Cuộc đua xây tượng Phật cao nhất, to nhất ở Việt Nam

Tượng Phật cao 72 mét ở chùa Khai Nguyên, xã Sơn Đông, thị xã Sơn Tây, Hà Nội
Nghe đọc bài

Các tượng Phật to lớn được dựng lên với các kỷ lục nối tiếp nhau nhằm thu hút sự tò mò của số đông công chúng hơn là dành cho những người thực hành đạo Phật.

Hồi năm 2021, chùa Phật Quốc Vạn Thành, tỉnh Bình Phước, đã dựng một tượng Phật cao 73m, tượng này cao hơn tượng Phật chùa Khai Nguyên, Hà Nội, một mét, trở thành tượng Phật cao nhất Việt Nam thời điểm đó.

Dự kiến trong năm 2023, chùa Minh Đức sẽ dựng tượng Phật cao nhất Việt Nam và thế giới với chiều cao lên đến 125 mét.

Việc dựng tượng Phật ở Việt Nam là cuộc tranh đua không có hồi kết giữa các nhà sư, chính quyền các tỉnh và giới doanh nhân.

Vào tháng 12/2022, Tập đoàn Tân Hoàng Minh đã khởi công dự án tâm linh tại Phú Quốc với tượng Phật Bà Quán Thế Âm bằng đồng nguyên chất, dát vàng cao 189 mét. Dự kiến đây tiếp tục là tượng Phật cao nhất thế giới.

“Núi này cao có núi khác cao hơn” là thành ngữ đã lỗi thời. “Tượng Phật này cao có tượng Phật khác cao hơn” là câu nói hợp thời hơn bao giờ hết.

Tượng Thích Ca Mâu Ni cao 73 mét ở tỉnh Bình Phước

Việt Nam đang có bao nhiêu tượng Phật tranh giành các kỷ lục? Vì sao xuất hiện xu hướng dựng tượng Phật khổng lồ như hiện nay?

Việt Nam có rất nhiều tượng Phật khổng lồ, gần như tỉnh, thành nào cũng cố gắng dựng ít nhất một tượng Phật để xác lập kỷ lục, thu hút khách tham quan.

Xu hướng chung là tượng Phật sau cao hơn, to hơn tượng Phật trước. Nếu không cao hơn thì phải được làm bằng chất liệu đặc biệt hơn, hoặc đặt nhiều tượng Phật hơn.

Việc dựng tượng Phật cũng vượt ra khỏi không gian các ngôi chùa, lan đến các nơi như công viên, nghĩa trang, cơ sở của các nhà kinh doanh tư nhân.

Ví dụ như cơ sở làm bánh pía Tân Huê Viên tại Sóc Trăng đang dựng tượng Phật Dược Sư nặng 19 tấn đồng, bên ngoài dự kiến dát 88 lượng vàng với “mong muốn cầu nguyện cho mọi người được an lành”.

Hoặc có trường hợp tạc cả tượng Phật cao 81 mét vào hòn núi như tại tỉnh An Giang và 65 mét tại Đà Nẵng.

Tượng Phật được dựng ở khắp nơi từ nông thôn đến thành thị, từ đồi núi đến đồng bằng, từ khu vực đất rừng đến khu vực dân cư.

Cuộc đua dựng tượng Phật có lẽ là một trong những cuộc đua nóng bỏng và cạnh tranh gay gắt nhất Việt Nam.

Tượng Phật nằm cao 22,5 mét ở Sóc Trăng

Các tượng Phật khổng lồ liên tiếp được dựng lên thường được cho là nhằm đáp ứng nhu cầu tâm linh của công chúng.

Tuy nhiên, theo Tổng cục Thống kê, cả nước chỉ có 4,6 triệu người là tín đồ Phật giáo, chiếm 4,78% tổng dân số theo số liệu điều tra năm 2019.

Trên thực tế, các công trình này được dựng lên với các kỷ lục nối tiếp nhau nhằm thu hút sự tò mò của số đông công chúng hơn là dành cho những người thực hành đạo Phật.

Du khách đến tham quan đông đảo giúp cho chính quyền địa phương và các nhà đầu tư thu được nhiều lợi ích về kinh tế từ việc bán vé tham quan, cáp treo, dịch vụ ăn uống, lưu trú… Và đương nhiên có cả những lợi ích phía sau dành cho các quan chức địa phương lẫn chức sắc tôn giáo.

Mặt khác, các tượng Phật thường được dựng lên một cách vô tội vạ, thậm chí không phù hợp với cảnh quan lẫn yếu tố tâm linh bản địa. Ví dụ, núi Bà Đen thuộc tỉnh Tây Ninh là một di tích không liên quan trực tiếp đến Phật giáo truyền thống, mà mang nhiều màu sắc tâm linh, tín ngưỡng bản địa.

Việc nhấn mạnh vào yếu tố Phật giáo có lẽ xuất phát từ lý do chính trị nhiều hơn, vì nhà nước hiện nay muốn người dân theo đạo Phật, dưới sự điều hành của Giáo hội Phật giáo Việt Nam (GHPGVN), một tổ chức đã bị nhà nước kiểm soát toàn diện.

Trong khi đó, đạo Công giáo có xu hướng độc lập với chính quyền, còn Tin Lành thì có xu hướng chia tách liên tục thành các hội thánh nhỏ, hoạt động độc lập. Đây rõ ràng không phải là các tôn giáo phù hợp với lợi ích của nhà nước.

Hiện nay, chính quyền nắm quyền phê duyệt toàn bộ các thủ tục liên quan đến thành lập, xây dựng cơ sở tôn giáo. Việc liên tục dựng các tượng Phật đạt kỷ lục rõ ràng là có bàn tay thúc đẩy của nhà nước. Các nhà sư thuộc GHPGVN luôn được ưu ái đặc biệt.

Tuy nhiên, chính quyền lại không muốn người dân tự do thực hành những giáo lý chân chính của Phật giáo, vì điều này không có lợi cho nhà nước. Chính quyền chỉ đang dùng sự ảnh hưởng của Phật giáo để thao túng tâm thức và định hướng tư tưởng cộng đồng vào các giá trị mà nhà nước mong muốn. Do đó, sự hiện diện của những tượng Phật cao lớn là điều rất cần thiết cho nhu cầu này.

Thiền sư Thích Nhất Hạnh cũng từng nhận định rằng: “Người ta [chính quyền] chỉ muốn có một đạo Phật của tín mộ, của thờ cúng, người ta không muốn có một đạo Phật có khả năng lãnh đạo tinh thần và văn hóa đạo đức cho quốc dân”.

(Theo Luật Khoa)