Biden xác nhận Nga sử dụng tên lửa siêu thanh ở Ukraine

Phi cơ Nga Mig-31K mang tên lửa siêu thanh không đối đất Kinjal
Nghe đọc bài

Tổng thống Mỹ Joe Biden xác nhận rằng Nga đã sử dụng tên lửa siêu thanh trong cuộc xâm lược Ukraine.

“Và nếu quý vị để ý, Nga phóng tên lửa siêu thanh. Có một số lý do khiến họ sử dụng nó,” Tổng thống Mỹ Biden phát biểu.

“Ông Putin không lường trước được mức độ hoặc sức mạnh của sự đoàn kết của chúng ta, và khi bị dồn vào góc tường, thì ông ta gia tăng mức độ nghiêm trọng của các chiến thuật và võ khí mà ông ta có thể sử dụng.”

Biden đã phác thảo một loạt nguồn lực mà Mỹ đã triển khai cho Ukraine và các đồng minh NATO trong khu vực, nêu chi tiết khoản tài trợ 2 tỷ USD cho riêng NATO và các nguồn lực quân sự quan trọng cho Ukraine, điều mà ông nói đang “gây thiệt hại nặng nề cho quân đội Nga, cho dù đó là xe tăng, trực thăng hoặc máy bay của họ.”

Tổng thống lặp lại cảnh báo rằng không loại trừ khả năng Nga quyết định tấn công vũ khí hóa học ở Ukraine.

“Loại vũ khí đáng sợ”

Trong hai ngày 19 và 20/03/2022, chính quyền Nga tuyên bố hai lần sử dụng tên lửa siêu thanh Kinjal để tấn công vào hai “vị trí chiến lược” của quân đội Ukraine. Đây là lần đầu tiên Nga sử dụng loại vũ khí đáng sợ, mà hiện tại phương Tây chưa có phương tiện để ngăn chặn.

Sau hơn ba tuần lễ đầu sử dụng các vũ khí quy ước, chủ yếu với thiết giáp, hỏa tiễn thông thường, không quân, quân đội Nga chuyển sang loại vũ khí nằm ở ranh giới vũ khí thông thường – “vũ khí răn đe”, tức vũ khí có mức độ hủy diệt kinh hoàng, chỉ dùng để đe dọa đối phương chứ không để sử dụng.

Nếu như nhiều chuyên gia khẳng định việc Nga dùng tên lửa siêu thanh có tác động trước hết về tâm lý, gây sợ hãi, mất tinh thần là chính, một số khác lo ngại việc sử dụng loại vũ khí này có thể làm thay đổi ít nhiều cục diện, ít nhất cũng để ngỏ khả năng khiến cường độ cuộc chiến gia tăng, và nhiều diễn biến khó đoán.

Trong những năm gần đây, Nga được coi là đã đi trước một bước so với phương Tây trong việc phát triển tên lửa siêu thanh tầm ngắn và tầm trung, thứ vũ khí có thể cùng lúc mang đầu đạn thông thường và đầu đạn hạt nhân. Nga hiện sở hữu hai loại tên lửa siêu thanh, Zirkon và Kinjal. Zirkon có tầm bắn 1.000 km, được trang bị cho tàu chiến và tàu ngầm. Loại tên lửa Kinjal mà quân Nga cho biết vừa sử dụng, hiện được trang bị cho các chiến đấu cơ MIG-31.

Theo BFM TV, năm 2018, loại tên lửa Kinjal được thực nghiệm thành công, bắn trúng các mục tiêu ở khoảng cách hơn 1.000 cây số. Tên lửa siêu thanh này có tầm bắn đến 3.000 km, với vận tốc tối đa 12.000 km giờ.

Điểm đặc biệt đáng sợ khiến loại vũ khí tốc độ siêu nhanh này gần như không thể phát hiện và đánh chặn được, là tên lửa có thể đổi hướng bất ngờ, có thể bay ờ độ cao rất thấp, hoặc bay vọt lên rất cao, khiến các hệ thống radar trở nên gần như bất lực.