOT trên hàng loạt tuyến cao tốc tại Việt Nam bị sụt giảm nghiêm trọng do tác động của dịch COVID-19. Tình trạng này được dự báo dẫn đến nguy cơ vỡ phương án tài chính đối với các doanh nghiệp vận tải cũng như nhà đầu tư BOT.

Truyền thông trong nước, vào ngày 7/4 dẫn báo cáo của Tổng Công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) vừa công bố, cho thấy trong Quý I/2020 doanh thu trên 4 tuyến cao tốc mà doanh nghiệp này đang quản lý bị giảm 3% so với cùng kỳ năm 2019. Riêng trong tháng 3/2020, lưu lượng phương tiện và doanh thu thu phí của VEC đều giảm mạnh với tỷ lệ lần lượt gần 16% và trên 16% so với cùng kỳ năm trước. Mức doanh thu thu phí BOT trong tháng 3 bị thiệt hại 58 tỷ đồng.

Các tuyến cao tốc bị thiệt hại nặng nhất trong tháng 3 gồm Nội Bài – Lào Cai, Cầu Giẽ – Ninh Bình và TP. Hồ Chí Minh – Long Thành – Dầu Giây.

VEC cho biết sự sụt giảm doanh thu như vừa nêu không chỉ gây thiệt hại về kinh tế mà còn có nguy cơ vỡ phương án tài chính, nếu như tình trạng dịch bệnh COVID-19 tiếp tục kéo dài.

Báo giới dẫn lời của giới chuyên gia cho rằng mức doanh thu thu phí bị thấp trong thời gian dài thì đương nhiên sẽ không bảo đảm dự án được hoàn vốn đúng thời hạn. Do đó, phải tính đến điều chỉnh mức giá thu phí hoặc thời gian thu phí để hoàn vốn cho dự án.

Cũng liên quan đến trạm BOT, truyền thông quốc nội, vào ngày 7/4, cho biết Bộ Giao thông-Vận tải (GT-VT) vừa quyết định thành lập tổ công tác thực hiện dự án thu phí tự động không dừng.

Tổ công tác này gồm 20 thành viên, do Thứ trưởng Bộ GT-VT Lê Đình Thọ làm tổ trưởng. Trách nhiệm của tổ công tác nhằm giúp cho Bộ trưởng Bộ GT-VT kiểm tra, giám sát, giải quyết các vấn đề trong quá trình thực hiện dự án thu phí tự động không dừng đảm bảo tiến độ, chất lượng, kết nối liên thông toàn hệ thống.

Dự án thu phí tự động không dừng được dự trù triển khai trong hai giai đoạn. Giai đoạn 1 có tổng mức đầu tư 2.036 tỷ đồng, bắt đầu triển khai từ cuối tháng 11/2014 dự kiến cung cấp dịch vụ cho 44 trạm BOT. Đến nay đã lắp đặt, vận hành 40/44 trạm thu phí.

Tin cho biết giai đoạn 2 được Bộ GT-VT phê duyệt đầu tư gồm 33 trạm và đã tổ chức đấu thầu. Viettel và một số doanh nghiệp về công nghệ được chọn lựa trở thành nhà thầu cho dự án của giai đoạn 2.

Theo RFA