CSVN năn nỉ Úc mở rộng viện trợ ODA, nhưng không thả Châu Văn Khảm

Thủ tướng Úc Anthony Albanese và Bùi Thanh Sơn
Nghe đọc bài

Bộ trưởng Ngoại giao vác mặt qua Úc xin duy trì và mở rộng viện trợ ODA cho Việt Nam, đề nghị Úc tăng hạn ngạch cho công dân Việt Nam sang Úc theo Chương trình Lao động kỳ nghỉ, nhưng nhất quyết không trả tự do cho công dân Úc gốc Việt Châu Văn Khảm.

Báo đảng hôm 12/9 cho hay, tại thủ đô Canberra, Bùi Thanh Sơn đề nghị phía Úc duy trì và mở rộng viện trợ phát triển (ODA) cho Việt Nam sang các lĩnh vực mới mà Việt Nam đang có nhu cầu.

Ông Sơn đề nghị phía Úc tăng hạn ngạch cho công dân Việt Nam sang Úc theo Chương trình Lao động kỳ nghỉ.

Tuy vậy, ông này không đả động gì đến một yêu cầu từ phía Bộ Ngoại giao Úc từ nhiều tháng nay.

Công dân Úc gốc Việt Châu Văn Khảm, 72 tuổi, đang thụ án 12 năm tù ở Việt Nam với cáo buộc “khủng bố nhằm chống chính quyền nhân dân” do ủng hộ Đảng Việt Tân có trụ sở ở Mỹ.

Các tổ chức nhân quyền quốc tế và cả chính phủ Úc đã nhiều lần kêu gọi Việt Nam trả tự do cho ông Khảm nhưng không được đáp ứng.

Ông Châu Văn Khảm ra tòa ngày 11/11/2019 ở Tp. Hồ Chí Minh.
Ông Châu Văn Khảm trong phiên tòa diễn ra hồi tháng 11/2019 tại TP.HCM

Hồi tháng Sáu, Nhóm Công tác về Bắt giữ Tùy tiện của LHQ (UNWGAD) vừa đưa ra ý kiến về trường hợp của tù nhân chính trị Châu Văn Khảm đang thụ án tù tại Việt Nam, nói rằng việc giam giữ ông Khảm là “tùy tiện” và kêu gọi trả tự do cho ông ngay lập tức.

Bản ý kiến nêu rõ rằng cáo buộc mà phía Việt Nam đưa ra đối với ông Khảm “là không có cơ sở pháp lý”, “lẽ ra ông không phải bị kết án” và rằng việc bắt giam, kết án ông đã vi phạm các chuẩn mực và công ước quốc tế mà Việt Nam là một quốc gia thành viên.

Trường hợp của ông Khảm, UNWGAD cho rằng chính quyền Việt Nam đã vi phạm bốn trong số 5 khoản mục về bắt giữ tùy tiện: thiếu cơ sở pháp lý để tước đoạt quyền tự do của một người; người bị tước đoạt quyền tự do khi thực thi các quyền cơ bản theo chuẩn mực quốc tế; vi phạm quyền được xét xử công bằng; và bị tước quyền tự do trên cơ sở phân biệt đối xử, do là một người bảo vệ nhân quyền, và là người bất đồng chính kiến.

Bản ý kiến nói rõ rằng “sự liên hệ của ông Châu Văn Khảm với tổ chức Việt Tân không thể đủ cơ sở để bắt giữ ông”.