Dân Hà Nội thiếu nước trong lúc lãnh đạo mơ ‘kết nối toàn cầu’

Người dân khu đô thị Thanh Hà mất nước nhiều ngày nhưng chính quyền ngó lơ
Nghe đọc bài

Khi hàng triệu người còn canh cánh với chuyện bao giờ đủ nước đánh răng, rửa mặt, rõ ràng “kết nối toàn cầu” là chuyện khôi hài.

Khoảng 30.000 người ở khu đô thị Thanh Hà, huyện Thanh Oai, Hà Nội, đang vật vã vì thiếu nước ăn uống, tắm giặt. Cách duy nhất để cùng sinh tồn là chia sẻ với nhau kinh nghiệm giảm ăn, giảm uống, tiết kiệm cả nước thải để tái sử dụng, giữ vệ sinh cho tư gia.

Thiếu nước, nhiều cơ sở kinh doanh, dịch vụ trong Khu đô thị Thanh Hà đã đóng cửa, tạm ngưng hoạt động, nhiều người bắt đầu tính đến chuyện… “rút lui chiến lược” nhưng ai dám mua lại nhà khi phải “ăn như tư, ở như tù”, chưa kể bệnh ngoài da, viêm đường tiêu hóa có dấu hiệu lan rộng do thiếu… nước.


Cho dù cách nay nửa tháng, ông Đinh Tiến Dũng, Bí thư Hà Nội ra lệnh “Khẩn trương cấp nước cho Khu đô thị Thanh Hà” nhưng thảm trạng này không những không được khắc phục mà còn tồi tệ hơn.

Tin mới nhất cho biết Hà Nội không chỉ có một Khu đô thị Thanh Hà bị tình trạng thiếu nước sinh hoạt đẩy vào chỗ khốn khổ. Mỗi ngày Hà Nội thiếu khoảng 82.000 mét khối nước sạch. Thiếu nước đã và sẽ đe dọa sinh hoạt của nhiều triệu người là cư dân các huyện: Sóc Sơn, Phúc Thọ, Đan Phượng, Đông Anh, Thạch Thất, Quốc Oai, Chương Mỹ, Thanh Oai, Thường Tín, Mỹ Đức, Ứng Hòa.

Từ 1975 đến nay, Bộ Chính trị đã ban hành 5 nghị quyết nhằm định hướng việc xây dựng và phát triển Hà Nội.


Sau khi thực hiện 4 trong 5 nghị quyết vừa kể, Hà Nội càng ngày càng khó sống hơn vì không gian sống ô nhiễm trầm trọng hơn, kẹt xe trở thành điều đương nhiên, cư dân Hà Nội chật vật xoay sở với đủ loại vấn nạn trong giáo dục, y tế, sinh hoạt (thừa nước bẩn, thiếu nước sạch)… Việc thực hiện bốn nghị quyết dường như chỉ hỗ trợ, tạo điều kiện cho một số cá nhân, doanh nghiệp làm giàu nhờ đất, tước đoạt sinh kế đẩy nhiều gia đình đến chỗ bần cùng vì bị thu hồi đất, mất tự do thậm chí mất mạng do phản đổi việc thực hiện các quy hoạch nhưng cuối cùng lại trở thành nền tảng kiến lập vô số đô thị bỏ hoang.


Nghị quyết thứ 5 liên quan đến xây dựng và phát triển Hà Nội xác định đến 2045, Hà Nội phải trở thành “thành phố kết nối toàn cầu”. Sau nghị quyết, hệ thống công quyền của thành phố Hà Nội đang dồn tâm lực, trí lực, sức lực vào việc lập “Quy hoạch thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050” để định hướng không gian phát triển kinh tế, xã hội, quốc phòng-an ninh, hệ thống hạ tầng, phân bổ đất đai, sử dụng tài nguyên.


Tuy “quy hoạch” vừa đề cập đang trong giai đoạn soạn thảo nhưng cách nay chừng mươi ngày đã được các viên chức hữu trách tự quảng cáo các ý tưởng “mang tính đột phá, tạo dấu ấn lớn trong lĩnh vực quy hoạch, sẽ là cơ hội để thành phố xác lập các quan điểm thống nhất trong phát triển thủ đô và tổ chức không gian trong tương lai” và nhờ vậy sẽ trở thành… “thành phố kết nối toàn cầu”.

Với những chuyện như đã biết và với thực trang như đang thấy, bao nhiêu người dám tin không gian sống Hà Nội sẽ trong lành, không còn kẹt xe, hạ tầng giáo dục và y tế đạt yêu cầu “văn hiến, văn minh hiện đại”, có thể giã biệt giai đoạn cứ mưa là ngập và có đủ nước để ăn uống, tắm giặt?


Khi hàng triệu người còn canh cánh với chuyện bao giờ đủ nước đánh răng, rửa mặt, rõ ràng “kết nối toàn cầu” là chuyện khôi hài. Tất cả các thành viên của Bộ Chính trị đều đang cư trú tại Hà Nội. Dẫu sống trong tháp ngà nhưng chẳng lẽ hơn một chục cư dân Hà Nội này không biết gì về việc hàng triệu người cùng ngụ ở nơi mình sống vật vã vì thiếu nước? Sau năm thập niên xây dựng CNXH mà còn phải ban hành một… nghị quyết để cư dân thủ đô có thể… “kết nối với nước” tất nhiên chẳng… sang chút nào nhưng đừng quên, dân chúng cần hiệu quả thiết thực về những vấn đề thiết thân đối với họ như là nước!

Trân Văn/VOA