Vũ khí ‘cực phẩm’ của Trung Quốc liên tục dính tai tiếng: Cái giá của thói sao chép và chiêu trò lươn lẹo?

Doanh thu và cả danh tiếng của loại vũ khí mà gã khổng lồ châu Á này khoe mẽ là "cực phẩm" đang sụt giảm không thương tiếc.

Trong nhiều tháng qua, các khách hàng nước ngoài đã miễn cưỡng gia hạn hợp đồng hiện có hoặc miễn cưỡng mua máy bay chiến đấu không người lái (UAV) CH-4B của Trung Quốc. Động thái đó khiến doanh thu và cả danh tiếng của loại vũ khí này sụt giảm mạnh.

Đây là những tin không hề tốt lành cho Bắc Kinh, nhất là vào thời điểm nước này đang cạnh tranh gay gắt với Mỹ và Nga trên con đường đầy tham vọng: Trở thành một trong những nhà cung cấp vũ khí quân sự quốc phòng hàng đầu trên thế giới.

JORDAN SỐT RUỘT BÁN THÁO HÀNG TRUNG QUỐC

Theo các báo cáo mới nhất, Jordan đã quyết định bán bớt một số UAV CH-4B do Trung Quốc sản xuất dù mới mua chúng chỉ hai năm. Các nguồn tin cho hay, nguyên nhân được cho là do Jordan không hài lòng với hiệu suất hoạt động của loại máy bay không người lái này và đang tìm cách loại bỏ chúng.

Jordan đã mua 6 máy bay không người lái CH-4, gần giống với mẫu Predator đời đầu, từ Trung Quốc vào năm 2016 sau khi không thể mua được mẫu MQ-1 của Mỹ do chính quyền Tổng thống Mỹ Barack Obama từ chối. Giờ đây, quốc gia Ả Rập này đang có kế hoạch bán bớt các UAV của Trung Quốc.

Lực lượng Hoàng gia Jordan chưa nêu lý do cụ thể của việc quyết định bán CH-4B nhưng một đại diện quân đội nước này cho biết: “Quyết định đã được đưa ra nhằm tái cơ cấu lực lượng không quân và giảm biên chế để hoạt động hiệu quả hơn – xây dựng một cấu hình chung, dễ dàng duy trì các hoạt động hơn”.

Vũ khí cực phẩm của Trung Quốc liên tục dính tai tiếng: Cái giá của thói sao chép và chiêu trò lươn lẹo? - Ảnh 1.

Máy bay không người lái (UAV) CH-4B của Trung Quốc.

Trước đó, trong năm 2020, tạp chí quốc phòng Janes cho biết Iraq đang gặp khó khăn trong việc duy trì hoạt động của các máy bay CH-4 mua từ Trung Quốc. Tạp chí này trích dẫn báo cáo đánh giá của tổng thanh tra Mỹ về Lực lượng đặc nhiệm chung hỗn hợp – Chiến dịch Giải quyết tận gốc (CJTF-OIR) cho biết, Iraq đã mua hơn 10 chiếc CH-4, nhưng chỉ có một chiếc hoàn toàn đủ khả năng thực hiện nhiệm vụ do các vấn đề liên quan đến bảo trì.

CH-4 là sản phẩm “con cưng” của China Aerospace Long-March International thuộc Tập đoàn Khoa học và Công nghệ Hàng không Vũ trụ Trung Quốc (CASC). Mẫu máy bay này lần đầu tiên lộ diện tại Triển lãm hàng không Chu Hải 2012.

Máy bay không người lái CH-3 và CH-4 về cơ bản là “phiên bản Trung Quốc” của các dòng Predator và Reaper của Mỹ, với các khả năng tương tự. Chúng có mức giá khoảng 4 triệu USD.

UAV Trung Quốc có thể mang theo tên lửa không đối đất dẫn đường bằng laser Lan Jian 7 (Blue Arrow 7), bom dẫn đường bằng laser/INS/GPS TG100 và tên lửa chống tăng AR-1/HJ-10 do Trung Quốc chế tạo, với khả năng tương đương tên lửa Hellfire do Mỹ sản xuất.

CH-4 LIÊN TỤC GẶP NẠN Ở ALGERIA

Hồi năm 2012, Algeria đã thể hiện sự quan tâm đến CH-4. Video được chia sẻ trên mạng xã hội cho thấy Algeria vận hành máy bay không người lái CH-4 và UAV đã bị rơi do sự cố hạ cánh. Vào năm 2013, khi Trung Quốc bắt đầu thử nghiệm UAV của mình ở Algeria, nước chủ nhà đã phàn nàn về các vấn đề kiểm soát, đặc biệt là trong quá trình hạ cánh.

Ngoài ra, giới truyền thông ghi nhận, CH-4B từng gặp phải một vài tai nạn ở Algeria. Vụ tai nạn đầu tiên xảy ra gần căn cứ không quân Tindouf của Algeria vào năm 2013. Một năm sau đó, một vài vụ tai nạn khác đã được báo cáo gần căn cứ không quân Ain Oussera. Vào ngày 26/6/2020, một UAV CH-4B do Trung Quốc sản xuất đã bị rơi gần căn cứ không quân Bir Rogaa, miền đông Algeria.

Vũ khí cực phẩm của Trung Quốc liên tục dính tai tiếng: Cái giá của thói sao chép và chiêu trò lươn lẹo? - Ảnh 3.

Một chiếc UAV CH-4B của Trung Quốc sản xuất bị rơi gần căn cứ không quân Bir Rogaa, Đông Algeria vào ngày 26/6/2020.

Hiện vẫn chưa rõ liệu Algeria cuối cùng có mua những chiếc máy bay không người lái này từ Trung Quốc hay không. Nhưng thực tế rõ ràng cho thấy các đối tác nước ngoài dường như đang trở nên “lạnh nhạt” hơn với UAV Trung Quốc và điều này có thể trở thành vấn đề với Bắc Kinh, trong bối cảnh họ đang muốn cạnh tranh với Mỹ và Nga để trở thành một quốc gia xuất khẩu vũ khí quốc phòng lớn.

Bắc Kinh đã bán CH-4B cho nhiều quốc gia, bao gồm Nigeria, Jordan, Zambia, Iraq, Saudi Arabia, Ethiopia, Turkmenistan, Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất, Pakistan và Myanmar.

Trích dẫn các hình ảnh vệ tinh từ các cơ quan tình báo, tờ EurAsian Times cho biết, CH-4 đã có mặt ở tỉnh Punjab của Pakistan. Các UAV này được cho là đã được Pakistan triển khai như một phần của chương trình đào tạo. Theo báo cáo, Pakistan đã mua 5 chiếc CH-4 từ Trung Quốc vào đầu năm nay.

CH-4 CỦA TRUNG QUỐC BỊ ‘THẤT SỦNG’ VÌ NHIỀU LÝ DO

Theo tờ Eurasian Times, có nhiều lý do để một số đối tác nước ngoài tỏ ra không mặn mà vì với loại vũ khí mới này của Trung Quốc.

Một trong những lý do khiến các nước mất hứng thú với UAV của Trung Quốc có thể là do bản chất của các hợp đồng và thỏa thuận mà Trung Quốc đã ký kết. Một số quốc gia cho biết, Bắc Kinh thường cung cấp các biến thể UAV ở đời thấp hơn so với loại mà các khách hàng yêu cầu đã được quy định trong hợp đồng. Ngoài ra, các công ty Trung Quốc thường bị cáo buộc “có nhiều vấn đề” liên quan đến việc giao phụ tùng thay thế.

Vũ khí cực phẩm của Trung Quốc liên tục dính tai tiếng: Cái giá của thói sao chép và chiêu trò lươn lẹo? - Ảnh 4.

Một chiếc UAV MQ-1 Predator của Mỹ.

Bên cạnh đó, vấn đề chất lượng cũng được xem là một yếu tố khiến các nước dè chừng UAV Trung Quốc. Các sản phẩm của Bắc Kinh luôn có bị cáo buộc sao chép công nghệ nước ngoài, rồi sản xuất các sản phẩm rẻ hơn hoặc đôi khi kém chất lượng.

Ví dụ, Jordan – nước hiện muốn bán UAV của Trung Quốc – đang nỗ lực để thuyết phục Mỹ bán UAV của họ, loại máy bay có hệ thống cảm biến và vũ khí tốt hơn so với máy bay của Trung Quốc.’

Vấn đề quan trọng nhất đặt ra là theo các nguồn tin, CH-4B bị nghi là sản phẩm sao chép từ MQ-1 Predator của Mỹ. Nó giống MQ-1 Predator từ tầm cao tối đa, nhiệm vụ chức năng cho tới trang bị vũ khí.

Asia Times dẫn lời cựu Giám đốc Cơ quan An ninh Quốc gia Mỹ Keith Alexander, từng nghi ngờ về khả năng Trung Quốc có thể đã có được thiết kế và công nghệ máy bay không người lái của Mỹ thông qua hoạt động gián điệp mạng. Và từ đó, Trung Quốc tung ra CH-4B với giá rẻ hơn, nhằm đánh bật sản phẩm của Mỹ.

Nguồn Tin nóng