Vũ khí Đức lên ngôi trước cường quốc Mỹ

Theo Defense News, cùng với việc tự chủ vũ khí và xuất khẩu xe chiến đấu tàng hình Lynx sang Mỹ cho thấy vũ khí Đức đang ngày càng lên ngôi.

Nhận định được chuyên trang quốc phòng Mỹ đưa ra khi nhìn vào chiến lược phát triển, trang bị và xuất khẩu vũ khí của Đức trong những năm gần đây cho thấy, vũ khí Mỹ bắt đầu giảm hiện diện không chỉ tại Đức.

Hiện nay, chi nhánh tại Đức của MBDA Missile Systems đã cơ bản kết thúc quá trình thử nghiệm đối với tên lửa Enforcer. Trong quá trình thử nghiệm, Enforcer đã cho thấy đây là vũ khí tấn công có độ chính xác cao, có thể thực hiện cho nhiều nhiệm vụ khác nhau.

“Trong các bài bắn thử nghiệm ở khoảng cách 1.000, 1.500 và 2.000m, nguyên mẫu tên lửa Enforcer đều bắn trúng mục tiêu với sai số ở mức tối thiểu. Sự tin cậy và đa năng của tên lửa này đã chứng minh hơn hẳn Javelin của Mỹ trong khi nhỏ và nhẹ hơn đáng kể”, MBDA cho biết.

Nói về cấu tạo của tên lửa mới này, nhà sản xuất cho biết, Enforcer được đặt trong khoang chứa hình vuông làm từ sợi các-bon sử dụng một lần. Toàn bộ thiết bị ngắm bắn đều được gắn ngoài để thuận tiện cho việc tháo lắp sau mỗi phát bắn. Trọng lượng của tổ hợp tên lửa Enforcer với hai đạn khoảng hơn 25kg, trong đó mỗi đạn tên lửa nặng 7kg.

Được thiết kế với đầu dò quang-hồng ngoại, tên lửa Enforcer được lắp đặt đầu đạn đa nhiệm để thực hiện nhiệm vụ diệt lực lượng thiết giáp hoặc sinh lực địch. Theo kế hoạch, MBDA Enforcer sẽ gia nhập các đơn vị chiến đấu của quân đội Đức vào năm 2024.

Trước khi công khai việc thử nghiệm và kế hoạch trang bị tên lửa Enforcer, Bộ Quốc phòng Đức vừa công bố kế hoạch mua sắm vũ khí có trị giá lên đến 130 tỷ euro, trong đó phần lớn là vũ khí Đức tự sản xuất.

Theo đó, đến trước năm 2030, chi phí quốc phòng của Đức tăng bình quân hàng năm 8,6 tỷ euro, còn trước đây chỉ tăng bình quân/năm là 4,7 tỷ euro.

Chương trình mua sắm vũ khí trong bản kế hoạch này chủ yếu là tăng mua vũ khí lục quân như: Hiện nay có 225 xe tăng chủ lực Leopard 2 sẽ được tăng lên 320 chiếc; 217 chiếc xe trinh sát Fennek sẽ tăng lên 248 chiếc;

xe bọc giáp chở quân Boxer từ 272 chiếc được tăng lên 402 chiếc; pháo phóng lựu tự hành 155mm PzH 2000 từ 89 khẩu sẽ được nâng lên 101 khẩu. Ngoài ra, 192 chiếc xe bộ binh SPz Marder hiện có sẽ được tăng thêm 342 chiếc xe bộ binh Cougar.

Được biết, gần như tất cả trong số vũ khí mua sắm lần này của Bộ Quốc phòng Đức đều do nước này sản xuất. Ngoài việc mua sắm vũ khí mới, khoản ngân sách nói trên còn được Quân đội Đức dùng để sửa chữa và nâng cấp vũ khí đang sử dụng.

Ngay khi bản kế hoạch mua sắm này được khai, tờ Der Spiegel của Đức đã nhận định đây là sự trỗi dậy của vũ khí nội trong chính quân đội nước này, đặc biệt là việc loại F-35 khỏi chương trình mua sắm và ưu tiên cho phát triển máy bay thế hệ 6 trong nước.

Cũng theo tờ báo này, trước đó, chính phủ Đức cũng đã quyết định chi 6 tỉ euro nâng cấp hệ thống vũ khí đang xuống cấp. Der Spiegel dẫn lời người đại diện Bộ Quốc phòng Đức cho biết: “Chúng tôi sẽ đầu tư 6 tỉ euro trong vòng 7 đến 8 năm tới, nhằm cải thiện trong các hệ thống vũ khí và thiết bị quân sự”.

Ngay từ năm 2015, Chính phủ Đức quyết định mua hệ thống phòng không tầm trung hiện đại MEADS do công ty MBDA của Đức và Italia cùng Lockheed Martin (Mỹ) hợp tác phát triển. Bản hợp đồng có tổng giá trị khoảng 4,5 tỷ USD.

Nói về quyết định mua sắm này, Bộ Quốc phòng Đức cho biết, mua sắm hệ thống MEADS để thay thế hệ thống phòng không Hawk và Patriot do Mỹ sản xuất đang có trong trang bị của lực lượng phòng không Đức.

Ngoài ra, Đức cũng đưa vào trang bị hệ thống phòng không tầm ngắn LeFlaSys (ASRAD) – sản phẩm do Công ty Krauss-MAFFEI Wegmann (Đức) phát triển. ASRAD được trang bị các tên lửa Stinger với đầu tự dẫn hồng ngoại được sử dụng như là vũ khí tiêu diệt chính của tổ hợp LeFlaSys. Ngoài ra, tổ hợp có thể sử dụng các loại tên lửa Igla-1, Igal, Mistral.

Cơ số đạn tên lửa bổ sung được dùng để nạp lại ở chế độ nạp bằng tay có thể bố trí trong xe chiến đấu. Kíp chiến đấu bắn mục tiêu ở trong cabin hoặc ở vị trí ẩn nấp bằng cách sử dụng thiết bị điều khiển từ xa.

Tổ hợp tên lửa phòng không tự hành ASRAD dùng để yểm trợ cho các sở chỉ huy, các đầu mối liên lạc, căn cứ không quân và các đơn vị bộ đội khi hành quân và trên chiến trường trước các cuộc tấn công của máy bay và trực thăng hoạt động tầm thấp và cực thấp.

Theo Trithuccuocsong