Dân biểu Mỹ kêu gọi ngoại trưởng Pompeo nêu trường hợp ông Nguyễn Bắc Truyển

Nghe đọc bài

Ngay trước thềm cuộc Đối thoại Nhân quyền giữa Mỹ và Việt Nam, các dân biểu liên bang Hoa Kỳ đã gửi một bức thư tới Ngoại trưởng Mike Pompeo để bày tỏ quan ngại về tình hình nhân quyền ở Việt Nam và thúc giục người đứng đầu ngành ngoại giao nêu trường hợp nhà hoạt động Nguyễn Bắc Truyển, đang bị cầm tù, tại cuộc họp dự kiến diễn ra ngày 6/10.

Bức thư do các dân biểu Mỹ, gồm Harley Rouda, Alan Lowenthal và Zoe Lofgren, ký tên được gửi tới Ngoại trưởng Pompeo hôm 2/10 bày tỏ “mối quan ngại sâu sắc” của ba thành viên Hạ viện liên bang “về tình trạng nhân quyền ở Việt Nam trước thềm cuộc đối thoại Nhân quyền Hoa Kỳ-Việt Nam thường niên lần thứ 24.”

“Thúc đẩy nhân quyền là một phần quan trọng trong chính sách đối ngoại của Mỹ, và điều đó đặc biệt quan trọng đối với mối quan hệ của chúng ta với Việt Nam, như được nhấn mạnh trong Quan hệ Đối tác Toàn diện Hoa Kỳ-Việt Nam,” bức thư viết.

Ba dân biểu, đều đại diện cho các hạt ở tiểu bang California nơi có cộng đồng người Việt lớn nhất ở Mỹ sinh sống, thúc giục Ngoại trưởng Pompeo “nêu ra trường hợp của ông Nguyễn Bắc Truyển với các lãnh đạo Việt Nam trong cuộc Đối thoại Nhân quyền sắp diễn ra giữa hai nước chúng ta.”

Theo dân biểu Rouda, Lowenthal và Lofgren – những người thường lên tiếng về hồ sơ nhân quyền của Việt Nam, việc cầm tù ông Truyển, một tín đồ Phật giáo Hoà Hảo và nhà hoạt động bảo vệ quyền tự to tôn giáo hiện đang thụ án 11 năm tù vì “hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân,” cho thấy “sự coi thường đáng xấu hổ của Việt Nam đối với các quyền và tự do cá nhân trên đất nước của họ.”

Được biết, ông Truyển thành lập Hội Ái Hữu Tù Nhân Chính Trị và Tôn Giáo Việt Nam, nhằm hỗ trợ các tù nhân lương tâm và gia đình của họ. Các dân biểu Mỹ cho ông Pompeo biết trong bức thư rằng, sau khi bị bắt vào năm 2017, ông Truyển bị từ chối tiếp cận hỗ trợ pháp lý, thăm nuôi của gia đình, tiếp tế thực phẩm và thuốc men, và sau đó ông đã bị kết án sau một phiên tòa kéo dài chỉ trong một ngày.

“Tự do ngôn luận, tự do tôn giáo và tự do lập hội là những quyền được ghi trong Hiến pháp Việt Nam,” bức thư viết. “Tuy chúng tôi nhìn nhận Việt Nam đã đạt được một số tiến bộ trong việc việc duy trì cam kết bảo vệ các quyền và tự do cá nhân ở Việt Nam, nhưng trường hợp của Nguyễn Bắc Truyển cho thấy Việt Nam vẫn chưa tiến được bao xa.”

Đầu tháng 4 vừa qua, Uỷ ban Tự do Tôn giáo Quốc tế Hoa Kỳ (USCIRF) cũng đã lặp lại lời kêu gọi của họ trước đó đối với chính phủ Việt Nam đòi trả tự do cho ông Truyển, một trong những tù nhân lương tâm tôn giáo trong danh sách của uỷ ban này. Theo USCIRF, các giới chức Hoa Kỳ đã nêu trường hợp của ông Truyển cùng các tù nhân lương tâm khác tại Đối thoại Mỹ-Việt về nhân quyền hồi năm 2018.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng hồi năm 2018 nói rằng “không có cái gọi là tù nhân lương tâm” ở Việt Nam mà chỉ có “những người bị giam giữ vì vi phạm pháp luật.”

Trong bức thư gửi Ngoại trưởng Pompeo hôm 2/10, các dân biểu Mỹ cho rằng “để đạt được mục tiêu chung của hai quốc gia trong việc xây dựng quan hệ và sự hợp tác sâu sắc hơn với Việt Nam, chính phủ Việt Nam cần phải thể hiện thiện chí cải thiện các quyền tự do cá nhân tự do ở Việt Nam. Việc trả tự do cho ông Nguyễn Bắc Truyển sẽ là tiêu chuẩn quan trọng để đánh giá cải thiện nhân quyền ở Việt Nam và chứng tỏ chính phủ Việt Nam cam kết cải thiện các quyền tự do cá nhân tại quốc gia của họ.”

Báo cáo nhân quyền thường niên của Bộ Ngoại giao Mỹ ra hồi tháng 3 cho rằng Việt Nam tiếp tục hạn chế những phát biểu chỉ trích chính phủ hay kêu gọi đa nguyên đa đảng, làm gián đoạn việc tiếp cận Internet cũng như kiểm duyệt thông tin trên mạng, và liệt kê một số vi phạm của chính quyền về việc bắt giam người tuỳ tiện, tra tấn người bị bắt giam cũng như tình trạng đối xử bất công đối với các tù chính trị.

Tuy nhiên, Bộ Ngoại giao Việt Nam ngay sau đó cho rằng báo cáo này “còn một số nội dung thiếu khách quan dựa trên những thông tin không được kiểm chứng về thực tế Việt Nam.” Người phát ngôn Bộ Ngoại giao ở Hà Nội cũng luôn nói rằng chủ trương nhất quán của Việt Nam là “tôn trọng, bảo vệ và thúc đẩy quyền con người”.

“Cuộc Đối thoại Nhân quyền Hoa Kỳ-Việt Nam Thường niên lần thứ 24 sắp tới sẽ tạo cơ hội thúc đẩy những cải thiện có ý nghĩa về tình trạng nhân quyền tại Việt Nam,” ba dân biểu thúc giục Ngoại trưởng Pompeo trong bức thư. “Chúng tôi mong ông hãy nêu trường hợp của Nguyễn Bắc Truyển trong sự kiện này và thúc đẩy việc trả tự do ngay lập tức và vô điều kiện cho tất cả các tù nhân lương tâm.”

Theo VOA