Doanh nghiệp trông đợi gì khi Chính quyền TP.HCM cam kết hỗ trợ?

Nghe đọc bài

Cam kết của Chính quyền TP.HCM

Tại buổi đối thoại với Hiệp hội doanh nghiệp Châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) với chủ đề “Phát triển kinh tế và nắm bắt cơ hội từ Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh Châu Âu, diễn ra vào ngày 28/7, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân (UBND) TP.HCM, ông Nguyễn Thành Phong cho biết Chính quyền thành phố tiếp thu ý kiến của doanh nghiệp và cam kết sẽ chuyển thành hành động cụ thể trong quý III/2020.

Đặc biệt, liên quan Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh Châu Âu (EVFTA) sẽ có hiệu lực từ ngày 1/8, Chủ tịch Nguyễn Thành Phong khẳng định mục tiêu đưa hiệp định này thành nhân tố quan trọng trong việc triển khai các giải pháp phục hồi kinh tế sau tác động của dịch COVID-19.

Ông Nguyễn Thành Phong còn nhấn mạnh rằng hơn 20 ngàn doanh nghiệp xuất khẩu và các sản phẩm xuất khẩu chủ lực của TP.HCM vẫn chưa được khơi dậy hết tiềm năng. Do đó, các rào cản trong nước cần được rà soát để tháo gỡ nhằm chuẩn bị tâm thế sẵn sàng thích nghi khi Hiệp định EVFTA bắt đầu thực hiện.

Báo mạng Pháp Luật TP.HCM dẫn lời của ông Chủ tịch Nguyễn Thành Phong tuyên bố rằng Chính quyền Thành phố sẽ đồng hành, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp, kể cả doanh nghiệp Châu Âu và việc hứa hẹn này không phải là hô hào khẩu hiệu, mà bằng các hành động cụ thể.

Khó khăn của doanh nghiệp

Trao đổi với RFA, một số doanh nghiệp tại TP.HCM phản ảnh tình trạng cố gắng hoạt động cầm chừng để tránh không bị rơi vào hoàn cảnh phá sản. Tuy nhiên, sự cố gắng như thế được một vài chủ doanh nghiệp gọi là bị “hụt hơi” và “đuối sức”.

Doanh nghiệp chỉ mong Nhà nước cần cân nhắc lại về chính sách thuế để cho những doanh nghiệp gặp khó khăn để họ còn có thể xoay vòng nguồn vốn hoặc những hỗ trợ từ ngân hàng để doanh nghiệp có thể vay và những gói kích cầu như kết nối thương mại với các nước, kích cầu xuất khẩu…để xúc tiến thương mại tốt hơn nhằm giúp cho doanh nghiệp kết nối với thế giới để buôn bán lại tốt hơn
-Doanh nhân Thanh Nguyễn

Một chủ doanh nghiệp tư nhân, không muốn nêu tên, vào tối hôm 30/7 lên tiếng với RFA rằng đa số doanh nghiệp không tiếp cận được các gói hỗ trợ tín dụng của Chính phủ và Chính quyền TP.HCM. Bởi vì:

“Nói chung, cái gì đụng đến Nhà nước là rườm rà. Không thấy gì sáng sủa.”

Những doanh nghiệp xuất khẩu trong thời gian mấy tháng qua không chỉ bị ảnh hưởng đầu vào nguyên liệu sản xuất mà đầu ra còn bị thêm khó khăn do các quy định hành chính được ban hành như mã vạch hàng xuất khẩu, theo nghị định 74/2018/NĐ-CP khiến hàng hóa bị ách tắc ở hải quan. Các nước nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam không yêu cầu, tuy nhiên nghị định này quy định doanh nghiệp phải đăng ký sử dụng mã vạch nước ngoài trên bao bì. Trong thực tiễn, doanh nghiệp cho rằng quy định này rất khó thực hiện. Vị doanh nhân ẩn danh bày tỏ:

“Nói chung là không tạo điều kiện cho doanh nghiệp mà còn bắt phải đi qua thêm một cửa nữa.”

Về chính sách hỗ trợ tài chính như ngân hàng giảm lãi suất cho vay, kéo dài thời gian đáo hạn trả nợ ngân hàng…Vị doanh nhân ẩn danh giải thích thêm:

“Giảm lãi suất 2% và giảm trong vòng 6 tháng. Ví dụ đang vay với mức lãi suất 11,5%, giảm 2% còn 9,5% thì chẳng giúp giải quyết được gì nhiều.”

Ảnh minh họa. Công nhân làm việc tại một xưởng may mặc.

Ảnh minh họa. Công nhân làm việc tại một xưởng may mặc. Reuters

Bà Thanh Nguyễn, giám đốc của một công ty tư nhân ghi nhận:

“Các ngân hàng cũng hỗ trợ, tức là cơ cấu lại lãi vay chậm lại. Ví dụ tháng 8 tới là tới hạn phải thanh toán đáo hạn, nhưng được kéo dài thêm nửa năm hoặc 3 tháng. Đấy cũng là giải pháp tạm thời để giúp đỡ doanh nghiệp. Tuy nhiên cũng chỉ là một hình thức khất lại để chờ sau này giải quyết, chứ không phải là giúp cho doanh nghiệp giải quyết khó khăn.”

Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia kinh tế-tài chính độc lập, vào tối ngày 30/7 nhận xét với RFA về hiệu quả của các gói hỗ trợ tín dụng cho doanh nghiệp từ Chính quyền Trung ương và địa phương:

“Tất cả những gói đó thật sự không hỗ được nhiều cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa, nhất là những doanh nghiệp bị tác động bởi dịch bệnh. Thành ra, nói chung là những chính sách của Chính quyền Trung ương cũng như Chính quyền Thành phố, trong đó có TP. Hà Nội và TP.HCM, dĩ nhiên đang tìm cách hỗ trợ doanh nghiệp nhưng mà các doanh nghiệp đang gặp khó khăn trong lúc này, nhất là những doanh nghiệp xuất khẩu hàng hóa sang EU theo Hiệp định EVFTA thì thật sự ra cũng chưa có sự hỗ trợ nào thiết thực để giúp cho họ.”

Ông Diệp Thành Kiệt, một chuyên gia trong lĩnh vực may mặc và da giày, trong một lần trao đổi với RFA về tác động của đại dịch COVID-19 lên ngành dệt may Việt Nam, đã từng đề cập đến thực trạng tiến thoái lưỡng nan của doanh nghiệp Việt.

“Hiện nay phần lớn các nhà sản xuất lo là đơn hàng không có. Khi thị trường sụp đổ thì việc đầu tiên là bán hàng không được. Nếu bán hàng không được thì các nhà máy sẽ bị đóng cửa. Bây giờ có dù các nguồn nguyên liệu của Trung Quốc có phục hồi đi chăng nữa thì cũng vất đi.”

Doanh nghiệp trông đợi gì?

Qua phản ánh của các doanh nghiệp về khó khăn trong xoay vòng nguồn vốn lẫn khả năng thanh khoản, tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu nhắc lại đề xuất của ông đã từng được nêu lên ngay sau khi dịch bệnh COVID-19 bùng phát là Chính phủ Hà Nội cần thiết lập một quỹ bảo lãnh tín dụng. Chuyên gia tài chính Nguyễn Trí Hiếu cho rằng nhằm tháo gỡ rào cản và khó khăn cho doanh nghiệp theo như lời cam kết của Chủ tịch TP.HCM, ông Nguyễn Thành Phong thì:

“Giải pháp hiện tại cho TP.HCM là làm sao tăng cường quỹ bảo lãnh tín dụng của TP.HCM. Quỹ này phải được bổ sung bằng nguồn ngân sách địa phương và họ phải mạnh dạn bảo lãnh các ngân hàng để cho các ngân hàng cho vay các doanh nghiệp vừa và nhỏ thì bấy giờ các doanh nghiệp đó mới có tính thanh khoản. Ngoài ra, những gói hỗ trợ tôi đã đề cập không phát huy được hiệu quả, mà bây giờ Chính phủ cũng không có cách nào để đưa tiền đến các doanh nghiệp cho nên phải dùng cơ chế bảo lãnh tín dụng để có thể giúp các doanh nghiệp. Đó là việc cấp thiết.”

Bên cạnh đó, tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu còn cho rằng Chính quyền TP.HCM phải cải cách các thủ tục hải quan và thủ tục hành chính liên quan xuất khẩu được nhanh chóng hơn. Bởi vì, ông ghi nhận các thủ tục hành chính ở Việt Nam vẫn còn bị rườm rà và chồng chéo rất nhiều.

Đồng quan điểm với tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia kinh tế Đinh Trọng Thịnh cũng từng đưa ra đề xuất tương tự:

“Phía Chính phủ Việt Nam phải giảm các chi phí về quản lý hành chính, các chi phí về đăng ký, chi phí về xuất nhập khẩu, các chi phí liên quan dến chứng nhận xuất xứ hoặc các chi phí có liên quan đến kiểm dịch hoặc các chi phí về vận chuyển để từ đó giúp cho các doanh nghiệp có thể giảm được chi phí thấp nhất để đáp ứng nhu cầu trong điều kiện dịch bệnh như thế này.”

Về phía các doanh nghiệp, Đài RFA ghi nhận hầu hết những doanh nghiệp mà chúng tôi tiếp xúc được, đặc biệt những doanh nghiệp tại TP.HCM, là trung tâm kinh tế-thương mại lớn nhất Việt Nam, đều mong muốn chính quyền các cấp hỗ trợ bằng những hành động cụ thể, như qua chia sẻ của bà giám đốc Thanh Nguyễn:

Giải pháp hiện tại cho TP.HCM là làm sao tăng cường quỹ bảo lãnh tín dụng của TP.HCM. Quỹ này phải được bổ sung bằng nguồn ngân sách địa phương và họ phải mạnh dạn bảo lãnh các ngân hàng để cho các ngân hàng cho vay các doanh nghiệp vừa và nhỏ thì bấy giờ các doanh nghiệp đó mới có tính thanh khoản. Ngoài ra, những gói hỗ trợ  tôi đã đề cập không phát huy được hiệu quả, mà bây giờ Chính phủ cũng không có cách nào để đưa tiền đến các doanh nghiệp cho nên phải dùng cơ chế bảo lãnh tín dụng để có thể giúp các doanh nghiệp. Đó là việc cấp thiết
-Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu

“Doanh nghiệp chỉ mong Nhà nước cần cân nhắc lại về chính sách thuế để cho những doanh nghiệp gặp khó khăn để họ còn có thể xoay vòng nguồn vốn hoặc những hỗ trợ từ ngân hàng để doanh nghiệp có thể vay và những gói kích cầu như kết nối thương mại với các nước, kích cầu xuất khẩu…để hỗ trợ xúc tiến thương mại tốt hơn nhằm giúp cho doanh nghiệp kết nối với thế giới để buôn bán lại tốt hơn.”

Một vài đại diện các doanh nghiệp còn chia sẻ thêm là họ mong mỏi lời cam kết của ông Chủ tịch TP.HCM rằng việc hỗ trợ doanh nghiệp không phải là lời hứa suông hay hô hào khẩu hiệu sẽ trở thành hiện thực. Thế nhưng, cũng có sự e dè quan ngại vì:

“Tại các hội nghị, kể cả các cuộc gặp cấp cao thì hứa nhiều lắm. Nhưng chỉ hứa cho xong chuyện mà thôi.”

Vị doanh nhân ẩn danh hay bà giám đốc Thanh Nguyễn cùng nói về câu chuyện gây chú ý trong giới doanh nghiệp được truyền thông loan tin mấy ngày qua. Đó là ông Hoàng Ngọc, cựu tổng giám đốc Công ty chuyển phát nhanh GNN Express, chủ mưu trong vụ cướp Ngân hàng BIDV hơn 900 triệu đồng ở Hà Nội vào ngày  27/7.

Họ nói với RFA rằng vụ việc này là hy hữu, nhưng cũng đã gióng lên một hồi chuông về sự khó khăn của doanh nghiệp Việt Nam, nhất là các doanh nghiệp nhỏ thật sự không thể cầm cự nỗi nữa trong bối cảnh dịch COVID-19 bắt đầu bùng phát trở laị.

Theo RFA