Home Việt Nam Vụ Nguyễn Văn Chưởng ngã ngũ thế nào trong chế độ tập...

Vụ Nguyễn Văn Chưởng ngã ngũ thế nào trong chế độ tập quyền?

Cha tử tù Nguyễn Văn Chưởng miệt mài kêu oan cho con
Nghe đọc bài

Trong vụ tử tù Nguyễn Văn Chưởng, đây chính là trường hợp ‘giải pháp chính trị khó khăn’ với chế độ. Khi ‘đánh đồng’ ‘lợi ích cốt lõi và lương tâm’ của “chế độ” với của “xã hội” thì việc quyết định đưa ra trong bối cảnh trên nhiều khả năng là phương án ba, nghĩa là hoãn thi hành án, nhưng ân xá thì không!

Hành vi giết người luôn bị phán xét là nguy hiểm cho xã hội văn minh. Nhưng người bị hại, ở đây trong vụ án, là một sĩ quan cảnh sát khiến cho vụ việc trở nên nghiêm trọng không chỉ về đạo đức mà còn nghiêm trọng với chế độ. Bởi vì trong chế độ Đảng Cộng sản toàn trị xã hội bị phân chia bởi sự tương phản giữa “chúng ta” và “chúng nó”.

“Chúng ta” bao gồm những người của Đảng – Nhà nước, họ làm việc trong hệ thống chính trị, họ gọi nhau bằng “đồng chí” vì có cùng chí hướng, gắn kết và chung hành động vì giáo lý chủ nghĩa xã hội, được duy trì bởi chế độ biên chế và đặc quyền đặc lơi, trong đó lực lượng vũ trang nói chung và công an nói riêng là công cụ chuyên bảo vệ chế độ và tấn công ‘phản động’, tội phạm.

“Chúng nó” gồm số đông còn lại của xã hội, bị coi là ‘ngoài chế độ’, ngoài biên chế đảng – nhà nước. Khi một thành viên “chúng ta”, một viên sĩ quan cảnh sát trong vụ việc bị hại, cả chế độ sẽ ‘phản ứng’. Cả hệ thống chính trị vào cuộc, cơ quan hành pháp – công an điều tra, cơ quan tư pháp – viện kiểm sát, toà án truy tố và xét xử. Vụ việc nhanh chóng xử lý và kèm theo yếu tố ‘tăng nặng’. Dẫn chứng không hiếm khi theo dõi việc tòa xử các vụ việc tương tự.

Nhiều người ký thỉnh nguyện thư yêu cầu Võ Văn Thưởng hoãn tử hình Nguyễn Văn Chưởng

Trong bối cảnh xã hội dân sự không thể tồn tại trong lòng chế độ và nhà nước độc quyền trong lĩnh vực thông tin truyền thông, thì mạng xã hội đóng vai trò quan trọng ‘cung cấp’ tin tức đa chiều về vụ việc. Vụ án xảy ra 16 năm trước, năm 2007, và dường như đã ‘nguội’ đi, mọi ‘cánh cửa’ cứu xét oan sai đã bị khép lại.

Tuy nhiên, mạng xã hội đã ‘vào cuộc’ khi gia đình được thông báo nhận ‘xác’ hay ‘tro cốt’ tử tù vào đầu tháng 8/2023. Sự đồng cảm về nỗi đau đã lan truyền và làm lay động lương tâm của một số người. Một bức thư của tử tù, được giấu trong con rối ‘tự chế’ từ sợi bao gai, gửi về cho gia đình kể về hình phạt phải chịu đựng, cuộc phỏng vấn với người em trai tử tù về các nhân chứng cho ‘ngoại phạm’ đã bị ‘từ chối’ thế nào tại cơ quan cảnh sát điều tra thành phố Hải Phòng…

Tin về một cựu Đại biểu Quốc hội 14 nhắn tin và được phản hồi từ chủ tịch nước… Rồi, thỉnh nguyện tư, thư kiến nghị… Tiếng nói từ đại diện các tổ chức quốc tế… Khả năng xem xét lại vụ án từ những thay đổi luật pháp từ 2015… Tất cả tạo nên tia hy vọng được nhóm lên cho gia đình tử tù. Mặc dù, còn xa mới tạo ra ‘sức ép’ với chế độ nhưng mạng xã hội đã có tác dụng to lớn trong môi trường tính chuyên chế đã khiến nỗi sợ hãi trở thành một đặc điểm cơ bản của nền văn hóa!

Chế độ công khai, minh bạch và trách nhiệm giải trình luôn ‘thiếu vắng’ trong chế độ tập quyền. Trong môi trường văn hoá truyền thống và tư tưởng toàn trị bởi Đảng CS ở Việt Nam hình thức giải trình trách nhiệm của nhà cai trị đối với người dân vẫn mang nặng tính đạo đức. Chẳng hạn trong các vụ oan sai như hành vi ‘ép cung’, chết ‘bất ngờ’ trong đồn công an, thủ tục tố tụng hay ‘án bỏ túi’… có thể chỉ được coi là những ‘vấn đề’ nội bộ và xử lý trong tổ chức.

Giả sử có sai sót nghiệp vụ hay có chủ đích, nhưng nếu ‘lật lại’ vụ việc khác nào ‘vạch áo cho người xem lưng’, ‘xấu chàng hổ ai?’ và, vì vậy hãy ‘đóng cửa bảo nhau’. Dư luận đang ‘kêu gọi’ cựu thủ trưởng Cơ quan điều tra Công an Hải Phòng, người trực tiếp chỉ đạo vụ tử tù này, hãy ‘thức tỉnh’ lương tâm và lên tiếng vì công lý.

Về khía cạnh tâm lý con người luôn tồn tại vấn đề “tại sao phần đông luôn nghĩ họ đúng – ngay cả khi họ sai?” Quan điểm là tất cả, đặc biệt là khi xem xét niềm tin của họ. Là chế độ tập quyền, giới lãnh đạo toàn trị có xu hướng bảo vệ quan điểm của mình bằng mọi giá.

Tuy nhiên, việc giải trình trách nhiệm dường như có ‘biến chuyển’, chẳng hạn khi xét xử một số đại án, trong đó có nhiều quan chức sai phạm, ‘hư hỏng’ toà án đã buộc phải công khai trước công chúng để chứng tỏ cam kết ‘không vùng cấm’ trong chống vấn nạn tham nhũng tràn lan và nghiêm trọng hiện nay. Có lẽ, trong bối cảnh này mà vụ án tử tù Nguyễn Văn Chưởng có cơ hội nhỏ nhoi.

Nếu theo dõi các loại thư thỉnh cầu, các kiến nghị… trên mạng xã hội, thì địa chỉ người nhận trước tiên là chủ tịch nước với mong muốn với vị trí quyền lực ‘hiến định’ của mình sẽ đáp ứng ‘thỉnh cầu’ của người gửi. Về bản chất, các lãnh đạo, chỉ là những ‘mảnh ghép nổi bật’ của chế độ mà họ nguyện phục vụ, nhưng còn một yếu tố ảnh hưởng là tâm lý trong triết lý truyền thống văn hóa Á Đông. Việc luật pháp, thể chế hóa ở Việt Nam từ khi Đổi mới được thúc đẩy và yêu cầu phải hướng đến phục vụ chế độ, nhưng ngày càng có nhiều cơ hội phải cải cách để thích nghi với thị trường. Tuy nhiên, yếu tố tâm lý tôn sùng lãnh tụ vẫn ‘sâu nặng’ trong dân chúng.

Chẳng hạn, tâm lý ‘Vị vua anh minh’, theo văn hóa truyền thống biểu thị lợi ích cốt lõi và lương tâm của xã hội, vẫn còn ‘chỗ đứng’. Dưới chế độ phong kiến có quan niệm ‘thế thiên hành đạo’, nhưng với chế độ tập quyền hiện nay luật pháp có thể được áp dụng với đa số trường hợp và, hơn thế cấu trúc của nó vẫn cho phép duy trì một không gian đủ lớn cho các giải pháp chính trị khó khăn như trước nguy cơ bị xâm lăng hoặc sụp đổ chế độ.

Ngoài ra, khi là chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, ông ấy đã xin lỗi trước ‘quốc dân đồng bào’ vì sai lầm cải cách ruộng đất năm 1953.

Quay lại với vụ tử tù Nguyễn Văn Chưởng, đây chính là trường hợp ‘giải pháp chính trị khó khăn’ với chế độ. Khi ‘đánh đồng’ ‘lợi ích cốt lõi và lương tâm’ của “chế độ” với của “xã hội” thì việc quyết định đưa ra trong bối cảnh trên nhiều khả năng là phương án ba, nghĩa là hoãn thi hành án, nhưng ân xá thì không!

Phạm Quý Thọ 

Exit mobile version