Vụ đầu độc Navalny: Nghị Viện Châu Âu kêu gọi trừng phạt Nga

Hôm qua, ngày 17/09/2020, Nghị Viện Châu Âu đề nghị Liên Hiệp Châu Âu nên có những biện pháp trừng phạt nghiêm ngặt đối với Nga trong vụ đầu độc nhà đối lập Alexei Navalny. Châu Âu tố cáo Matxcơva mưu toan ám sát nhà đối lập hòng bóp nghẹt các tiếng nói bất đồng.

Trong một nghị quyết không mang tính ràng buộc, Nghị Viện Châu Âu tuyên bố: “Các vụ ám sát chính trị và đầu độc tại Nga là những công cụ có hệ thống của chế độ chủ ý nhắm vào phe đối lập (…) Duy chỉ có các cơ sở quân sự và các cơ quan tình báo là được quyền tùy nghi sử dụng Novitchok”.

Nghị Viện Châu Âu cáo buộc rằng “mưu toan ám sát Navalny là một phần nỗ lực có hệ thống hòng dập tắt các tiếng nói phản đối và ngăn chận nhà đối lập cũng như nhiều tiếng nói bất đồng khác lên tiếng tố cáo tệ nạn tham nhũng nghiêm trọng của chế độ, đồng thời răn đe đối lập chính trị trên cả nước.” Do vậy, Nghị Viện ra nghị quyết yêu cầu Liên Hiệp Châu Âu thiết lập một danh sách các biện pháp trừng phạt nghiêm ngặt ngay khi có thể và siết chặt hơn nữa các trừng phạt hiện có nhắm vào Nga, đã được đưa ra sau vụ sáp nhập bán đảo Crimée của Ukraina và vụ đầu độc Serguei Skripal tại Anh năm 2018.

Matxcơva ngày hôm qua cũng đã có phản ứng mạnh. Phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Nga, bà Maria Zakharova, cảnh báo “mọi ý đồ đưa ra các trừng phạt nhân danh vụ Navalny sẽ được hiểu như là chống Nga”. Theo bộ Ngoại Giao Nga, “mục tiêu thật sự trong chiến dịch này của Liên Hiệp Châu Âu là nhằm tiếp tục thực thi chính sách phá hoại (…) chống lại đất nước Nga”.

Vụ Navalny: Tổ chức Cấm Vũ khí Hóa học vào cuộc

Còn theo hãng tin Reuters, những người thân cận của nhà đối lập Navalny ngày hôm qua cho biết tìm thấy dấu vết chất độc thần kinh Novitchok trong một chai nước tại khách sạn ở Tomsk, chứ không phải trong một tách trà ở sân bay như loan báo trước đây.

Vẫn theo hãng tin Anh, Tổ chức Cấm Vũ khí Hóa học (OPCW/OIAC) hôm qua thông báo cử chuyên gia đến lấy mẫu y sinh, theo yêu cầu hỗ trợ kỹ thuật từ phía Đức. Những mẫu xét nghiệm này sẽ được phân tích tại các phòng thí nghiệm do OIAC chỉ định.

Theo RFI