Vụ bắn nhầm rúng động của tên lửa Mỹ: Phi công điên cuồng gọi cứu viện, phá cả vũ khí tiền tỷ để thoát thân

Nghe đọc bài

“Những hệ thống tên lửa Patriot đã làm chúng tôi sợ hãi như bước vào địa ngục” – Một phi công F-16 cho biết.

Trong chiến dịch tấn công Iraq năm 2003 của Liên quân Mỹ – Anh, chính các hệ thống tên lửa phòng không Patriot của Mỹ mới là mối đe dọa nguy hiểm nhất đối với các phi công của Đồng minh, hơn là các hệ thống phòng không của Quân đội Iraq.

SỢ HÃI NHƯ BƯỚC VÀO ĐỊA NGỤC

Trong cuộc xâm lược Iraq mùa xuân năm 2003 của Mỹ và đồng minh, các khẩu đội tên lửa phòng không Patriot của Quân đội Mỹ đã tỏ ra “rất nguy hiểm” và cực kỳ không đáng tin cậy khi chúng có thể tự động khóa và phóng tên lửa vào máy bay “quân mình” bất cứ lúc nào.

Sự việc nghiêm trọng đến mức, giữa tên lửa Patriot và máy bay Đồng minh đã xảy ra một cuộc “nội chiến” ngắn ngủi, giữa các phe “quân ta”.

Trong cuốn sách chuyên khảo toàn diện về chiến tranh Iraq có tên “The Unseen War”, tác giả Benjamin Lambeth đã viết: “Nhiều phi công Đồng minh tin rằng, tên lửa Patriot gây ra mối đe dọa lớn hơn đối với họ so với bất kỳ hệ thống tên lửa đất đối không nào có trong biên chế của Quân đội Iraq khi đó”.

Vụ bắn nhầm rúng động của tên lửa Mỹ: Phi công điên cuồng gọi cứu viện, phá cả vũ khí tiền tỷ để thoát thân - Ảnh 1.

Hệ thống phòng không Patriot Mỹ khai hỏa (Ảnh minh họa)

Một phi công F-16 cho biết: “Những hệ thống tên lửa Patriot đã làm chúng tôi sợ hãi như bước vào địa ngục, khi tên lửa Patriot của Lục quân đã “bắn rơi” hai máy bay chiến đấu của Đồng minh, giết chết ba phi công, mặc dù các phi công đã cố gắng hết sức để tránh các khẩu đội Patriot đang kích hoạt. Thậm chí trong một trường hợp, phi công đã phải phóng tên lửa chống radar vào khẩu đội Patriot để tự vệ”.

Khi các tiểu đoàn thiết giáp của Mỹ và liên quân tràn vào Iraq vào tháng 3/2003, 62 đơn vị phòng không trang bị tên lửa Patriot đã bám sát theo phía sau họ, để bảo đảm phòng không bảo vệ đội hình chiến đấu ngay phía sau tiền tuyến.

Hệ thống tên lửa Patriot là vũ khí phòng không mặt đất chính của Quân đội Mỹ. Một hệ thống Patriot gồm một đài radar, một đài điều khiển (trên rơ-moóc kéo) một số bệ phóng (một bệ phóng có 4 ống phóng tên lửa); tất cả đều được lắp trên xe tải hạng nặng.

Tùy từng phiên bản nhưng tên lửa của hệ thống Patriot có thể bắn hạ các vật thể bay cách xa hàng trăm km, độ cao phòng không đến 30km. Một số phiên bản có thể đánh chặn tên lửa đạn đạo mặc dù các nhà phân tích quân sự đã đặt câu hỏi về tính hiệu quả của hệ thống Patriot trong vai trò này.

PHI CÔNG ĐIÊN CUỒNG GỌI CỨU VIỆN

Trong cuộc chiến tại Iraq năm 2003, đã có những sai sót nghiêm trọng  trong phần mềm của hệ thống Patriot. Do hệ thống sử dụng các thuật toán máy tính phức tạp, để đánh giá tốc độ và độ cao của mục tiêu và trong trường hợp là máy bay, sẽ có tín hiệu bộ hỏi đáp vô tuyến “địch – ta” của nó.

Nếu máy tính của hệ thống Patriot thấy khớp giữa mã máy bay và hệ thống Patriot là quân ta thì bỏ qua. Nếu không khớp, nó sẽ hiển thị mục tiêu là địch (có thể là máy bay hoặc tên lửa) trên màn hình của đài điều khiển.

Trong một số chế độ nhất định, hệ thống Patriot thậm chí có thể tự động kích hoạt phóng tên lửa và thực hiện cơ chế dẫn đường tự động, mà không cần có sự can thiệp của trắc thủ điều khiển.

Tuy nhiên máy tính điều khiển của hệ thống Patriot và bộ óc của con người không phải lúc nào cũng “sáng suốt” nên mới có chuyện “quân ta bắn nhầm quân mình”.

Vào ngày 23/3/2003, một khẩu đội Patriot đã bắn hạ một máy bay tiêm kích bom Tornado của Không quân Anh đang trở về Kuwait sau nhiệm vụ chiến đấu ở Iraq. Hai phi công xấu số đã không kịp bung dù thoát thân và đã thiệt mạng cùng chiếc Tornado xấu số.

Vụ bắn nhầm rúng động của tên lửa Mỹ: Phi công điên cuồng gọi cứu viện, phá cả vũ khí tiền tỷ để thoát thân - Ảnh 2.

Chiếc tiêm kích Tornado bị tên lửa Patriot bắn nhầm. Nguồn: CBS News

Lambeth viết: “Những suy đoán ban đầu cho rằng, sự cố “bắn nhầm” là do phi hành đoàn Tornado không trả lời đúng tín hiệu hỏi đáp “địch – ta” trước hệ thống phòng không Patriot”

Tín hiệu hỏi đáp “địch – ta” hay còn gọi là IFF (Identification Friend or Foe), đây là tín hiệu vô tuyến mà máy bay chiến đấu hoặc hệ thống phòng không phát ra, để nhận diện ta hay địch. Các hệ thống hỏi đáp “địch – ta” có cả phiên bản mã hóa và không mã hóa.

Theo Lambeth, người Anh đã đổ lỗi cho hệ thống hỏi đáp “địch – ta” của hệ thống Patriot bị trục trặc nhưng một “nguồn tin không chính thức” cho rằng, hệ thống Patriot đã không nhận biết được chiếc tiêm kích bom Tornado là máy bay ta, mà xác định nhầm là tên lửa của Iraq, do vậy đã xảy ra trường hợp đáng tiếc.

Trong mọi trường hợp, hệ thống Patriot nhanh chóng chứng tỏ một mối đe dọa khủng khiếp. Lambeth viết: “Các phi công chiến đấu của quân Đồng minh, đã trải qua một mức độ căng thẳng, khi họ phải hoạt động trong vùng được bảo vệ của hệ thống Patriot”.

Lambeth miêu tả: “Rất nhiều trường hợp máy bay Đồng minh bị radar của hệ thống Patriot khóa chặt đã buộc phải bỏ máy bay, thậm chí là tấn công phá hủy hệ thống hoặc gọi điên cuồng đến máy bay AWACS, để yêu cầu hệ thống Patriot phá khóa”.

Vụ bắn nhầm rúng động của tên lửa Mỹ: Phi công điên cuồng gọi cứu viện, phá cả vũ khí tiền tỷ để thoát thân - Ảnh 3.

Phi công F-16 đã phải bắn tên lửa phá hủy radar của hệ thống Patriot để thoát thân (Ảnh minh họa. Nguồn: Good Fon)

Các phi công của Không quân Mỹ nhanh chóng mất kiên nhẫn với các hệ thống Patriot. Chỉ một ngày sau khi chiếc Tornado của Anh bị bắn hạ, một phi công F-16 của Không quân Mỹ, khi đang bay trên An Najaf ở Iraq, thì bị radar Patriot phát hiện và khóa chặt.

Phi công F-16 đã buộc phải phóng một tên lửa chống radar HARM để phá hủy radar của hệ thống Patriot nhưng rất may mắn là không gây chết người cho các trắc thủ ở đài điều khiển, vì đài bố trí cách xa radar.

Lực lượng Không quân Mỹ khẳng định, cuộc tấn công của F-16 là “vô tình”, do phi công không biết rằng radar mà anh ta phóng tên lửa vào, là một hệ thống phòng không Patriot do “quân ta” điều khiển.

Trong khi đó, các phi công khác hoàn toàn ủng hộ hành động của phi công trên. Một phi công F-16 nói:

“Những kẻ đó (Patriot) thường xuyên khóa chặt chúng tôi. Không ai bị thương vong khi khẩu đội Patriot bị bắn trúng, cảm ơn Chúa, nhưng theo tôi, tên lửa của máy bay đã bắn trúng radar, thứ để họ không thể khóa chúng tôi được nữa”.

Nhưng vẫn còn hàng chục hệ thống Patriot trong vùng chiến, và sau đó, vào ngày 2/4/2003, một khẩu đội Patriot đã bắn hạ một máy bay chiến đấu F/A-18 của Hải quân Mỹ ở miền nam Iraq, khiến phi công thiệt mạng.

Mặc dù phi công F/A-18 đã phát hiện ra tên lửa đang phóng tới và cố gắng làm động tác cơ động né tránh nó nhưng không thể, phi công đã không kịp phóng dù thoát thân, chiếc máy bay bị trúng tên lửa tan tành. Vụ việc làm nội bộ Quân đội Mỹ dậy sóng.

Một lần nữa, hệ thống phòng không hiện đại Patriot, đã rõ ràng đã xác định chiếc máy bay của Hải quân Mỹ là tên lửa của Iraq.

Vào cuối chiến dịch tiến công Iraq, chỉ huy Quân đội Mỹ đã ra cho các đơn vị tên lửa Patriot, không được cài đặt bệ phóng tên lửa của họ ở chế độ hoàn toàn tự động và yêu cầu các phi công sử dụng hệ thống hỏi đáp “địch – ta” ở chế độ không mã hóa và đơn giản hơn, đồng thời hứa sửa chữa hệ thống nhận diện “địch – ta” trên Patriot.

LO LẮNG VỀ TƯƠNG LAI

Những giải trình về việc bắn nhầm giữa tên lửa Patriot và máy bay chiến đấu đồng minh, làm Ủy ban Khoa học Quốc phòng Mỹ (DSB) bày tỏ sự lo lắng sâu sắc.

Có ý kiến cho rằng, việc triển khai các hệ thống tên lửa phòng không Patriot trong chiến dịch xâm lược Iraq là quá thừa thãi, khi Iraq đã không còn lực lượng không quân và chỉ phóng một số tên lửa đạn đạo tầm ngắn.

Vụ bắn nhầm rúng động của tên lửa Mỹ: Phi công điên cuồng gọi cứu viện, phá cả vũ khí tiền tỷ để thoát thân - Ảnh 5.

Từng mắc những sai lầm nghiêm trọng, Patriot có thể bảo vệ đội hình chiến đấu của Mỹ?

DSB cảnh báo, với một cuộc chiến với cường độ thấp như cuộc xâm lược Iraq năm 2003, khi Không quân Mỹ hoàn toàn làm chủ trên không, mà vẫn xảy ra những vụ “bắn nhầm” nghiêm trọng như vậy thì các cuộc chiến trong tương lai, với những đối thủ có “số má”, có thể sẽ rất căng thẳng.

Khi đó các khẩu đội Patriot phải đối đầu với các lực lượng không quân rất mạnh như Nga và Trung Quốc hay chí ít là Iran hoặc Triều Tiên, đều có khả năng tác chiến điện tử rất mạnh, thậm chí có thể làm giả các mục tiêu để đánh lừa hệ thống hoặc can thiệp vào việc hỏi đáp “địch – ta”.

Như vậy các hệ thống phòng không chủ lực Patriot làm sao có thể bảo vệ được đội hình chiến đấu? Đây là một câu hỏi không dễ trả lời cho lãnh đạo Quân đội Mỹ.