Dân biểu Hoa Kỳ kêu gọi Việt Nam thực hiện cam kết trong quan hệ ngoại giao Việt-Mỹ

Nghe đọc bài

Nhân dịp 45 năm Chiến tranh Việt Nam kết thúc, Dân biểu Alan Lowenthal cùng một số Dân biểu Hoa Kỳ đệ trình Nghị quyết ghi nhận 45 năm biến cố lịch sử Sài Gòn bị thất thủ (Fall of Saigon), đồng thời gửi thư đến Chính quyền Việt Nam.

Dân biểu Alan Lowenthal dành cho RFA một cuộc phỏng vấn ngắn xoay quanh thông tin vừa nêu.

RFA: Thưa Dân biểu Alan Lowenthal, chúng tôi được biết ông cùng với hai vị Dân biểu Lou Correa và Harley Rouda, vào hôm 29/4 đồng ký tên trong một bức thư gửi đến Chủ tịch nước Việt Nam Nguyễn Phú Trọng và Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc. Ông có thể chia sẻ về thông điệp của bức thư này?

Dân biểu Alan Lowenthal: Chúng tôi muốn gửi thông điệp đến Chính quyền Việt Nam rằng để vượt qua nỗi đau chiến tranh một cách nghiêm túc thì đây là thời điểm Chính quyền Việt Nam nên thực hiện những cam kết của họ trong quan hệ ngoại giao Việt-Mỹ qua việc cải thiện nhân quyền, trả tự do cho tù nhân lương tâm, trùng tu nghĩa trang Biên Hòa và chấm dứt việc bắt bớ các lãnh đạo tôn giáo, các nhà hoạt động giới blogger cũng như các nhà báo độc lập. Đồng thời, hãy nói cho người dân biết về các việc làm này nhân dịp 45 năm Chiến tranh Việt Nam chấm dứt và đánh dấu 25 năm bình thường hóa quan hện Việt-Mỹ.

Tôi hiểu rằng Việt Nam mong muốn thúc đẩy mối quan hệ cũng như hàn gắn viết thương chiến tranh giữa hai nước. Nhưng các vấn đề được đề cập trong bức thư này là trở ngại nghiêm trọng cho Việt Nam. Và, tôi một lần nữa nhấn mạnh rằng nếu như Việt Nam thực tâm muốn giải quyết các vấn đề đó thì tiến trình sẽ được diễn ra. Tuy nhiên, họ vẫn chưa thể hiện quyết tâm giải quyết xong các yêu cầu cam kết đó.

RFA: Vào hôm 28/4, ông và 12 vị Dân biểu Hoa Kỳ cũng đã đệ trình Nghị quyết Hạ viện ghi nhận biến cố lịch sử 30/4/1975, tưởng niệm 45 năm ngày Sài Gòn bị thất thủ. Nghị quyết này chuyển tại ý nghĩa đặc biệt gì, thưa ông?

Dân biểu Alan Lowenthal: Đây không phải là lần đầu tiên Nghị quyết được tôi đệ trình. Kể từ khi trở thành Dân biểu Hoa Kỳ hồi tháng 11 năm 2012 và bắt đầu từ năm 2013, hàng năm tôi đều đệ trình Nghị quyết ghi nhận biến cố lịch sử Sài Gòn bị thất thủ, gọi là Nghị quyết Tháng Tư Đen bởi vì rất là quan trọng đối với những người Mỹ gốc Việt mà tôi đại diện cho họ. Đặc biệt trong lúc này thế giới đang đối phó với đại dịch COVID-19, chúng ta càng không thể nào được quên nỗi đau lịch sử về Tháng Tư Đen mà câu chuyện của cả triệu người tị nạn Việt Nam rời bỏ quê hương định cư khắp nơi trên thế giới và để vinh danh sự đóng góp của tại mỗi quốc gia mà họ hiện diện. Nhân dịp tưởng niệm 45 năm biến cố Tháng Tư Đen, chúng ta phải cống hiến những giá trị chúng ta được hưởng gồm tự do, nhân quyền và dân chủ cho Việt Nam.

Tôi đã làm công việc này hàng năm và tôi sẽ tiếp tục cho đến khi đất nước Việt Nam có được các giá trị này.

RFA: Cách đây gần 5 năm trước, vào cuối năm 2015, ông đã soan thảo một bức thư gửi đến Bộ Ngoại giao Mỹ. Bức thư này, được 4 vị Dân biểu Hoa Kỳ đồng ký tên, kêu gọi Ngoại trưởng John Kerry xem xét tái định cư cho các cựu sĩ quan thương phế binh (TPB) VNCH còn sót lại ở Việt Nam. Bộ Ngoại Mỹ có những phản hồi nào liên quan bức thư này?

Dân biểu Alan Lowenthal: Cảm ơn hỏi tôi về điều này. Đây là một vấn đề rất quan trọng. Lá thư tôi gửi hồi cuối năm 2015 và đến tháng Giêng năm 2016, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đã hồi đáp lá thư của tôi. Trong thư nói rằng họ đang thảo luận về vấn đề đó. Đồng thời, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ cũng lưu ý rằng họ không nghe thấy có sự bắt bớ nào xảy ra với cựu quân nhân VNCH. Mặc dù vậy, tôi hiểu rằng nhiều người trong số cựu quân nhân VNCH rất khó khăn trong cuộc sống thường nhật. Tiếc thay, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ trong thư hồi đáp đã không đề cập đến việc họ có bất cứ kế hoạch nào để mở lại chương trình ODP, cụ thể là không thực hiện chương trình định cư nhân đạo HO cho các cựu quân nhân VNCH.

Điều này có nghĩa là Quốc hội sẽ tiếp tục thúc đẩy Bộ Ngoại giao, hoặc có thể xem xét một nghị trình cụ thể để mở lại các chương trình dựa vào những luật hiện hành.

Tuy nhiên như chúng ta biết, hiện tại những quan điểm chính trị khác biệt về vấn đề di trú ở Hoa Kỳ đang bị phản đối rất cao. Bên cạnh đó, do dịch COVID-19 trong lúc này thì cũng rất trở ngại để Quốc hội thảo luận các vấn đề di trú như thế này.

RFA: Vào dịp 45 năm Chiến tranh Việt Nam kết thúc, Đài RFA đã chuyện trò được với một số cựu quân nhân TPB VNCH. Họ chia sẻ rằng họ đang phải vật lộn với cuộc sống trong những ngày già yếu tại Việt Nam. Ông cảm nhận ra sao khi nghe tâm tình này và ông có những ý tưởng nào để giúp đỡ hay hỗ trợ cho các TPB VNCH không may mắn đó?

Dân biểu Alan Lowenthal: Khi nghe tâm tình như thế thì tôi cảm thấy rất thảm thương cho hoàn cảnh của các TPB VNCH. Thật là đau buồn cho họ! Tôi rất sẵn lòng đón nhận tất các ý kiến hay đề nghị của cộng đồng người Mỹ gốc Việt nhằm ghi nhận và vinh danh cũng như làm thế nào để giúp đỡ cho các TPB VNCH và gia đình của họ.

Và như tôi đã nói dịp tưởng niệm 45 năm biến cố “Tháng Tư Đen” đến trong thời điểm khủng hoảng do dịch COVID-19, cũng nhắc nhở chúng ta một điều rất quan trọng rằng những người Việt Nam chấp nhận buộc phải rời quê hương với sự đánh đổi sinh mạng của mình để tìm giá trị của tự do.

RFA: Cảm ơn Dân biểu Alan Lowenthal dành thời gian cho cuộc phỏng vấn này với Đài RFA

Theo RFA