California ‘mở cửa,’ nhớ lại thời ‘dịch giã’

Tiểu bang California cho “mở cửa trở lại” kể từ 15 Tháng Sáu sau một thời gian dài bị ảnh hưởng của đại dịch COVID-19. Cuộc sống của người dân California đang trở lại bình thường và có phần nhộn nhịp khi mà hầu hết mọi người được chích ngừa.

UNIVERSAL CITY, CALIFORNIA - JUNE 15: California Governor Gavin Newsom attends California Governor Gavin Newsom's press conference for the official reopening of the state of California at Universal Studios Hollywood on June 15, 2021 in Universal City, California. (Photo by Alberto E. Rodriguez/Getty Images)
Nghe đọc bài

Thống Đốc California Gavin Newsom trong buổi lễ tuyên bố mở cửa tiểu bang trở lại được tổ chức trước khu giải trí Universal Studios Hollywood ở Los Angeles, hôm 15 Tháng Sáu, 2021. (Hình: Alberto E. Rodriguez/Getty Images)
Đại dịch qua đi khiến nhiều người nhớ lại những khó khăn và thử thách phải vượt qua, trong đó có những chủ nhân doanh nghiệp nhỏ của người Việt ở vùng Little Saigon. 

“Tưởng rằng mình sẽ mất trắng…”

Là chủ tiệm QT Hair Salon ở Westminster, cô Thảo Trần không nghĩ mình và các nhân viên có thể vượt qua đại dịch COVID-19 được, nếu không nhờ tiền từ chương trình PPP của chính phủ.

Cô kể: “Đợt đóng cửa đầu tiên ai cũng bị sốc, vì không biết phải đóng bao lâu, rồi làm sao có tiền sinh sống. Mười nhân viên của tôi bị tress hết mười, tôi đương nhiên bị tress nhiều nhất.”

Thảo cho biết do dù tiệm đóng cửa, cô phải trả 70% tiền mướn đúng hạn, còn 30% mỗi tháng được chủ phố cho nợ sáu tháng. “Thật kinh khủng trong thời gian đó, vì không làm ra tiền nhưng vẫn phải chi tiêu.”

Giọng của Thảo Trần như vẫn còn đó nỗi lo.

“Tiệm này là tài sản của gia đình. Tôi cũng chỉ mở từ Tháng Bảy năm 2019 thôi, tám tháng sau sau thì bị đóng cửa vì COVID-19. Mấy trăm ngàn đầu tư có nguy cơ mất trắng nếu tình hình này kéo dài. Tôi cũng nghĩ đến lúc tiệm bị sụp đổ rồi chứ. Sợ lắm, đóng lần thứ nhất đã run, rồi bị đóng lần hai, lần ba. Mình không biết lúc nào được mở lại, mà tiền phố thì cứ phải đóng mỗi tháng, cứ rút tiền dành dụm của gia đình ra dùng, sợ đến một ngày nào đó cũng cạn kiệt. Không đoán được tương lai.”

Cô Thảo Trần, chủ nhân QT Hair Salon. (Hình: Vũ Đình Trọng/Người Việt)

Nỗi lo sợ vơi dần khi ngày càng có nhiều người được chích vaccine. Khách hàng dè dặt trở lại tiệm, nhưng cũng đủ tạo thêm sinh khí với lời chào hỏi thân tình như người thân, sau hơn một năm không gặp.

Chị Tina, người thợ với hơn 20 năm trong nghề, gắn bó với QT Hair Salon từ ngày thành lập, kể: “Gặp lại khách quen mừng lắm, nhiều người tôi không nhận ra vì tóc họ dài quá, mấy ông còn búi tó nữa mới ghê!”

Chị nói trong niềm vui của một người yêu nghề: “Tôi không bao giờ nghĩ mình sẽ bỏ nghề này. Việc gì cũng sẽ qua thôi, mình ráng chờ, thời thế như vậy ai cũng phải chịu.”

Giờ thì trong tiệm, ai cũng thở phào nhẹ nhõm vì khách quen đã trở lại được hơn 50%, phải cần thêm thời gian nữa để có lượng khách như trước. Tuy nhiên, việc California mở cửa, dù mừng nhưng vẫn còn một nỗi lo mơ hồ.

Chị Tina cho biết: “Tiểu bang được mở cửa ai cũng mừng, nhưng cũng còn hơi lo vì còn nhiều người chưa chịu chích ngừa. Tôi cũng hơi sợ, vì đâu biết ai đã chích vaccine rồi hay chưa!”

Bác Sĩ Andy Trần tại Dynamix Physical Theraphy & Rehabilitation. (Hình: Vũ Đình Trọng/Người Việt)

Chỉ có “con” COVID-19 mới làm tôi “te tua”

Dynamix Physical Therapy & Rehabilitation tại thành phố Garden Grove là một phòng mạch chuyên về vật lý trị liệu, phục hồi chức năng, do Bác Sĩ Andy Trần làm chủ. Thời kỳ cực thịnh của Dynamix là vào năm 2019, khi Bác Sĩ Andy quyết định mở thêm hai phòng mạch nữa vì số lượng bệnh nhân ngày càng nhiều.

Một năm sau, California phải đóng cửa vì COVID-19, anh cũng phải đóng cửa hai phòng mạch mới, với đầy đủ trang thiết bị hiện đại, lui về “cố thủ” tại phòng mạch cũ.

Anh kể: “Khi COVID-19 bắt đầu lan tràn từ đầu năm 2020, vì giãn cách xã hội nên tôi buộc lòng phải giảm hơn 80% bệnh nhân đến phòng mạch. Trước dịch, mỗi ngày tôi tiếp 40 đến 50 bệnh nhân, thời gian có dịch chỉ gặp chừng bốn đến năm người. Đó là lý do tôi phải đóng cửa hai cơ sở mới mở. Lúc đó thấy không xong rồi, bao nhiêu tiền đầu tư vào đó xem như mất hết.”

Nhiều bệnh nhân lớn tuổi của phòng mạch với những chứng bệnh kinh niên về cột sống, bắp thịt, dây chằng, khớp vai, cổ… yêu cầu được tới phòng mạch chữa bệnh vì họ thường xuyên bị đau nhức, cũng bị từ chối.

“Tôi nói với các bác là đau nhức không làm cho mình chết, nhưng nếu các bác ra ngoài mà dính COVID-19, sẽ rất dễ chết, nên tốt nhất là nên ở nhà.”

Không nhận nhiều bệnh nhân đồng nghĩa với việc giảm thu nhập và chịu lỗ. Bác Sĩ Andy chấp nhận, và ngay cả có đề nghị tốt từ chủ phố anh cũng không nhận.

“Chủ phố ở đây là người Việt. Anh nói với tôi là nếu kẹt quá thì có thể tạm ngưng trả tiền thuê nhà, tôi nói tôi lo được, nên vẫn trả tiền bình thường dù số lượng bệnh nhân của tôi giảm rất nhiều. Tôi biết anh ấy cũng phải chịu nhiều chi phí, thành ra dù mình lỗ thì cũng ráng chịu. Nhờ dành dụm được chút ít từ mấy năm nay, giờ tôi lấy ra dùng để vượt qua khó khăn này. Ngoài ra cũng nhờ chương trình PPP của chính phủ giúp nên cũng không sao.”

Đề cập đến chuyện California được mở cửa lại, Andy cho rằng mình là người may mắn, “vì nhiều cơ sở thương mại khác không sống nổi, phải đóng cửa, thậm chí phá sản.”

Anh cho biết thêm: “Tôi làm nghề này hơn hai mươi năm rồi. Kinh tế lên hay xuống vẫn không ảnh hưởng gì, chỉ có lần này mới làm tôi lao đao thôi. Lần đầu tiên trong đời, tôi mới thấy có một cái gì đó làm mình ‘te tua.’ Nói chung qua được một năm là mừng rồi, hy vọng mọi chuyện sẽ ổn với chúng ta.” 

Cô Thảo Nguyễn, chủ nhân chợ Đông Ba. (Hình: Vũ Đình Trọng/Người Việt)

Triết lý dựa vào nhau để buôn bán

Trước khi xảy ra đại dịch COVID-19, Đông Ba là một tiệm ăn nhỏ tại thành phố Westminster, chuyên bán món ăn Huế. Thảo Nguyễn, cô chủ gốc Huế, chăm chút xây dựng tên tuổi cho tiệm bằng môt số món đặc trưng như bún bò Huế, bánh bèo, bánh nậm, bánh lọc,…

Khi “cơn lốc COVID-19” ập xuống, tất cả nhà hàng phải đóng cửa, sau đó chỉ được bán togo, khiến nhiều nhà hàng lao đao vì doanh thu sụt giảm, những vẫn phải trả những chi phí cố định hàng tháng.

Thảo Nguyễn nhớ lại thời gian khó khăn: “Ba tháng đầu tiên phải đóng cửa là thời gian chúng tôi lo lắng nhất, vì không làm ra đồng nào nhưng vẫn phải trả tiền phố. Một số chủ tiệm ở đây viết thư yêu cầu chủ phố hỗ trợ, thì họ cho hai giải pháp: Một là được giảm 20% tiền thuê nếu trả đúng hạn; hoặc có thể trả góp nhưng sẽ không được bớt 20%. Nhưng chỉ được ba tháng, đến Tháng Sáu, chúng tôi phải trả tiền mướn bình thường.”

Thảo cho biết như thế cũng là tốt rồi, vì ngay chủ phố, họ cũng có khó khăn từ phía chủ nợ của họ. Việc hai bên cùng thông cảm cho nhau, tựa vào nhau để vượt qua khó khăn là điều đáng quý. “Chủ phố cũng thông cảm nếu mình trả trễ thì họ không phạt.”

Sau ba tháng phải đóng cửa, việc được mở cửa lại chỉ để bán togo cũng khiến chủ tiệm Đông Ba tìm cách xoay trở trong tình hình mới. Thảo hiểu nếu cứ kinh doanh theo cách cũ thì chỉ có thể dẹp tiệm, nên ngoài những món ăn đã tạo thành thương hiệu, Thảo biến tiệm thành ngôi chợ nhỏ, chọn lựa các loại hàng hóa phẩm chất tốt mà các ngôi chợ lớn trong vùng chưa bán. Ngoài ra, cô còn mời gọi những người nấu ăn ngọn cùng hợp tác với tiệm làm ra nhiều món mới.

Thảo nói: “Để tăng các món togo lên thì một mình tôi không thể làm được, thế nên tôi kêu gọi mọi người hợp tác. Tôi mời họ đến tiệm nấu rồi giới thiệu món ngon cho bà con, bà con ủng hộ thì chị em cũng thêm chút tiền trong thời gian thất nghiệp, còn tiệm cũng có thêm chút đỉnh trang trải chi phí. Nói chung mình dựa vào nhau thôi.”

Nhiều món mới ra đời nhờ sự kết hợp giữa Thảo và những chị em mê nấu nướng như nem Huế, chả Huế, tré, bún mắm nêm, bánh canh tôm cua, bún chả cá Đà Nẵng, xôi gà bóp,… Đặc biệt món cháo Nghêu nấu theo kiểu Huế đang là món được nhiều người ưa thích trong ngày.

Cách “dựa vào nhau” của Thảo không chỉ là buôn bán, cô còn thường xuyên giúp những người khó khăn bán hàng không lấy lời, như “chiến dịch giải cứu” bơ, rau càng cua cho chùa Phật Tổ ở Long Beach, hay “giải cứu” táo và bưởi cho Tịnh Xá Pháp Duyên ở Fresno. Những “chiến dịch giải cứu” này được nhiều người ủng hộ, cũng nhờ đó họ lại biết đến chợ Đông Ba.

Nhiều người biết đến chợ, có nghĩa là thêm bạn, và câu nói “buôn có bạn, bán có phường” được O Thảo áp dụng cho mối quan hệ này đã mang lại kết quả dáng khích lệ.

Cô kể: “Trong group Người Việt Cali của chúng tôi có khá nhiều chị em mát tay trồng trái cây, rau thơm. Trước đây ăn không hết thì họ mang cho, nay có chợ Đông Ba, tôi nói chị em mang đến đây tôi bán, cũng là cách giới thiệu ‘cây nhà lá vườn’ lại thêm thu nhập.”

Ngoài ra, Thảo còn tới tận các trang trại ở Nam California tìm những mặt hàng người Việt thích, nhưng các chợ ít bán, mang về giới thiệu. Mua tôm, cá, cua, mực tươi từ những tàu thuyền đánh cá bán mỗi ngày,… Sức sống của ngôi chợ nhỏ dần dần được hồi phục dù xã hội vẫn còn trong giai đoạn khó khăn của dịch bệnh.

Khi tiểu bang mở cửa, các khu thương mại sẽ lại tấp nập người đi mua sắm, cũng là lúc Thảo chuẩn bị cho một kế hoạch mới.

Cô cho hay: “Khi California mở cửa, chưa chắc doanh thu của chợ đã tốt hơn, vì trong mùa dịch, bà con mua togo nhiều, nhưng khi các nhà hàng được mở cửa lại, họ sẽ đến ăn tại chỗ nhiều hơn. Lúc đó, những tiệm bán togo như Đông Ba có thể sẽ bị giảm thu nhập. Tôi phải nghĩ cách làm mới, tìm thêm món lạ mà ngon, hợp khẩu vị, và phải rẻ để giới thiệu với bà con. Tiệm sẽ khuyến mãi liên tục để giữ khách.”

Giờ đây chợ Đông Ba giống như ngôi chợ nhỏ ở một vùng quê Việt Nam, với ý muốn mang cả quê hương sang đây, Thảo tìm từng một hũ chao khoai môn thơm nồng, từng gói bún gạo lức chánh hiệu “con nai vàng” với 100% nguyên liệu từ gạo, nấm hương rừng, một bịch bông so đũa khô để nấu canh chua cá hay xào thịt bò,… Ở đây có trà Oolong của Việt Nam, có muối tiêu rừng của vùng Tây Bắc – Lạng Sơn rất lạ miệng, hay một gói gia vị nấu phở giúp cho nồi phở gia đình có một mùi vị đặc biệt,…

Với những món ăn đậm chất Huế, hay những thực phẩm khô mang dấu ấn vùng miền Việt Nam, chợ Đông Ba trở thành nơi tìm đến của những người thích tìm lại hương vị truyền thống. Bằng suy nghĩ nhạy bén, dám thay đổi, Thảo đã đưa chợ Đông Ba vượt qua đại dịch an toàn như thế.