Bản án nhẹ hều cho Trương Quốc Cường ‘thuận ý Đảng, nghịch lòng dân’

Bản án 4 năm tù dành cho ông Trương Quốc Cường, cựu thứ trưởng Y tế CSVN, bị công luận cho rằng "quá nhẹ"
Nghe đọc bài

Dư luận cộng đồng mạng sôi sục căm phẫn vì bản án nhẹ như lông hồng đầy tình cảm thương yêu của cả Viện Kiểm sát và tòa dành cho tên tội phạm từng là thứ trưởng ngành Y.

Sau bảy năm phát hiện, điều tra về tội ác tài trời cấp giấy phép để nhập và cho tiêu thụ trong bệnh viện gần một triệu hộp thuốc trị ung thư giả, can phạm Trương Quốc Cường vẫn đường hoàng thăng tiến từ cục trưởng lên thứ trưởng Bộ Y tế. Mãi đến sau khi công an khởi tố, Đảng mới ra tay kỷ luật, Bộ Y tế mới cách chức ông này.

Lẽ ra phải là đồng phạm trong vụ án buôn bán hàng giả là thuốc trị bệnh mà khung hình phạt cao nhất là tử hình, Trương Quốc Cường và các quan chức đàn em lại được Đảng cho tách ra xử riêng với tội danh nhẹ nhàng là “thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”.

Bản án “tình cảm” chỉ 4 năm tù dành cho y thuận theo ý Đảng nhưng lòng dân thì phẫn nộ. Tiến trình tố tụng và bản án như cố ý tuyên cáo với nhân dân rằng pháp luật chỉ là để trị dân và bảo kê cho quan chức đến cùng, dù có tham nhũng, giết người cũng chỉ bị xử phạt “nhẹ nhàng, tình cảm”.

Dù phiên tòa xử Trương Quốc Cường và đồng bọn diễn ra trong lúc có nhiều sự kiện lớn chi phối như chiến sự Nga xâm lược Ukraine, chuyến đi Mỹ đình đám “mẹ nó, sợ gì” của Thủ tướng Phạm Minh Chính, SEA Games chi phối, nhưng dư luận cộng đồng mạng vẫn sôi sục căm phẫn vì bản án nhẹ như lông hồng đầy tình cảm thương yêu của cả Viện Kiểm sát và tòa dành cho tên tội phạm từng là thứ trưởng ngành Y.

Nền công lý này phục vụ cho ai?

Giáo sư, Viện sĩ Nguyễn Văn Tuấn, người hết lòng đau đáu với đất nước  Việt Nam, vừa hoàn tất chương trình giảng dạy ở Việt Nam đã bình trên Facebook: “Biết rằng công lý ở đâu cũng không hoàn hảo, nhưng những khác biệt về mức phạt ở Việt Nam làm cho người bàng quan nhứt cũng thấy khó giải thích, và phải hỏi rằng nền công lý này phục vụ cho ai.”

Nhà giáo, Tiến sĩ Chu Mộng Long đi sâu vào hậu quả nghiêm trọng của hành vi  tội phạm mà các cơ quan tố tụng không hề xem xét đến.

“Nhập chất độc đầu độc con người, nhập thuốc giả chữa bệnh làm cho người bệnh chết nhanh hơn, tội ác đó ngang hàng tội diệt chủng! Cứ đến các bệnh viện ung bướu mà xem, bệnh nhân nằm la liệt dưới gầm giường, hành lang, và cứ nhìn vào đời sống của người dân, nguy cơ ung thư đứng hàng đầu thế giới, đủ thấy tội ác của kẻ đứng đầu cái ngành chăm sóc sức khỏe cho toàn dân!

Ông Trương Quốc Cường được ưu ái dùng một cái áo trắng để che mặt và che còng tay khi ra tòa

Việt Nam có điều luật lạ lùng: “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” với khung hình phạt nhẹ hơn ăn cắp cái bánh mì hay con vịt.

…Trong khi với tội ác được phân tích trên kia, cùng với thứ lương tâm chỉ biết cho mình và cho gia đình thì có xử mức cao nhất cũng không hết tội.

Ông cựu thứ trưởng nên nhớ rằng, không có kẻ đứng đầu làm quỷ thì không con ma nào dám lộng hành. Tội “thiếu trách nhiệm” của ông phải nặng hơn tội của đồng bọn”

Dư luận càng phẫn uất hơn trước những lời trí trá, xin giảm án của Trương Quốc Cường cho rằng do “không may phạm tội”, do công việc quá nhiều, cơ sở vật chất thiếu thốn. Cường trâng tráo đề nghị “ xin quý tòa xem xét mọi khía cạnh, điều kiện sao cho bị cáo có mức án không mang thêm đau khổ cho bị cáo, gia đình bị cáo”.  

Facebooker Thanh Hằng chỉ ra một thiếu sót chết người trong vụ án này không chỉ của Trương Quốc Cường mà còn của cả các cơ quan tố tụng, trong việc xem xét đánh giá về hậu quả của việc đã buôn bán và tiêu thụ hết sạch gần một triệu hộp thuốc trị ung thư giả.

“Tôi thật ngạc nhiên khi qua báo chí tường thuật, không hề thấy hai từ “xin lỗi” trong lời nói cuối cùng của anh. Mà theo tôi, lẽ ra anh cần phải xin lỗi nhân dân, xin lỗi đồng nghiệp đã vì anh mà vướng vòng lao lý, đặc biệt là xin lỗi những người bệnh ung thư đã dùng phải thuốc giả mà anh ký duyệt cho nhập, những 838.100 hộp thuốc giả – một con số không hề nhỏ.

Ngành y tế và Bảo hiểm Xã hội Việt Nam cũng nên có một khảo sát ở những bệnh viện đã dùng số thuốc giả, để biết có bao nhiêu bệnh nhân phải dùng thuốc này, số người bệnh đã dùng thuốc giả còn hay đã mất… Từ đó mới đánh giá được hậu quả của việc buôn bán thuốc giả.

Một vi phạm liên quan đến tính mạng, sức khoẻ của hàng ngàn, thậm chí, hàng chục ngàn người bệnh, nhưng anh Cường nói là “không may”. Ôi, thế thì những bệnh nhân ung thư chết vì điều trị bằng số thuốc giả do anh cho nhập, rồi biết giả mà không thu hồi, cũng chỉ là “không may” thôi ư? Gia đình những bệnh nhân này, khi biết người nhà chết vì liên quan đến thuốc giả, có đồng ý với anh không?”

(Theo RFA)