Đến thời điểm thuận tiện, hải quân TQ sẽ đóng cửa Biển Đông

Nghe đọc bài

Số phận Trường Sa của Việt Nam hôm nay, có thể sẽ giống như các lãnh thổ, các quốc gia bị Hitler và Stalin chiếm đoạt trước tháng 9-1939.

Nhân loại đang đối phó với một Hitler khác, lần này ở Á châu và có tên là Tập Cận Bình.

Adolf Hitler và Tập Cận Bình có những điểm giống nhau về tham vọng lãnh thổ, độc quyền toàn trị, dã man, tôn thờ cá nhân, tuyên truyền và khủng bố.


Điểm khác duy nhất giữa Hitler và các lãnh tụ CSTQ là cách áp dụng chính sách bành trướng.


Thay vì chiếm toàn bộ Trường Sa như Hitler đã làm đối với Áo và Tiệp, Trung Cộng gặm nhấm từng phần của quần đảo giàu tài nguyên thiên nhiên này cho đến hết.


Thay vì quốc hữu hóa toàn bộ Biển Đông một cách nhanh chóng như Hitler đã làm đối với hai khu kỹ nghệ Saar Basin và Rhineland, Tập Cận Bình vẫn để cho tàu bè các nước qua lại nhưng cùng lúc quân sự hóa từng khu vực qua việc xây dựng ít nhất bảy đảo nhân tạo trên Biển Đông.


Tâp Cận Bình tin rằng, đến một thời điểm thuận tiện, hải quân Trung Cộng đóng cửa và Biển Đông sẽ là một Venice của Trung Cộng.


Câu hỏi được đặt ra, Trường Sa của Việt Nam là chặng dừng chân nào trong bản đồ chinh phục đầy tham vọng của Tập? Là Saar Basin? Là Rhineland? Là Áo? Là Sudetenland? Là Tiệp Khắc? Là Ba Lan?


Biết chặng đường nào rất cần thiết vì qua đó đo lường phản ứng của quốc tế. Có chặng họ sẽ làm ngơ. Có chặng họ sẽ nhượng bộ. Có chặng họ sẽ buông xuôi và có chặng buộc quốc tế phải can thiệp võ trang.


Tranh chấp quốc tế cũng đơn giản như nấu một nồi nước. Những mâu thuẫn giữa Mỹ và đồng minh của Mỹ với Trung Cộng vẫn còn trong giai đoạn đầu và còn lâu để nồi nước Biển Đông sôi sục.


Trong giai đoạn từ năm 1933 đến khi thế chiến thứ hai bùng nổ, liên minh Anh, Pháp, Tiệp cũng nhiều lần biểu dương lực lượng qua các cuộc điều binh và tăng cường phòng thủ. Tuy nhiên, những hành động đó chỉ để hỗ trợ cho đàm phán chứ không phải để tấn công. Hitler biết rõ điều đó và tiếp tục chính sách bành trướng bằng quân sự.


Lịch sử đang tái diễn. Những căng thẳng ở Biển Đông sẽ ngày càng tăng cường độ nhưng còn lâu mũi tên mới rời khỏi dây cung của Mỹ.


Số phận Trường Sa của Việt Nam hôm nay, vì thế, có thể sẽ giống như các lãnh thổ, các quốc gia bị Hitler và Stalin chiếm đoạt trước tháng 9-1939.


Học các bài học thế giới để thấy, cuối cùng, sẽ không ai cứu Việt Nam ngoài chính người Việt Nam.

Trần Trung Đạo