Bà thẩm phán di trú gốc Việt thắng $4.56 triệu của ‘Squid Game’

Bà Mai Whelan
Nghe đọc bài

Mai Whelan nói mình sinh ra ở Việt Nam, “hình như đó gọi là Chợ Lớn.” Bà rời Việt Nam năm 1975, lúc 8 tuổi. Cuộc đời của bà thay đổi trong “một cái chớp mắt.” Trong tập thứ bảy của gameshow, bà kể lại một chi tiết mà bà nói rằng “không bao giờ quên trong đời.”

Mai Whelan, 55 tuổi, một thuyền nhân gốc Việt, cựu quân nhân Hải Quân Hoa Kỳ, hiện là thẩm phán di trú ở Fairfax, Virginia, vượt qua 455 người chơi, giành được giải thưởng trị giá $4.56 triệu ở vòng thi quyết định thứ mười “Oẳn Tù Tì” (Rock, Paper, Scissors) của gameshow thực tế “Squid Game: The Challenge” do Netflix tổ chức.

“Squid Game: The Challenge” là gameshow truyền hình thực tế gồm 10 tập do Netflix tổ chức, dựa theo cuốn phim “Squid Game” của Nam Hàn từng “làm mưa làm gió” màn ảnh nhỏ năm 2021.

Điểm khác biệt lớn nhất của gameshow so với cuốn phim đó là người thua cuộc chỉ rời cuộc chơi, không phải mất mạng. Còn lại, từ trang phục người chơi, số người chơi, trang phục, cách bố trí phim trường, cho đến tinh thần cuộc chơi, mô phỏng khá sát sao với phim “Squid Game.”

Để khoác lên bộ áo màu xanh lá và mang một số báo danh, 456 người chơi phải vượt qua rất nhiều thử thách, về sức khỏe lẫn tinh thần của 10 trò chơi (game).

Họ tập trung suốt 17 ngày đêm, cùng ở tập thể trong phim trường Wharf Studios, London, Anh. Máy ghi hình mở suốt 24/24. Cuối cùng, chiếc thẻ ngân hàng trị giá $4.56 triệu đã thuộc về bà Mai Whelan, người Châu Á và là người gốc Việt duy nhất của trò chơi.

Người phụ nữ trong chiếc áo len màu thiên thanh, dáng vẻ thanh lịch, mái tóc hợp thời trang, đôi mắt tinh anh phản chiếu qua cặp kính, xuất hiện trên màn hình Zoom rất đúng giờ hẹn với phóng viên nhật báo Người Việt.

Dù biết đây là bà Mai Whelan, tôi vẫn bất ngờ trước hình ảnh hiện tại này, hoàn toàn trái với người chơi mang số 287 trong suốt 10 tập của gameshow “Squid Game: The Challenge.”

“Chúng tôi không được mang bộ áo đó về,” bà Mai trả lời, khi tôi tò mò hỏi bà hiện đang cất bộ áo kỷ niệm ấy ở đâu.

Là phụ nữ gốc Á duy nhất trong cuộc chơi, cảm giác của bà là vẫn “thấy mình mạnh mẽ, có thể vượt qua mọi thứ.”

“Tôi không cảm thấy như là phụ nữ đối chọi với đàn ông. Tôi chỉ cảm thấy rằng với sự kiên trì và bền bỉ, tôi có thể trở thành một người như tôi hôm nay. Tôi không đặt mình là phụ nữ hay Á Châu, mà chỉ là vấn đề cá nhân mà mỗi người vượt qua khi tham gia trò chơi, đó là tâm lý và thể chất để tôi có thể đạt đến vòng cuối cùng,” bà chia sẻ.

Khi tôi hỏi động lực để bà trở thành “287” của ngày hôm nay? Bà trả lời rất nhanh: “Đó là thử thách chính bản thân của mình.”

“Tôi ghi danh gameshow vì gia đình của tôi tin rằng tôi có thể làm được, có thể chấp nhận những thử thách. Tôi thích chơi game, thích thử thách bản thân, thích những cuộc thi đấu. Mỗi khi gia đình của tôi cùng chơi cờ, tôi rất ‘háo thắng,’ con gái và cháu gái của tôi cũng thế. Rất thú vị. Nên tôi tham dự, mặc dù căng thẳng diễn ra suốt thời gian chơi của gameshow, nhưng tôi thích thú hưởng ứng từng phút, và cố gắng làm tốt nhất tôi có thể,” bà kể.

Kể nhanh về cuộc đời mình, bà nói mình sinh ra ở Việt Nam, “hình như đó gọi là Chợ Lớn.” Bà rời Việt Nam năm 1975, lúc 8 tuổi. Cuộc đời của bà thay đổi trong “một cái chớp mắt.” Trong tập thứ bảy của gameshow, bà kể lại một chi tiết mà bà nói rằng “không bao giờ quên trong đời.”

“Những người chạy nạn nằm rạp xuống trên một cánh đồng. Tôi tò mò, muốn biết bom đạn đến từ đâu. Tôi nhổm người dậy, một sĩ quan chĩa súng vào thái dương của tôi vì nghĩ tôi có thể mang đến nguy hiểm. Mẹ tôi kịp kéo tôi nằm sát xuống. Trong tích tắc cuộc sống của tôi có thể đã chấm dứt. Và cũng chính khoảnh khắc đó đã dạy cho tôi phải thật dũng cảm,” bà nhớ lại.

Trong suốt 10 tập của “Squid Game: The Challenge,” hình ảnh người chơi mang số 287 luôn là người phụ nữ đầy nội lực, kiên cường, bình tĩnh, đôi khi bình tĩnh đến lạnh lùng.

Không phải nghi ngờ gì với những bản chất ấy từ một người từng đối diện với cái chết trong chớp mắt, gia nhập Hải Quân Hoa Kỳ năm 18 tuổi và có 20 năm phục vụ, hiện đang là thẩm phán di trú (immigration adjudicator.) Tôi hỏi bà liệu có một tính cách nào ở mình mà bà chỉ phát hiện ra khi tham gia trò chơi Squid Game không?

Bà trả lời: “Tôi nghĩ tính cách của tôi là kiên cường, quyết tâm và chính trực. Tôi không muốn đi lòng vòng vì tôi muốn bảo đảm rằng mình có thể vượt qua bất cứ điều gì cản đường mình. Phần lớn trong cuộc chơi là nỗi sợ hãi. Nhưng sau đó, tôi giải thoát nỗi sợ hãi của mình bằng cách khóc rất nhiều vì tôi nghĩ rằng khóc sẽ giúp ích cho quyết định của tôi, bởi vì nó khiến tôi phải nhìn lại, suy định lại mình đang làm gì? Tôi làm điều đó đúng, hoặc tôi sẽ không làm điều sai. Vì vậy, tôi ‘ngoái đầu nhìn lại,’ để làm điều đúng hoặc phải làm gì để tránh sai lầm.”

(Theo Người Việt)