Đỗ Hữu Ca có 40 ‘sổ đỏ,’ nhiều vàng, đô nhờ ‘tiết kiệm’

Đỗ Hữu Ca, cựu giám đốc Công An Thành Phố Hải Phòng
Nghe đọc bài

Đỗ Hữu Ca khai rằng, số tài sản có được nhờ “tiết kiệm từ lương trong quá trình công tác trong lực lượng công an, bố mẹ để lại, quà lễ, Tết của các đơn vị và từ việc kinh doanh dự án, bất động sản của hai vợ chồng.”

Hơn 40 “sổ đỏ” (giấy chứng nhận quyền sử dụng đất) cùng lượng lớn tiền, vàng, ngoại tệ, trang sức… bị công an tịch thu khi khám xét tư gia của ông Đỗ Hữu Ca, cựu giám đốc Công An Thành Phố Hải Phòng, trong vụ bắt giữ ông này hồi giữa Tháng Hai năm ngoái.

Báo Người Lao Động hôm 21 Tháng Hai tiết lộ chi tiết này và cho biết bị can Đỗ Hữu Ca khai rằng, số tài sản nêu trên có được nhờ “tiết kiệm từ lương trong quá trình công tác trong lực lượng công an, bố mẹ để lại, quà lễ, Tết của các đơn vị và từ việc kinh doanh dự án, bất động sản của hai vợ chồng.”

Ca, 66 tuổi, bị bắt và truy tố với cáo buộc “lừa đảo chiếm đoạt tài sản,” cụ thể là nhận 35 tỷ đồng ($1.4 triệu) với lời hứa “chạy án” cho nghi can Trương Xuân Đước trong vụ án “mua bán trái phép hóa đơn giá trị gia tăng (VAT)” nhưng không giữ lời mà chiếm đoạt tiền.

Nhiều khả năng ngoài tội danh nêu trên, ông Ca sẽ còn bị khởi tố hành vi trốn thuế thu nhập cá nhân liên quan các hoạt động đầu tư kinh doanh dự án, bất động sản.

Liên quan hành vi lừa đảo của ông Ca, báo VNExpress hôm 21 Tháng Hai cho hay, 35 tỷ đồng được vợ chồng nghi can Đước đem đến tận tư gia của ông Ca trong bốn lần.

Tuy vậy, sau khi chi số tiền nêu trên mà chồng vẫn bị bắt vào đầu Tháng Hai năm ngoái, bà Trương Thị Ngọc Anh, vợ nghi can Đước, đã đến nhà xin lại tiền nhưng bị ông Ca chửi bới, đuổi về.

Khi bị bắt, ông thừa nhận việc mình nhận 35 tỷ đồng tại nhà, nhưng bác bỏ việc nhận “chạy án” với lý do “đã nghỉ hưu từ lâu, các mối quan hệ không nhiều, không còn khả năng chạy tội.”

Tên tuổi ông Đỗ Hữu Ca gắn liền với phát ngôn mô tả vụ cưỡng chế, đàn áp gia đình “người nông dân bị cướp đất” Đoàn Văn Vươn, tại huyện Tiên Lãng, thành phố Hải Phòng, hồi Tháng Giêng, 2012. Sau vụ đàn áp đó, ông Ca nói đó là “trận đánh đẹp, có thể ghi thành sách.”

Báo Tiền Phong thời điểm đó dẫn lời ông Ca: “Vụ việc hôm ấy tuy không bắt được đối tượng [Đoàn Văn Vươn] nhưng mà trấn áp được đối tượng. Phải nói rằng việc hiệp đồng tác chiến cực kỳ hay. Tôi bảo, không có cuộc diễn tập nào thành công bằng cuộc diễn tập lần này. Một là, anh em cơ động dùng thuyền để tiếp cận là chưa có bao giờ trong giáo án, đã phải dùng thuyền nan để chèo vào, bí mật áp sát mục tiêu đấy. Đánh mũi trực diện nghi binh ra làm sao. Rồi là tác chiến vòng ngoài, vòng trong thế nào. Tôi nghĩ là rất hay, có thể viết thành sách…”

(Theo Người Việt)