Đoàn Văn Hậu và người Việt ‘háo thắng’

Đoàn Văn Hậu
Nghe đọc bài

Nhà quan sát cho rằng với nhiều người Việt, thắng một trận bóng quan trọng hơn việc nhà nước lên kế hoạch đưa 500.000 người đi làm thuê những công việc dân sở tại không thèm làm. Đối với họ, thắng một trận bóng quan trọng hơn việc vừa đóng thuế, vừa đóng phí bảo trì đường bộ, nhưng đi đâu cũng phải móc tiền ra nộp.

Gần đây, tôi có viết một post phê phán lối đá bạo lực, cụ thể là Văn Hậu, của đội tuyển Việt Nam. Nhiều bạn vô comment bênh vực cho lối đá bạo lực, rằng thì là ở nước nọ nước kia người ta cũng chơi bạo lực, rằng không đá bạo lực thì bị thua người ta, rồi giựt chỏ, đạp chân là chuyện thường tình của bóng đá…

Có cả những bác sĩ và những người có vẻ là trí thức, cũng vô bênh vực cho các tuyển thủ Việt nam sử dụng bạo lực. Ban đầu tôi cảm thấy rất khó hiểu, nhưng dần dần, tôi đã ngộ ra. Đó là do cách mà chúng ta tiếp cận với bóng đá, mục tiêu xem bóng đá của chúng ta khác nhau.

tieu xao van hau anh 2
Đoàn Văn Hậu bị chỉ trích vì chơi bóng tiểu xảo lộ liễu

Với những người coi bóng đá là thể thao, là giải trí, là cầu nối để người với người, địa phương với địa phương, dân tộc với dân tộc, gắn kết với nhau, thì họ cần cái đẹp của bóng đá. Đối với những người này, nhu cầu thắng trận chỉ xếp thứ hai, sau cách chơi đẹp, fair play, tinh thần thượng võ.

Còn nhớ, khi Nga xâm lược Ucraine, các tổ chức thể thao đã cấm các đoàn thể thao của Nga tham gia vào nhiều hoạt động thể thao quốc tế. Nhiều người phản đối quyết định này. Bên cạnh những người ủng hộ Nga, phản đối lệnh cấm vì lý do chính trị, thì có khá nhiều người, dù đang quyết liệt phản đối Nga xâm lược Ucraine, nhưng vẫn không đồng ý với quyết định cấm các đoàn thể thao Nga tham dự các giải thi đấu quốc tế. Đó chính là tinh thần thượng võ của thể thao.

Trong khi đó thì những người khác lại khao khát chiến thắng. Với họ, chiến thắng mới là ý nghĩa, thắng đẹp hay không không quan trọng, điều tối thượng là chiến thắng. Do vậy, họ cho rằng, để giành chiến thắng thì giựt chỏ, đấm vô mặt, đạp vô mặt, đá banh vô mặt đối thủ, chửi cha chửi mẹ, khiêu khích bằng cách lấy vợ hay người yêu của đối thủ ra để nhục mạ… là những cách thức mà theo họ là bình thường để giành chiến thắng.

Với họ, không thắng có nghĩa là chấm hết. Bạo lực, những trò hạ đẳng để phân tâm đối thủ, để đối thủ tức giận dẫn đến phản ứng để bị thẻ vàng, thẻ đỏ… là những kỹ thuật, giống như rê dắt, qua người, một chạm… Họ bảo đó là một phần của bóng đá.

Thực ra, ai cũng muốn được chiến thắng, trong cuộc sống cũng như trong thể thao, trong kinh doanh cũng như trong học hành. Nhưng với những người đủ mạnh mẽ, và có liêm sỉ, trọng danh dự, thì chiến thắng phải đẹp, phải xứng đáng. Còn nhớ câu chuyện vận động viện Marathon nào đó dẫn trước nhưng suýt nữa lạc đường, vận động viên chạy sau đã hướng dẫn cho anh ấy chạy đúng đường và chiếm giải nhất.

Để thu ngoại tệ, Nhà nước lên kế hoạch đưa 500.000 người đi làm thuê những công việc dân sở tại không thèm làm

Với người có liêm sỉ, trọng danh dự, họ coi tinh thần thượng võ, fair play là quan trọng hàng đầu. Họ muốn chiến thắng, nhưng là chiến thắng do năng lực thực của họ mang lại, không phải chiến thắng do ăn cắp của đối thủ, hoặc nhận phần lẽ ra không phải của mình. Trong khi đó thì những người coi chiến thắng là tối quan trọng, sẽ cho rằng người chạy sau giúp người khác về trước mình là ngu đần, thậm chí còn cho là đạo đức giả.

Thực ra, những người sẵn sàng sử dụng bạo lực để giành phần thắng trong thể thao hay trong cuộc sống, là những kẻ yếu đuối. Họ không đủ khả năng, không đủ sự tin tưởng vào khả năng của mình, nên mới phải viện đến bạo lực, mới phải dùng đến bạo lực để triệt tiêu đối thủ mà trong thâm tâm họ nghĩ là mạnh hơn họ.

Thường những người đó cũng không thành đạt thực sự trong cuộc sống trong công việc, hoặc có thành đạt thì cũng do bon chen, thực hiện trò bẩn mà thành. Họ khát khao chiến thắng trong những việc nhỏ nhặt, nhưng lại sẵn sàng chấp nhận thua kém về trí tuệ. Với họ, nước ngoài là cái gì chuẩn mực lắm, to tát lắm, nên họ phải lấy cái “nước ngoài” ấy ra để biện minh cho những hành động bạo lực.

Trong khi họ tranh chấp với Malaysia, Singapore hay Thái Lan từng đường bóng, từng bàn thắng, từng trận đấu, trong khi họ sẵn sàng buông lời nhục mạ cả ban huấn luyện lẫn các cầu thủ của đối thủ, thì họ chẳng cảm thấy chạnh lòng khi GDP đầu người của người ta cao hơn chúng ta rất nhiều. Họ cũng chẳng cảm thấy nhục khi an ninh của các nước ấy kiểm tra từng đồng tiền của các cô gái của chúng ta khi vô nhập cảnh, vì nhiều cô vô nước người ta làm điếm, hoặc làm nghề bất hợp pháp.

Thắng một trận bóng đối với họ quan trọng hơn việc nhà nước lên kế hoạch đưa 500.000 người đi làm thuê những công việc dân sở tại không thèm làm. Đối với họ, thắng một trận bóng quan trọng hơn việc vừa đóng thuế, vừa đóng phí bảo trì đường bộ, nhưng đi đâu cũng phải móc tiền ra nộp.

Tỉnh lại đi.

Võ Xuân Sơn