Bí thư Bình Định liều mạng, bảo kê nhà máy thép bằng mọi giá

Hồ Quốc Dũng
Nghe đọc bài

“Nên để chủ đầu tư và chuyên gia nói về kỹ thuật. Bí thư tỉnh đi xác nhận thay cho bên chủ đầu tư thì nghe hơi vướng!,” người dân nói.

“Tôi khẳng định việc triển khai dự án [nhà máy thép] Long Sơn, người dân cũng như địa phương chỉ có được chứ chẳng mất mát gì.”

Phát ngôn nêu trên của ông Hồ Quốc Dũng, bí thư Tỉnh Ủy Bình Định, được tờ Người Lao Động hôm 4 Tháng Sáu dẫn lại, thể hiện “sự quyết tâm” làm nhà máy thép Long Sơn của lãnh đạo tỉnh này.

Lời của ông Dũng được đưa ra trong bối cảnh người dân địa phương bày tỏ sự quan ngại về dự án Khu Liên Hợp Gang Thép Long Sơn và cảng chuyên dùng khi đi vào hoạt động sẽ hủy hoại bãi biển Lộ Diêu giống vụ Formosa.

Vài ngày trước, Bí Thư Dũng gây tranh cãi khi quả quyết trước người dân Lộ Diêu: “Nếu sau này làm nhà máy thép có mét khối nước thải nào đổ ra biển thì tôi sẽ chịu trách nhiệm.”

Trong cuộc phỏng vấn với báo Người Lao Động, ông Dũng trấn an: “Dự án sẽ sử dụng công nghệ tiên tiến nhất trên thế giới và quy trình khép kín nên hạn chế tối đa ảnh hưởng đến môi trường. Đặc biệt, nhà máy sẽ không xả giọt nước thải nào ra bên ngoài nên người dân không nên lo lắng về việc gây ô nhiễm cho vùng biển.”

Ông hứa hẹn rằng khi đi vào hoạt động, dự án Long Sơn “giải quyết việc làm cho hơn 7,500 người, trong đó 3,000 người ở giai đoạn một.”

Bên cạnh đó, ông nhấn mạnh vào các con số “hàng ngàn tỷ đồng” (hàng chục triệu đô la) mà nhà máy thép Long Sơn sẽ nộp cho ngân sách địa phương.

Ông Hồ Quốc Dũng cũng biện hộ cho sự cấp thiết phải có nhà máy thép Long Sơn vì theo lời ông, “miền Trung rất khắc nghiệt, nắng thì cháy da, còn mưa như trút nước. Nông nghiệp làm một sào ruộng, mỗi năm lãi chỉ 1.5 triệu đồng ($64). Nếu trồng cây keo, 1 hécta thì năm năm lãi 20 triệu đồng ($851), nuôi heo là giá cả bấp bênh…”

Bên dưới bài báo, một độc giả của báo Người Lao Động bình luận: “Nên để chủ đầu tư và chuyên gia nói về kỹ thuật. Bí thư tỉnh đi xác nhận thay cho bên chủ đầu tư thì nghe hơi vướng!”

Độc giả “Chan” để lại ý kiến: “Nếu tỉnh Bình Định quyết tâm thực hiện dự án nhà máy thép Long Sơn, khi nhà máy đi vào hoạt động và xả thải ra môi trường gây ô nhiễm, thì khi ấy ông đã về hưu lấy gì để chịu trách nhiệm? Giống như Formosa, ông Võ Kim Cự [cựu bí thư Hà Tĩnh] bị xử lý đến đâu?”

(Theo Người Việt)