5 chỉ huy Azov về Ukraine từ Thổ Nhĩ Kỳ

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky (giữa) cùng các chỉ huy tiểu đoàn Azov trên chuyến bay từ Thổ Nhĩ Kỳ về Ukraine ngày 8/7
Nghe đọc bài

“Về mặt quân sự, động thái này không quan trọng, nhưng về mặt ngoại giao và chính trị, đó là một chiến thắng to lớn với Ukraine”, một chuyên gia nhận định.

Cuộc trở về từ Thổ Nhĩ Kỳ của 5 chỉ huy tiểu đoàn Azov được cho là sẽ giúp nâng cao tinh thần binh sĩ, đồng thời củng cố uy tín cho Tổng thống Ukraine.

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky hôm 8/7 đăng trên Twitter video ông đứng chờ trên đường băng tại sân bay Istanbul khi một đoàn xe tiến đến.

Khi 5 hành khách bước xuống xe, lãnh đạo Ukraine chào đón từng người bằng một cái bắt tay thật chặt và cái ôm thân thiện. Có thể cảm nhận rõ niềm hạnh phúc trên gương mặt ông.

“Chúng tôi đang từ Thổ Nhĩ Kỳ trở về nhà và đưa các anh hùng của chúng ta hồi hương”, Tổng thống Zelensky cho biết trong dòng tweet đăng kèm video.

“Về mặt quân sự, động thái này không quan trọng, nhưng về mặt ngoại giao và chính trị, đó là một chiến thắng to lớn với Ukraine”, Jeff Hawn, chuyên gia nghiên cứu xung đột từ Viện New Lines, trụ sở tại Washington, nhận xét. “Những người này được coi là biểu tượng kháng cự trước quân đội Nga và giờ họ đang trở về nhà”.

Denys Prokopenko, Svyatoslav Palamar, Serhiy Volynsky, Oleh Khomenko và Denys Shleha từng là chỉ huy tiểu đoàn Azov đã cầm cự tại nhà máy thép Azovstal của Mariupol trong hơn hai tháng, trước khi họ được lệnh đầu hàng hồi tháng 5/2022.

Theo thỏa thuận trao đổi tù nhân giữa Nga và Ukraine do Thổ Nhĩ Kỳ làm trung gian tháng 9 năm ngoái, các chỉ huy này không được phép về nước cho đến khi chiến sự kết thúc. Việc Ankara trao trả họ đã khiến Moscow nổi giận.

“Không ai thông báo cho chúng tôi. Theo điều khoản của thỏa thuận, những người này phải ở lại Thổ Nhĩ Kỳ cho đến khi cuộc xâm lược chấm dứt”, phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitry Peskov nói.

Trong khi đó, Viktor Bondarev, chủ tịch Ủy ban Quốc phòng và An ninh thuộc Thượng viện Nga, cho rằng đây là “cú đâm sau lưng” và là bước đi không thân thiện của Thổ Nhĩ Kỳ.