Xăng dầu tại Việt Nam khan hiếm vì lục đục nội bộ tại xưởng lọc Nghi Sơn

Xưởng lọc dầu Nghi Sơn tại tỉnh Thanh Hóa gần đây tính đóng cửa vì lục đục nội bộ trong liên doanh, làm thị trường xăng dầu trong nước lao đao.

Xưởng lọc dầu Nghi Sơn, liên doanh đa quốc gia tại tỉnh Thanh Hóa. (Hình: Tuổi Trẻ)
Nghe đọc bài

Thời gian gần đây, nhiều cây xăng tại Việt Nam đã phải tạm đóng cửa vì không có xăng để bán. Một trong những lý do là xưởng lọc Nghi Sơn không sản xuất tối đa công suất, có lúc chỉ khoảng 55%, dẫn đến thiếu “cục bộ” trên thị trường cả nước.

Đầu tư vào xưởng lọc Nghi Sơn, nước chủ nhà qua công ty quốc doanh Petro VietNam (PVN) chỉ góp 25.1% trong khi Nhật Bản (công ty Idemisui Kosan (35.1% và công ty Mitsui 4.7%) và Kuwait (35.1%) góp phần còn lại. Một trong những lý do nhà máy Nghi Sơn giảm sản xuất thay vì cung cấp khoảng một phần ba xăng dầu cho nhu cầu trong nước, là rắc rối tài chính. Nhà máy có thể lọc đến 200,000 thùng mỗi ngày.

Giữa Tháng Hai, nhà máy chuẩn bị đóng cửa thì nhà cầm quyền CSVN phải bơm thêm tiền để tránh cuộc khủng hoảng xăng dầu nghiêm trọng hơn, theo một số bản tin trên các báo trong nước.

Ngay như tờ Nhân Dân của đảng CSVN cũng nhảy vào mổ xẻ vấn đề. Báo này nhìn nhận, xưởng lọc chuẩn bị đóng cửa vì PVN không chịu góp tiền “bù lỗ” như cam kết của nhà cầm quyền CSVN khi thành lập liên doanh.

Báo tài chính Nhật Nikkei hôm Thứ Bảy, 5 Tháng Ba, chỉ nói một cách tế nhị là “Petro Vietnam và ba nhà đầu tư ngoại quốc có những ý kiến khác nhau, đặc biệt là về vấn đề tài chính và trả nợ, theo một nguồn tin trong ngành. Nguồn tin cho hay thêm là tập đoàn năng lượng quốc doanh Việt Nam đã không chịu góp phần tiền (trả nợ) vì kêu lãi suất không thuận lợi.”

Tổng số vốn đầu tư ban đầu vào dự án lọc hóa dầu Nghi Sơn là $9 tỷ và tiền phải đi vay là $5 tỷ trong đó 60% được Ngân Hàng Hợp Tác Quốc Tế của Nhật Bản tài trợ. Tuy được hưởng rất nhiều ưu đãi đầu tư từ phía nhà cầm quyền CSVN, sau 3 năm đi vào hoạt động sản xuất, báo chí nhà nước tiết lộ rằng xưởng lọc Nghi Sơn “lỗ lũy kế” $3.3 tỷ trong khi tiền mua dầu thô nợ chưa trả cũng tới $2.8 tỷ.

Vào lúc này, giá dầu thế giới tăng vọt, nhà máy lọc dầu có thể kiếm lời lớn nhờ đã ký hợp đồng mua từ lâu với giá thấp. Nhưng xưởng lọc Nghi Sơn lại kẹt tiền trong các lủng củng nội bộ nên thay vì tăng năng xuất để kiếm lời lớn, do ảnh hưởng từ cuộc chiến Nga-Ukraine, lại giảm sản suất, thậm chí chuẩn bị đóng cửa.

Lễ khởi công xây dựng xưởng lọc dầu Nghi Sơn tại tỉnh Thanh Hóa năm 2008. (Hình: Hoang Dinh Nam/AFP/Getty Images)

Nikkei dẫn lời kêu ca của nguồn cung cấp thông tin đổ tội cho phía Hà Nội là “Họ không lợi dụng cơ hội tốt (để kiếm lời), trong khi sự không tin tưởng giữa các đối tác lại gia tăng.”

Theo thỏa hiệp thành lập liên doanh, xưởng lọc hóa dầu Nghi Sơn được ưu đãi với thuế doanh nghiệp 10% trong 70 năm. Nếu thuế suất áp dụng trên thị trường thấp hơn thuế ưu đãi, liên doanh phải được “cấp bù” từ tiền của PVN. Bên cạnh đó là được miễn thuế thu nhập doanh nghiệp bốn năm; PVN “bao tiêu” sản phẩm của Nghi Sơn 15 năm “với giá mua buôn tương đương nhập khẩu.”

Theo tờ Nhân Dân, PVN đang “đàm phán với các bên góp vốn nước ngoài về nội dung tái cấu trúc tổng thể lọc dầu Nghi Sơn.”