Vụ trưởng Văn phòng Chính phủ bị bắt vì dính vụ ‘bay giải cứu’

Nguyễn Thanh Hải, Vụ trưởng Vụ Quan hệ quốc tế, Văn phòng Chính phủ
Nghe đọc bài

Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Tô Anh Dũng là quan chức cấp cao nhất bị khởi tố cho đến nay. Ông Dũng bị điều tra về tội nhận hối lộ.

Thêm một quan chức của Vụ Quan hệ Quốc tế thuộc Văn phòng Chính phủ CSVN bị bắt giam để điều tra tội nhận hối lộ liên quan đến vụ án “chuyến bay giải cứu” gây rúng động công luận Việt Nam trong thời gian qua, với hàng chục lãnh đạo và nhân viên của nhiều bộ đã bị khởi tố và bắt giữ.

Trung tướng Tô Ân Xô, chánh văn phòng kiêm người phát ngôn Bộ Công an, hôm 20/9 cho biết Cơ quan an ninh điều tra đã khởi tố và bắt tạm giam ông Nguyễn Thanh Hải, vụ trưởng Vụ Quan hệ quốc tế. Ông Xô cho biết vụ bắt giữ mới nhất này nằm trong việc mở rộng điều tra vụ án “đưa hối lộ, nhận hối lộ” xảy ra tại Cục Lãnh sự của Bộ Ngoại giao.

Trước đó, hai chuyên viên của Vụ Quan hệ Quốc tế là bà Nguyễn Mai Anh và ông Nguyễn Tiến Thân cũng đã bị bắt, lần lượt vào tháng 7 và tháng 8, vì liên quan đến vụ án. Ông Hải và ông Tiến bị cáo buộc “nhận hối lộ” trong khi bà Mai Anh bị điều tra tội “lừa đạo chiếm đoạt tài sản”.

Vụ án được Bộ Công an khởi tố từ cuối tháng 1 và đến nay đã có gần 20 người bị khởi tố, bắt tạm giam, trong đó có nhiều quan chức của Bộ Ngoại giao, Bộ Y tế, Bộ Giao thông Vận tải và cả cựu lãnh đạo cùng cán bộ của Cục Quản lý xuất nhập cảnh Bộ Công an.

Theo truyền thông trong nước, điều tra ban đầu cho thấy các bị cáo đã lợi dụng việc xét duyệt cấp phép cho các công ty thực hiện chuyến bay đưa công dân Việt Nam từ ngước ngoài về nước, còn được gọi là “giải cứu”, nhằm trục lợi cá nhân với số tiền hối lộ lên đến hàng chục tỷ đồng và hàng trăm ngàn đô la.

Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Tô Anh Dũng là quan chức cấp cao nhất bị khởi tố cho đến nay. Ông Dũng bị điều tra về tội nhận hối lộ.

Theo Bộ Công an, có gần 2.000 chuyến bay “giải cứu” người Việt từ nước ngoài được thực hiện trong thời gian đại dịch COVID-19 và mỗi chuyến bay này, sau khi trừ chi phí, có lợi nhuận vài tỷ đồng.

Với một số lượng hạn chế các chuyến bay thương mại “hồi hương” được phép vào Việt Nam trong thời gian biên giới bị đóng cửa nghiêm ngặt, nhiều người Việt sinh sống ở nước ngoài bị kẹt giữa đại dịch đã phải trả số tiền lên đến cả trăm triệu đồng để được bay về Việt Nam. Cùng với đó, nhiều người đã phàn nàn về sự thiếu minh bạch, giá vé cắt cổ và quy trình lựa chọn cũng như thủ tục phức tạp của các chuyến bay này.

Vụ án đã khiến công luận ở Việt Nam và cả kiều bào ở nước ngoài phẫn nộ, khi họ cho rằng những quan chức này đã lợi dụng dịch bệnh tìm cách kiếm lợi cho bản thân ngay từ chính đồng bào của mình.

(Theo VOA)